pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khói đốt rơm rạ và mối nguy hiểm cho sức khoẻ nếu hít phải thường xuyên
Vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 là mùa vụ thu hoạch lúa của người dân các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Cũng theo ghi nhận từ Tổng cục Môi trường, từ ngày 3/6 cho tới nay, chất lượng không khí của các tỉnh miền Bắc, trong đó có Hà Nội đang có xu hướng bị suy giảm vào ban đêm. Lý do gây ra hiện tượng này là khói đốt rơm rạ.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Tin tức tại một số địa phương như Phủ Lý (Hà Nam), Thường Tín (Hà Nội)… hiện tượng đốt rơm rạ này diễn ra tương đối phổ biến. Theo trục quốc lộ 21B đoạn qua Bình Lục (Hà Nam) hay cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thời điểm xế chiều, rơm rạ thường được người dân chất thành từng đống lớn và đốt bỏ.
Đại diện Tổng cục Môi trường chia sẻ: "Thời gian này thời tiết khô ráo, có nắng mạnh vào ban ngày, rơm rạ ở tình trạng khô thuận lợi cho việc đốt. Tại khu vực nông thôn, sau một ngày phơi nắng, rơm rạ thường được đốt vào buổi tối. Vì vậy các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ và đạt giá trị cực đại vào 20 – 22 giờ hàng ngày".
1. Những ảnh hưởng sức khỏe nguy hiểm do khói đốt rơm rạ gây ra
Chia sẻ với Cơ quan Ngôn luận của Bộ Y tế, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, khi rơm rạ được đốt lên, một lượng bụi mịn có đường kích bằng khoảng 1/30 sợi tóc của bạn sẽ đi sâu vào tận trong của phổi và máu nếu như hít phải từ đó gây ra các bệnh về đường hô hấp cả cấp tính và mãn tính. Các hạt bụi này gọi là bụi mịn.
Một chiếc khẩu trang vải thông thường chỉ ngăn chặn được các hạt bụi kích thước lớn chứ không phải bụi mịn, ngăn được bụi mịn cần có khẩu trang màng lọc chuyên dụng, tuy nhiên đeo thường xuyên lại khá khó chịu.
Việc đốt rơm sẽ sinh ra một lượng khói lớn, ngoài việc gây ra ô nhiễm môi trường thì nguy cơ tai nạn giao thông do đường mù mịt che khuất tầm nhìn cũng sẽ cao hơn.
Được hỏi về tác hại của khói đốt rơm rạ với tình hình sức khỏe con người, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết:
- Trong khói đốt rơm rạ có tính cay, khi hít phải sẽ bị chảy nước mắt và gây ra những kích thích ở họng sinh ra ho, hắt xì hơi hoặc buồn nôn và ngạt thở,...
- Khói đốt rơm rạ sinh ra khí CO được gọi là monoxide carbon, đây là một loại khí rất nguy hiểm nếu hít phải thường xuyên trong thời gian dài. Khí CO gây ra sự thay đổi trong bộ máy hô hấp của bạn, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng phổi hay bị các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), thậm chí là ung thư phổi,...
Ngoài khí CO, trong khói đốt rơm rạ còn có các khí khác như khí CO2, SO2 hay NO2,... cũng là những khí gây độc nếu hít phải trong thời gian dài.
Tuy nhiên vì tính nguy hiểm về sau mà nhiều người chủ quan không phòng tránh, bảo vệ đường hô hấp khi đi qua các khu vực có khói đốt rơm rạ.
Dấu hiệu khi tổn thương đường hô hấp chủ yếu là bị viêm mũi-họng-thanh quản kéo dài; hắt hơi và lâu dần là bệnh đường hô hấp trên mãn tính. Người bị viêm đường hô hấp mãn tính sẽ luôn có cảm giác bị khó thở, không còn khả năng ngăn chặn bụi bẩn hay vi trùng, khí quản tạo ra nhiều đờm hơn khiến đường thở khó khăn.
Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ bị suy hô hấp, suy tim và tử vong là hoàn toàn có thể xảy ra.
2. Giải pháp khắc phục
- Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang đúng cách, che phủ hết mũi và miệng
- Nếu đi qua các khu vực có khói bụi cần thở bằng mũi, không nên thở bằng đường miệng và nguy cơ bụi khói theo đường miệng vào phổi sẽ nhanh hơn
- Hạn chế việc nói chuyện trong khu vực có khói đốt rơm rạ
- Vệ sinh cá nhân, tắm rửa, vệ sinh tai-mũi-họng sạch sẽ khi đi ngoài đường về, đặc biệt là khu vực bị bụi bẩn, ô nhiễm
- Vào thời gian chỉ số ô nhiễm cao, nên hạn chế đi lại ra ngoài, nếu ra ngoài đường cần có những biện pháp bảo hộ cần thiết
- Tổng cục Môi trường khuyến cáo rằng nên hạn chế ra đường vào buổi tối nếu như không có việc gì quá cần thiết trong thời gian này.