Khởi nghiệp giúp phụ nữ vượt qua chính mình

Lê Hoa
10/04/2025 - 11:42
Khởi nghiệp giúp phụ nữ vượt qua chính mình

Thành viên Hợp tác xã nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái tại vùng nguyên liệu của hợp tác xã

Đó là đúc rút từ kinh nghiệm bản thân của chị Hoàng Thị Bích Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái (xã Tân Văn, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn).

2 tiếng ngồi sau xe máy của chị Ngọc vào rừng thăm vùng nguyên liệu của hợp tác xã, với chúng tôi, đó là những trải nghiệm thú vị như câu chuyện về hành trình khởi nghiệp của chị. Trên con đường đất quanh co, một bên vực thẳm, một bên vách núi dựng đứng, có những đoạn đường chỉ vừa đúng một bánh xe máy đi qua, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái Hoàng Thị Bích Ngọc chia sẻ: "Ngày nắng có thể đi xe máy, còn ngày mưa thì phải đi bộ gần nửa ngày mới tới nơi. Ngày nào cũng đi trên con đường này nên tôi luôn trăn trở mình có thể làm gì để làm giàu từ mỗi ngọn đồi, mỗi cái cây, mỗi khe suối nơi đây". Cũng từ đây, ý tưởng khởi nghiệp của người phụ nữ dân tộc Tày giàu nghị lực này bắt đầu nhen nhóm.

Chị Hoàng Thị Bích Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái

Chị Hoàng Thị Bích Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái

Hành trình đưa sản phẩm chinh phục thị trường

"Trên con đường khởi nghiệp, tôi luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của Hội LHPN các cấp. Tôi đặc biệt đánh giá cao các lớp tập huấn về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do các cấp Hội tổ chức. Qua những hoạt động này, tôi được tiếp cận với nhiều kiến thức kinh doanh, được các giảng viên hướng dẫn cách xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, cách tính chi phí, hạch toán kinh doanh cũng như cách quản lý hợp tác xã".

Chị Hoàng Thị Bích Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông anh em, năm 2013, chị Ngọc lập gia đình. Lúc đó, gia đình chị chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi nhưng với quy mô nhỏ, thu nhập thấp. Năm 2017, trong một lần tham quan học tập kinh nghiệm chăn nuôi tại tỉnh bạn, chị biết đến mô hình nuôi vịt thả suối và nhen nhóm ý định khởi nghiệp từ chăn nuôi. Năm 2018, chị bàn với chồng sử dụng số vốn dành dụm được để mua 100 con vịt giống về nuôi. Nhưng do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi quy mô lớn nên đàn vịt bị nhiễm bệnh, chết gần một nửa đàn. "Lúc ấy, nhiều người đã ngăn cản tôi: Đàn bà thì ở nhà chăm con, làm ruộng, làm nương thôi, không cần làm kinh tế, khởi nghiệp gì cả. Nhưng tôi thấy, việc làm giàu không phân biệt nam - nữ. Mình khát khao được vươn lên, được khẳng định bản thân và thử sức phát triển kinh tế từ tài nguyên của quê hương mình. Vậy là tôi bắt đầu xác định mục tiêu cần theo đuổi để có định hướng phát triển rõ ràng. Nhận thấy hạn chế của mình cũng như nhiều chị em khác trong thôn là thiếu kiến thức, kỹ năng, cũng không có nhiều mối quan hệ xã hội để có thể đi đường dài, tôi bắt đầu tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả. Ở đâu có mở lớp tập huấn là tôi chủ động tham gia, đặc biệt là các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do các cơ quan chức năng của huyện tổ chức. Tôi cũng lên mạng để tìm hiểu các mô hình hay, từ đó ứng dụng trong phát triển kinh tế gia đình", chị Ngọc nhớ lại.

Khởi nghiệp giúp phụ nữ vượt qua chính mình- Ảnh 2.

Các thành viên Hợp tác xã nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái với sản phẩm hoa hồi

Nhờ sự nỗ lực, mô hình chăn nuôi vịt thả suối của chị Bích Ngọc dần phát triển. Nhận thấy tiềm năng nông sản, dược liệu của địa phương, chị đã mạnh dạn xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi và dược liệu tán hồi. Hào hứng giới thiệu với chúng tôi vùng nguyên liệu rộng ngút ngàn, chị Ngọc cho biết: "Hoa hồi Lạng Sơn cho hương thơm đậm đà hơn nhiều nơi khác, đây là loại cây mang đến nguồn thu nhập chủ yếu cho nhiều gia đình nơi đây. Nhưng chỉ trồng hồi, thu hái hoa 2 vụ mỗi năm thì rất lãng phí tài nguyên. Vì vậy, tôi đã có ý tưởng trồng thêm nhiều loại cây khác như macca, trà xanh… dưới tán hồi, để có thêm thu nhập".

"Tham gia dự án khởi nghiệp cùng chị Ngọc và Hợp tác xã nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái, tôi không chỉ có nguồn thu nhập ổn định mà còn có cơ hội giao lưu, kết nối với nhiều chị em khác. Nhờ đó, tôi có thêm kiến thức và năng động hơn".

Chị Tạ Thị Hằng, người Nùng, thành viên Hợp tác xã nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái

Mong muốn giúp phụ nữ nghèo tại địa phương thoát nghèo, năm 2023, chị Hoàng Thị Bích Ngọc đã thành lập Hợp tác xã nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái. Đây là hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý đầu tiên của huyện Bình Gia. Thế mạnh của hợp tác xã là sản xuất các mặt hàng nông, lâm sản, đặc biệt là trồng rừng, chăn nuôi bằng nguồn tài nguyên bản địa.

Không dừng ở đó, bắt nhịp với kỷ nguyên số, các chị em trong hợp tác xã đã chủ động học tập, ứng dụng công nghệ trong xây dựng thương hiệu và bán hàng. Hiện tại, hợp tác xã đã có fanpage, có kênh Tiktok… Từ đó, những sản phẩm của hợp tác xã như: Nho, thạch đen, thịt lợn rừng, lợn mán, hoa hồi… được nhiều người biết đến và có mặt trên các sàn thương mại điện tử. "Những cánh hoa hồi nhỏ xíu vậy thôi nhưng đã có khách đặt hàng để xuất khẩu sang thị trường châu Á, châu Âu rồi. Hợp tác xã đã tạo được đầu ra cho nông sản địa phương, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở đây", chị Ngọc cho biết.

"Lớn" dần qua các cuộc thi khởi nghiệp

Là một phụ nữ năng động, dám nghĩ, dám làm, chị Hoàng Thị Bích Ngọc còn được nhiều người biết đến là một gương mặt ấn tượng trong các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp. Trong đó, nhiều dự án của chị đã được trao giải thưởng. Năm 2022, tại cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn tổ chức, đề tài "Nuôi vịt cổ xanh thả suối gắn với sinh kế tại địa phương" của chị Bích Ngọc đã đạt giải Khuyến khích. Năm 2023, dự án "Xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi, dược liệu dưới tán rừng hồi từ tài nguyên bản địa gắn với sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Tân Văn, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn" đã đạt giải Khuyến khích cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" khu vực miền Bắc. Chị Bích Ngọc cũng đã vượt qua hơn 500 thí sinh, giành giải Nhì cuộc thi "Khi phụ nữ làm chủ" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Khởi nghiệp giúp phụ nữ vượt qua chính mình- Ảnh 3.

Phụ nữ Lạng Sơn tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024

"Tôi tham dự các cuộc thi không phải với mục đích lấy giải thưởng mà để học hỏi kiến thức về nông nghiệp, kinh doanh và kỹ năng số, từ đó ứng dụng trong quảng bá sản phẩm và tiêu thụ nông sản cho bà con. Qua các cuộc thi này, tôi thấy mình "lớn" dần, tự tin hơn vào con đường khởi nghiệp mà mình đang theo đuổi", chị Ngọc tâm sự. Cũng từ những bài học kinh nghiệm rút ra sau các cuộc thi, chị Hoàng Thị Bích Ngọc đã dành hết tâm huyết hướng dẫn, hỗ trợ chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại Lạng Sơn khởi nghiệp và tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do các cấp Hội tổ chức.

Không ngừng nỗ lực vươn lên, chị Hoàng Thị Bích Ngọc đang truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương vượt qua khó khăn, rào cản định kiến giới để nâng cao quyền năng kinh tế của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm