pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khó ngủ vì cảm giác "giòi bò trong chân", bác sĩ lý giải nguyên nhân
Khó ngủ vì cảm giác giòi bò trong chân
BSCKII Đoàn Thị Huệ, Khoa Rối loạn tâm thần người già và Y học giấc ngủ, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), cho hay, số lượng bệnh nhân gặp rối loạn giấc ngủ tới Viện khám khá cao. Trong một buổi sáng ngồi khám, bác sĩ tiếp nhận khám tới trên 50% bệnh nhân có vấn đề rối loạn giấc ngủ.
Mới đây, bác sĩ Huệ tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân cứ lên giường để đi ngủ là có cảm giác khó ngủ.
Trường hợp thứ nhất, một nữ bệnh nhân cứ lên giường là có cảm giác buồn bực tại chân, gây ra cảm giác khó ngủ. Bệnh nhân có cảm giác như giòi bò trong chân không thể ngủ nổi. Với bệnh nhân này, bác sĩ cần phải khám chuyên sâu để loại trừ Hội chứng chân không yên (RLS). RLS có tỷ lệ mắc cao hơn ở phụ nữ và tăng theo tuổi tác.
Trường hợp thứ hai, bệnh nhân cứ lên giường là hồi hộp khó ngủ. Bệnh nhân được bác sĩ cho thuốc uống nhưng tình trạng càng nặng thêm.
Bác sĩ Huệ cho biết, khi khai thác thêm phát hiện bệnh nhân có rối loạn lo âu gây ra mất ngủ nặng. Bệnh nhân sau khi được chẩn đoán, điều trị thì tình trạng cải thiện và ngủ được.
Mới đây, BSCKII. Phạm Công Huân, Khoa Rối loạn tâm thần người già và Y học giấc ngủ, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Bùi Thi D (42 tuổi) có tiền sử khỏe mạnh, không có tiền sử chấn thương sọ não hay mắc bệnh nội ngoại khoa mạn tính, không có tiền sử dùng chất ma túy.
Chị D là giáo viên cấp 2, cuộc sống gia đình của bệnh nhân hòa thuận, không có mâu thuẫn hay sang chấn tâm lý, kinh tế gia đình của bệnh nhân trung bình. Khoảng gần 1 năm nay, bệnh nhân có biểu hiện ngủ ít dần nhưng không đi khám mà chỉ uống trà an thần.
Khoảng 3 tháng gần đây, chị D ngủ ít, chỉ ngủ được khoảng 2-3 tiếng/ngày, khó vào giấc ngủ hơn, giấc ngủ chập chờn, bệnh nhân thức giấc nhiều lần trong đêm.
Chị D mệt mỏi nhiều nên buổi trưa cố gắng ngủ bù nhưng không ngủ được, bệnh nhân vẫn đi dạy, nhưng gần đây bệnh nhân xuất hiện thêm triệu chứng buồn ngủ, đau đầu.
Không ngủ được khiến cho chị D dễ nổi cáu vô cớ, ăn kém ngon miệng, giảm 2kg trong 2 tháng. Lo lắng cho sức khoẻ, chị đã đi khám ở bệnh viện tuyến dưới và có dùng thuốc 1 tháng nhưng tình trạng mất ngủ không cải thiện.
Chị D chia sẻ, tình trạng mất ngủ trầm trọng hơn. Chị D trở nên nhạy cảm hơn, tiếng động nhỏ cũng làm bệnh nhân tỉnh giấc và không ngủ lại được. Điều này khiến cho chị D không dám ngủ chung giường với chồng vì chồng ngủ ngáy.
Có nhiều đêm chị D mất ngủ trắng đêm, người mệt nhiều, bệnh nhân đi khám và vào viện điều trị nội trú.
Sau 07 ngày điều trị chị D ngủ tốt hơn, mỗi tối ngủ được 5-6 tiếng, ngủ sâu giấc hơn, một vài buổi sáng bệnh nhân cảm thấy uể oải lúc mới dậy nhưng sau lại bình thường. Hiện chị D ăn tốt, cảm xúc hành vi ổn định, vui vẻ.
Cách vệ sinh giấc ngủ
Theo BSCKII Đoàn Thị Huệ, rối loạn giấc ngủ (hay rối loạn thức-ngủ) liên quan đến các vấn đề về chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ, dẫn đến tình trạng mệt mỏi vào ban ngày và suy giảm chức năng.
Rối loạn giấc ngủ gặp ở mọi lứa tuổi. Phụ nữ dễ gặp các vấn đề về giấc ngủ hơn nam giới. Tỷ lệ mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh cao hơn so với những người ở thời kỳ tiền mãn kinh.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hường, Khoa Rối loạn tâm thần người già và Y học giấc ngủ, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, để vệ sinh giấc ngủ, mọi người cần thực hiện một số hoạt động như:
- Không ăn quá no, đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiến rán.
- Tránh hoặc loại bỏ các tác nhân gây kích thích như trà, cà phê, rượu bia, xem tivi, điện thoại, tiếng chuông điện thoại.
- Cố gắng thư giãn, không căng thẳng trước lúc ngủ.
- Cố gắng ăn uống trước khi ngủ 3 tiếng.
Các chuyên gia khuyến cáo nếu gặp các vấn đề về giấc ngủ, mọi người cần đi khám sớm để loại trừ các bệnh lý tâm thần.