Tập trung vào các sản phẩm du lịch trải nghiệm chân thực, dự án Làng văn hóa du lịch Jrai, xã Ia Mơ Nông của chị H'Uyên Niê đã liên kết, hỗ trợ tạo việc làm cho hội viên phụ nữ, hội viên yếu thế, khó khăn. Nhờ đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời kết nối, gắn kết và phát triển, tạo ra giá trị kinh tế cho cộng đồng.
Làng Kép ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah cách thành phố Pleiku khoảng 30km, nơi vùng đất Gia Lai, Tây Nguyên đầy nắng gió đang đổi thay từng ngày nhờ có sự phát triển của mô hình du lịch cộng đồng. Vừa thoăn thoắt sắp xếp, bày biện các sản phẩm thổ cẩm do các chị em trong làng làm ra, chị H'Uyên Niê vừa thủ thỉ về câu chuyện chị em làm du lịch.
Chị H'Uyên Niê cho biết, xã Ia Mơ Nông có hơn 80% dân số là người Jrai và nghề dệt thổ cẩm được đồng bào Jrai lưu truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi tấm vải thổ cẩm được phụ nữ Jrai dệt nên thực sự là một tác phẩm nghệ thuật công phu gửi gắm nhiều tâm huyết, cũng như thể hiện sự tài hoa của từng nghệ nhân.
Tự hào về nghề dệt thổ cẩm truyền thống, chị H'Uyên Niê đã quyết tâm cùng chính quyền địa phương và các chị em người Jrai trong làng thành lập tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng. Qua đó, giới thiệu, quảng bá và lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán của người dân tộc Jrai đến với khách hàng trong, ngoài nước, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ yếu thế. Đó cũng chính là động lực để chị xây dựng Mô hình du lịch cộng đồng "Làng Văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông".
Chị H'Uyên Niê quyết tâm cùng chính quyền địa phương và các chị em người Jrai trong làng thành lập tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng
Các hoạt động trải nghiệm trong mô hình "Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông" đang được triển khai quy củ và thiết kế như một tour du lịch chuyên nghiệp. Khách du lịch sẽ được ghé thăm nhà rông của làng, khu nhà mồ, thăm ruộng lúa, ngắm sông, thăm thác Công chúa, trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của bà con Jrai như giã gạo, đan lát, dệt thổ cẩm, nướng gà, nướng thịt heo, làm món ăn dân gian… Đêm đến, du khách còn được thưởng thức ẩm thực, nghe hát dân ca, xem trình diễn cồng chiêng và múa xoang cùng bà con trong làng.
Đặc biệt, sản phẩm ẩm thực được thu mua từ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, đảm bảo nguồn gốc và có kèm theo các mặt hàng lưu niệm nhằm phục vụ cho việc mua làm quà tặng cho người thân và gia đình.
Chị H'Uyên Niê cho biết, cuộc sống của phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương từ khi có mô hình du lịch trải nghiệm đã thay đổi rõ rệt. Trước đây, các chị chỉ biết làm nông, chăn nuôi tự cung tự cấp, nhưng từ khi biết làm du lịch, mỗi người dân trong làng đều có thể là một hướng dẫn viên tích cực, phục vụ du khách. Chúng tôi đã khai thác nét đẹp của không gian cư trú, nét độc đáo của di sản văn hóa dân tộc mình để đưa vào các hoạt động trải nghiệm, khám phá.
Các gia đình không chỉ có thêm thu nhập mà cuộc sống của chị em cũng phong phú hơn. Từ các chị phụ nữ trung niên, thiếu nữ đến trẻ em đều có thể tham gia làm du lịch cộng đồng như: Dệt thổ cẩm, mặc trang phục truyền thống làm người mẫu chụp ảnh cùng du khách, tham gia biểu diễn tái hiện lại các lễ hội truyền thống như: Lễ mừng lúa mới, lễ cầu sức khỏe…
Làng du lịch hướng đến phát triển mô hình du lịch cộng đồng có trách nhiệm. Đây sẽ là mô hình du lịch góp phần bảo vệ tài nguyên bản địa, bảo tồn bản sắc văn hóa, lưu giữ và lưu truyền lại cho lớp trẻ những giá trị văn hóa phi vật thể, tạo việc làm cho bà con, tiêu thụ nông sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và tăng thu nhập cho người dân tộc Jrai nơi đây.
"Thông qua mô hình, phụ nữ dân tộc thiểu số có thể giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán giàu bản sắc của đồng bào Jrai, tận dụng những cảnh quan, văn hóa, phong tục tập quán sinh hoạt hàng ngày, biến những điểm yếu thành những điểm mạnh, lợi thế để thu hút du khách ở các vùng miền trong và ngoài nước. Từ đó, tập trung quy hoạch, gắn kết phát triển du lịch cộng đồng với việc hình thành các đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng", chị H'Uyên Niê chia sẻ.
Chia sẻ của chị H’Uyên Niê. Thực hiện: Nhóm PV
Trung bình mỗi năm,"Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông" thu hút hơn 5.000 khách du lịch (trong đó, lượng khách nước ngoài chiếm khoảng 40%) đến trải nghiệm không gian văn hóa và thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên.
Nghệ nhân dệt thổ cẩm Rơ Châm Mir, làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông chia sẻ
Trước đây khi chưa phát triển du lịch, thu nhập của gia đình tôi thấp lắm, chẳng đủ ăn đâu, chủ yếu phụ thuộc vào vườn cà phê nhỏ. Kể từ khi tham gia mô hình phát triển du lịch, cuộc sống của tôi và nhiều người đã thay đổi. Thu nhập tăng cao gấp nhiều lần, trẻ con được đi học đầy đủ, không còn phải bỏ học đi kiếm tiền giúp gia đình nữa.
Chị Rơ Châm Hà, thành viên trong mô hình “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông”
Trên chặng đường phát triển mô hình du lịch cộng đồng, H'Uyên Niê cho biết, chị luôn được các cấp Hội LHPN trực tiếp sát cánh, hỗ trợ về chính sách, công tác tư tưởng, hoàn thiện hồ sơ, các bước tiếp cận… để tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp các cấp. Năm 2023, Dự án "Làng văn hóa du lịch Gia Rai xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh" của chị H'Uyên Niê đã giành giải Nhất cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp khu vực miền Trung.
Mô hình có thể tìm đầu ra cho các sản phẩm nghề dệt và nghề đan lát truyền thống; tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản sạch của các gia đình hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn, phụ nữ già yếu. Mục đích tạo điều kiện giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ, giúp chị em có công việc thường xuyên, có thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Mô hình cũng mở ra cơ hội truyền nghề cho thanh thiếu niên trong xã và các xã lân cận. Trong đó, quan trọng nhất là giúp chị em và nhân dân trong làng thay đổi nếp nghĩ cách làm, tự giác vươn lên làm ăn, biết tích lũy, giữ gìn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống của tộc người mình; nâng cao vị thế, khẳng định vai trò của bản thân trong gia đình và ngoài xã hội.
Năm 2023, Dự án "Làng văn hóa du lịch Gia Rai xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh" của chị H'Uyên Niê đã giành giải Nhất cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp khu vực miền Trung.
Cùng với các hoạt động phát triển du lịch, chị H'Uyên Niê đang cùng với chính quyền vận động, khuyến khích lớp trẻ học cách biểu diễn cồng chiêng, dệt đan lát để kế thừa và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống. Đồng thời, xây dựng đội cồng chiêng trẻ, tổ chức lớp dạy dệt thổ cẩm… Trong thời đại công nghệ số, tận dụng sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng Internet, đặc biệt là các mạng xã hội, chị H'Uyên Nie cùng các chị em trong mô hình đã cùng nhau đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch của mình lên các nền tảng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm.
"Mong muốn lớn nhất của tôi là sản phẩm văn hóa của người bản địa, của nghệ nhân sẽ được lan tỏa không những ở trong nước mà còn ở các nước khác để cộng đồng biết đến giá trị của bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Từ đó đưa nguồn tài nguyên của người địa phương tiếp cận gần hơn với thế giới, tạo ra thu nhập để người bản địa tự tin hơn" - chị H'Uyên Niê nhấn mạnh.
Hiện nay, mô hình "Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông" thu hút hơn 5.000 khách du lịch mỗi năm, trong đó, lượng khách nước ngoài chiếm tới khoảng 40%. Nhờ đó, mô hình đã tạo sinh kế cho nhiều phụ nữ và người dân trong xã, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.