Không bán nước ngọt trong trường học: Cần có chế tài

23/12/2017 - 14:23
Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị 46/CT-TTg về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.

Một trong những nội dung đáng chú ý là yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học.

Đây là một vấn đề đã được nhiều phụ huynh nói tới từ lâu. Hiện hầu hết các căn tin trong trường học đều có bán nhiều loại nước ngọt có ga. Không chỉ những loại đồ uống có thương hiệu, được các hãng có uy tín sản xuất, mà ở đó còn bày bán nhiều loại nước ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có các thông tin về thành phần, hạn sử dụng cũng như những cảnh báo độc hại trên bao bì.

1.jpg
Nhiều loại nước ngọt có ga, không nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán tràn lan trong các căn tin trường học

 

Trong đó, rất nhiều loại nước ngọt sử dụng phẩm màu và đường hóa học với hàm lượng lớn. Những loại đồ uống này rất được học sinh ưa chuộng, vì khi uống có thể khiến cho môi và lưỡi trở nên… đỏ lừ, xanh lè hay đen xì… Hơn nữa, giá mỗi chai nước chỉ 2.500-3.000 đồng, phù hợp với “túi tiền” của nhiều học sinh.

Được biết ở nhiều nơi, phòng GD-ĐT đã có quy định chỉ những thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, có kiểm tra vệ sinh được xác định là thực phẩm an toàn thì mới được phép bán trong căn tin trường học. Tuy vậy, nhân viên căn tin vẫn cố tình mang các loại thức ăn, đồ uống không xuất xứ vào bán trong trường. Hiện nay chưa có quy định về xử phạt khi phát hiện căn tin trường làm trái nên trong quá trình kiểm tra, dù phát hiện làm trái quy định nhưng cơ quan chức năng cũng chỉ dừng lại ở việc yêu cầu phải “thực hiện nghiêm túc”.

Hiện tại, hầu hết việc đấu thầu căn tin do trường tự quyết. Mặc dù trong các bản hợp đồng đều có quy định về những mặt hàng được phép mua bán, nhưng trên thực tế, vì lợi nhuận mà nhiều nhân viên vẫn bày bán những mặt hàng không được phép.

2.jpg
Những thực phẩm và đồ uống độc hại gây ảnh hưởng zấu đến sức khỏe nhiều học sinh

 

Chính những sản phẩm độc hại này đã gây nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe của học sinh. Ở TPHCM có tới hơn 50% học sinh tiểu học bị thừa cân, béo phì. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM, cho biết: “Tâm lý của những trẻ thừa cân béo phì là các cháu thích ăn đồ ngọt, nước ngọt có ga, thức ăn nhanh... Những thực phẩm này có thể tác động làm các cháu không kiểm soát được cân nặng”.

Ở các căn tin trường học, “cung – cầu” gặp nhau, nên việc kiểm soát các sản phẩm đồ uống không đảm bảo chất lượng là rất khó, nếu không có những hình thức chế tài cụ thể và đủ mạnh.

Theo một số phụ huynh, căn cứ trên Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các phòng GD-ĐT và các nhà trường cần bổ sung vào quy định, hợp đồng những hình thức xử phạt nặng đối với hành vi mang đồ uống có ga và thực phẩm không có lợi cho sức khỏe học sinh vào bán trong căn tin trường học. Không chỉ trong phạm vi nhà trường, mà cần “dọn dẹp” các quán hàng rong trước cổng trường, bởi đó cũng là nơi chuyên bán nhiều loại thực phẩm và đồ uống không đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tại Chỉ thị nói trên, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành Giáo dục tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, triển khai chương trình sữa học đường; tăng cường vận động thể lực cho trẻ em, học sinh; yêu cầu Bộ GD&ĐT phải phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để giáo dục, hướng dẫn về dinh dưỡng và vận động thể lực phù hợp cho trẻ em, học sinh; đặc biệt là cho nhóm tuổi tiền dậy thì và dậy thì.

4.jpg
Đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn học đường là một trong những yêu cầu nhằm tăng cường thể lực và trí lực cho học sinh

 

Tăng cường lồng ghép các chương trình giáo dục thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với trẻ em, học sinh trong trường học vì mục đích phát triển trẻ thơ toàn diện; tăng cường phối hợp với ngành y tế để theo dõi, giám sát tình trạng dinh dưỡng, các can thiệp dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh trong trường học.

Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp tập trung đẩy mạnh chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học và dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình, nhằm sớm chấm dứt các thể suy dinh dưỡng. 

Tập trung phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù, sử dụng nguồn thực phẩm tại địa phương và phù hợp với khẩu vị theo vùng, miền…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm