Khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH: Gửi 3.000 hồ sơ, thụ lý không đáng kể

16/04/2019 - 17:09
Trong 3 năm, Công đoàn đã gửi khoảng 3.000 hồ sơ khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH sang tòa án, tuy nhiên số hồ sơ được thụ lý và khởi kiện không đáng kể vì còn nhiều vướng mắc.

Tại hội nghị tập huấn về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: Theo Luật BHXH cho hiệu lực từ 2016, công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Trong 3 năm qua, tổ chức công đoàn đã gửi 3.000 hồ sơ sang tòa án đề nghị khởi kiện. Tuy nhiên, số hồ sơ được thụ lý và khởi kiện “không đáng kể” bởi còn nhiều vướng mắc.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, vướng mắc đầu tiên phải nói tới là sự bất cập, thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật. Việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH hiện chịu chi phối của 4 bộ luật hiện hành, gồm: Luật tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH năm 2014 và Bộ luật Lao động năm 2012. 

 

trang5-142b_ooar.jpg
Công nhân Công ty Keo Hwa Vina ủy quyền cho Liên đoàn lao động huyện Hóc Môn (TPHCM) khởi kiện đòi lương, BHXH. Ảnh: KT

 

Bốn luật này quy định thiếu thống nhất với nhau, cụ thể: Có luật quy định công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH; có luật lại quy định công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện; có luật lại chỉ quy định chung là công đoàn có quyền khởi kiện; có luật quy định phải có chữ ký uỷ quyền của từng người lao động - trong khi đó có những doanh nghiệp có tới hàng vạn lao động, thì việc xin chữ ký ủy quyền là điều... không tưởng.

Vì các luật còn mâu thuẫn và có cách hiểu khác nhau, nên tòa án chưa thụ lý các hồ sơ khởi kiện. Đại diện lãnh đạo Tổng liên đoàn cho biết thêm, cơ quan này đã làm việc với Tòa án nhân dân tối cao. Trong đó, ngành tòa án cho rằng nếu tòa án thụ lý thì Viện kiểm sát Nhân dân sẽ kháng nghị, bởi pháp luật chưa rõ ràng. Như vậy, đến này các kiến nghị của công đoàn vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, không nhất thiết phải lấy đầy đủ chữ ký của người lao động khi ủy quyền khởi kiện cho tổ chức công đoàn. Bởi, công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Mặt khác, với những doanh nghiệp có tới hàng chục ngàn lao động thì việc phải lấy chữ ký của từng người là điều bất khả thi.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: tư cách đại diện khởi kiện có thể giao cho tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp vi phạm BHXH; như vậy có thể tránh được “thế khó” của cán bộ công doàn cơ sở khi họ đang là người trực tiếp làm công hưởng lương của chính chủ doanh nghiệp đó.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, khi các quy định pháp luật còn chưa thống nhất, thì cần có quá trình để sửa đổi cho đồng bộ. Đồng thời đang tiến hành xây dựng đội ngũ luật sư công đoàn, đào tạo đội ngũ này để bảo vệ quyền lợi người lao động. Dự kiến đến 2020 sẽ có ít nhất 50 luật sư. Nhờ đó, khi xảy ra tranh chấp, đội ngũ luật sư này có thể độc lập hỗ trợ, bảo vệ người lao động.

nguoi-lao-dong.jpg
Người lao động thuộc các doanh nghiệp nợ đọng BHXH phải chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh minh họa

 

Trong thời gian tới, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn được làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tòa án nhân dân tối cao và các bên liên quan để tìm ra giải pháp, điều chỉnh những vướng mắc hiện nay; có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc công đoàn đại diện người lao động khởi kiện chủ doanh nghiệp nợ BHXH, để việc tiến hành khởi kiện được thuận lợi, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của người lao động.

Liên quan tới vấn đề nợ đọng BHXH, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết: Tính đến 31/3, BHXH đã chuyển 150 hồ sơ vụ việc doanh nghiệp nợ BHXH sang cơ quan điều tra. 

Trong năm 2018, BHXH cũng đã chuyển 45 vụ án và đã khởi tố hai vụ; tuy nhiên khi cơ quan điều tra khởi tố thì chuyển sang tội danh khác như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chứ không khởi tố theo Điều 216 Bộ Luật Tố tụng hình sự về vi phạm trong hành vi trốn đóng, chiếm đoạt bảo hiểm xã hội.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, vẫn còn tình trạng chủ doanh nghiệp và người lao động thoả thuận với nhau việc không đóng BHXH trong hợp đồng lao động. Điều này xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ của người lao động về quyền lợi lâu dài của mình khi nghỉ hưu. Mặt khác, một nhóm người lao động lại chỉ nghĩ tới lợi ích trước mắt và muốn nhận BHXH một lần.  

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 2/2019, tổng số nợ BHXH phải tính lãi trong toàn quốc là 6.654 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do tình hình sản xuất của các đơn vị đang gặp khó khăn; một số đơn vị có ý thức chấp hành chưa tốt quy định về đóng BHXH, BHYT, BHTN;  Số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn còn cao; Một số đơn vị còn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động sử dụng vào mục đích khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm