Không thích đi học vì cô giáo chấm điểm thiên vị

18/08/2015 - 15:58
Cô giáo không ít lần thẳng thắn nhận xét về Thanh trên lớp với thái độ gay gắt. Trong khi đó, bạn học kém mà bài kiểm tra vẫn cao hơn Thanh, vì ba má bạn “chăm sóc” cô tốt.
Không hiểu vì lý do gì mà Bích Thanh (Q5, TP.HCM) thường tỏ ra không muốn đến lớp. Thi thoảng, má của Thanh còn nghe thấy con mình lầm bầm “chửi” giáo viên nào đó.

Chị để ý tìm hiểu mới biết, con có ác cảm với giáo viên khi thời gian gần đây xuất hiện một số clip thầy giáo đánh trò ngay trên bục giảng. Khi đem chuyện này trao đổi với con gái, con bé thậm chí còn xẵng giọng nói với má: “Nếu đổi lại là con, con cũng không tha cho thầy!”, “Sao là thầy giáo mà lại đánh trò như vậy được?”…

Qua một vài bạn thân của con, má của Thanh cũng phát hiện ra con mình cảm thấy bất bình khi chứng kiến những chuyện tiêu cực ở trường, lớp. Bạn học kém mà bài kiểm tra vẫn cao, con biết ba má bạn “chăm sóc” cô tốt, trong khi con đầu tư rất nhiều thời gian cho học tập, điểm vẫn thấp hơn bạn đó.

Cô giáo cũng không ít lần thẳng thắn nhận xét về Thanh trên lớp với thái độ gay gắt, khiến con cảm thấy xấu hổ với bạn bè. Lựa lúc con vui vẻ, chị vỗ về con: “Má hiểu con buồn nhưng con thử nghĩ xem, cô giáo đứng trên bục giảng, vừa có trách nhiệm dạy cho học sinh hiểu bài, vừa phải giữ gìn trật tự lớp học. Lớp con có gần 50 bạn, là 50 cá tính khác nhau.
Cô giáo cũng không ít lần thẳng thắn nhận xét về Thanh trên lớp với thái độ gay gắt, khiến con cảm thấy xấu hổ với bạn bè. Ảnh minh họa
Có lúc, cô không kiềm chế được cơn nóng giận nên có thể nói với các con không được nhẹ nhàng. Cũng như má, thi thoảng má mắng con nhưng sâu thẳm vẫn là tình yêu thương vô bờ bến dành cho con. Nếu con nghĩ được như vậy, con sẽ thông cảm với giáo viên của mình. Hầu hết các thầy cô giáo chỉ muốn tốt cho các con, không giáo viên nào muốn làm tổn thương các con đâu”.

Sau cuộc nói chuyện Thanh có vẻ thoải mái hơn nhưng không dừng ở đó, má của Thanh vẫn trực tiếp điện thoại hẹn gặp giáo viên của con. Chị chia sẻ để cô giáo hiểu, Thanh vốn là đứa trẻ nhạy cảm, chỉ cần nghe nói nặng, Thanh sẽ lập tức nghĩ ngay đến chuyện mình bị… ghét bỏ hay hắt hủi.

Chị mong cô giáo có thể giúp con chị mạnh mẽ hơn trong môi trường lớp học đông đúc, thầy cô không thể theo sát từng cá nhân. Về phần mình, chị cũng hứa với cô giáo sẽ tiếp tục đồng hành cùng con, nhanh chóng “gỡ rối” khi con gặp khó khăn, không để con rơi vào trạng thái buồn bã triền miên.

Trong những lần trò chuyện, má của Thanh cũng không quên kể với con cách để kìm chế cơn nóng giận và chia sẻ với con rằng, con người không ai có thể nắm tay cả ngày, ai cũng sẽ có lần phạm lỗi. Nếu con thấy, đó là chuyện có thể tha thứ được thì nên góp ý chân thành để người đó sửa sai.

Khi con làm được điều đó, con sẽ thấy lòng nhẹ nhõm, sẽ thấy trái tim mình ấm áp và biết sống bao dung. Nếu con cảm thấy buồn bã chuyện gì, đừng ngại tâm sự với má và bạn bè thân thiết. Má và các bạn sẽ giúp con giải tỏa nỗi buồn, tránh để sự ức chế tích tụ lại, lâu ngày sẽ bùng phát gây hậu quả khó lường.

“Con hãy đối xử với mọi người bằng tình cảm yêu thương, má tin chắc con cũng sẽ nhận lại những tình cảm chân thành”, câu nói đó của má đã khiến Thanh suy nghĩ rất nhiều.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm