Nhiều người nghĩ rằng, trẻ tô đẹp có nghĩa là trẻ giỏi nhưng tôi lại có cảm giác không ổn với bài học này.
Khi trẻ tô màu vào khung, vô hình trung chúng ta đã ép trẻ vào một khuôn khổ. Trong khi đó, khả năng sáng tạo của con người thường tốt nhất khi còn nhỏ. Càng lớn, khả năng đó càng thui chột.
Chúng ta ép trẻ vào khuôn khổ của quy tắc cộng đồng, rồi pháp luật thì rất tốt vì nó sẽ giúp trẻ sống an toàn và vui tươi. Nhưng ép trẻ vào khuôn khổ của cảm nhận hình ảnh, âm thanh, màu sắc... thì sẽ dần làm mất đi khả năng sáng tạo của trẻ.
Chơi với màu sắc là trẻ cần được sử dụng hộp màu hoàn toàn thoải mái theo ý đồ riêng của chúng. Thậm chí chúng có thể bôi lem nhem khắp nơi với đủ loại màu và sự phối kết hợp khác nhau. Tô màu theo khuôn với những nguyên tắc cuộc sống sẽ khiến cho trẻ bị gò mình vào một sự lặp lại nhàm chán.
Hãy để trẻ có thể tô màu theo ý mình. Bọn trẻ có những lý lẽ riêng để giải thích cho việc tô màu đó. Ảnh minh họa: Internet |
Hãy để trẻ có thể tô màu theo ý mình, màu da mẹ có thể là xanh lá cây, còn lá cây lại có thể xanh da trời... Theo tôi, bọn trẻ có những lý lẽ riêng để giải thích cho việc tô màu đó.
Tôi từng há hốc miệng khi thấy một bé lớp 2 tô màu một con mèo vàng nhưng bốn chân lại màu xanh da trời. Hỏi thì con giải thích: Con mèo đi chơi bị ướt chân. Không phải cái gì chúng ta nghĩ cũng luôn đúng.
Tôi không mua cho con một quyển tô màu nào. Ngay cả những trường mầm non ở Đức mà tôi có dịp thăm quan, tuyệt nhiên không thấy có môn tô màu trong lớp mầm non mà chỉ thấy môn vẽ tự do.
Vì vậy, tôi nghĩ, hãy cho trẻ chơi với màu sắc thoải mái và tự do. Một bức tranh đẹp là một bức tranh thể hiện được suy nghĩ và cảm nhận của tác giả. Bức tranh đẹp của con không có nghĩa là bức tranh giống hệt như thật hay phải giống với suy nghĩ của tất cả mọi người.