pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khủng hoảng của Boeing đe dọa đến phát triển của hàng không toàn cầu
Sự cạnh tranh giữa Airbus (châu Âu) và Boeing (Mỹ) được mô tả là một “độc quyền kép” (duopoly - khi chỉ hai nhà sản xuất chi phối một thị trường nhất định) của thị trường máy bay phản lực cỡ lớn kể từ những năm 1990. Ảnh: Financial Times
Trong khi các xưởng lắp ráp của hãng sản xuất máy bay đến từ châu Âu – Airbus, đang hoạt động hết công suất để đáp ứng đơn đặt hàng cho 7.197 chiếc máy bay Airbus A320 thân hẹp thì đối thủ là Boeing lại đang chìm trong khủng hoảng. Airbus A320 là dòng máy bay bán chạy nhất của hãng Airbus.
Vụ việc cửa chiếc máy bay của hãng hàng không Alaska Airlines (Mỹ) bị bung ra khi đang bay trên không vào ngày 5/1/2024 đã làm dấy lên những lo ngại về độ an toàn đối với dòng máy bay Boeing 737 Max. Dòng máy bay này là nguồn thu chính cho mảng máy bay thương mại của Boeing và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Airbus A320.
Các nhân viên cứu hộ tại hiện trường vụ rơi máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines vào năm 2019. Đây là vụ rơi máy bay thứ hai có liên quan đến dòng Max 737 của Boeing, sau vụ đầu tiên vào năm trước đó với hơn 100 nạn nhân (ảnh trái); một điều tra viên xem xét chiếc máy bay bị bung cửa giữa chuyến bay của hãng hàng không Alaska Airlines. Vụ việc đã khiến các máy bay dòng Max 9 của Boeing tạm thời bị cấm cất cánh. Ảnh: AP
Đây là sự cố mới nhất của của tập đoàn trị giá hàng trăm tỷ đô-la này. Vào năm 2018 và 2019, dòng máy bay 737 Max 8 liên quan đến hai vụ tai nạn khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Phiên bản dài hơn là Max 9 cũng đã từng bị không cho phép cất cánh trước khi được các nhà chức trách Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm một vài tuần trước.
Các cuộc điều tra về quy trình sản xuất tại Boeing và Spirit AeroSystems, đơn vị chế tạo thân máy bay cho các dòng Max, đang được tiến hành. Các nhà đầu tư của Boeing hiện đang đề nghị câu trả lời từ tập đoàn. Alaska Airlines và United Airlines, các hãng hàng không đặt mua nhiều máy bay Max 9 nhất, cũng đã đều chỉ trích hãng sản xuất máy bay.
Cuộc khủng hoảng của Boeing không chỉ ảnh hưởng đến vị thế dẫn đầu của hãng. Một số chuyên gia cân nhắc khả năng cán cân quyền lực đã nghiêng về phía Airbus trong thế cạnh tranh của 2 ông lớn vốn chi phối ngành hàng không này.
Boeing - Airbus: Hai gã khổng lồ của bầu trời
Trên thế giới hiện nay, hầu như mọi máy bay thương mại đều được chế tạo bởi Airbus hoặc Boeing. Cuộc cạnh tranh xuyên Đại Tây Dương kéo dài 5 thập kỷ của hai hãng là nền tảng cho sự bùng nổ về số lượng khách bay và đã dẫn đến những đổi mới giúp giảm chi phí bay và mang du lịch đến gần hơn với công chúng.
Những chuyên gia trong ngành hang không cho rằng, thế giới cần sự mạnh mẽ của cả Boeing và Airbus. Đây là yếu tố sống còn cho "sức khỏe" của ngành hang không thế giới. "Có một Boeing mạnh mẽ và một Airbus mạnh mẽ là hoàn toàn cần thiết. Việc cả hai hãng này đều khỏe để phải cạnh tranh với nhau, không chỉ kéo giảm chi phí mà còn có ý nghĩa quan trọng cả về phát triển công nghệ", ông Michael O'Leary, Giám đốc điều hành Ryanair, một trong những khách hàng lớn nhất của Boeing, nói.
Thế nhưng kỳ vọng trên hiện đang phụ thuộc khả năng xoay chuyển tình thế của Boeing trước có sự cố vừa qua. Nếu không thành công, chuỗi cung ứng của ngành và các hãng hàng không sẽ gánh chịu hậu quả. "Đã có sự thay đổi về quyền lực: Airbus đang bán nhiều hơn gấp hai lần Boeing đối với thị trường máy bay thân hẹp", nhà phân tích Ron Epstein của ngân hàng Bank of America cho biết.
Theo công ty phân tích hàng không Cirium, đến năm 1999, Airbus đã chiếm 50% thị phần trong thị trường máy bay một lối đi, chủ yếu nhờ dòng A320 nổi tiếng, với chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào năm 1987. Kể từ đó, hãng sản xuất máy bay châu Âu đã bổ sung các biến thể mới cho dòng máy bay, bao gồm A320neo và A321neo, có động cơ tiết kiệm hơn. Đây là một đặc điểm quan trọng đối với các hãng hàng không muốn tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải carbon.
Sự ra mắt của A320neo và việc gần như mất đi một khách hàng độc quyền là hãng hàng không American Airlines đã thúc đẩy Boeing tung ra phiên bản cải tiến của dòng 737 bán chạy nhất với tên gọi 737 Max vào năm 2011. Max không chỉ có hàng sớm hơn mà còn có động cơ tiết kiệm nhiên liệu giống như A320neo để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng đặt mua.
Tuy nhiên vụ việc hai chiếc máy bay Max 8 bị rơi đã dẫn đến việc toàn bộ các máy bay thuộc dòng này bị ngừng hoạt động trong gần hai năm kể từ tháng 3 năm 2019. Kết hợp với những gián đoạn do đại dịch gây ra, khiến hoạt động hàng không quốc tế gần như đình trệ, Boeing đã hứng chịu nhiều thiệt hại dẫn đến việc Airbus thống trị thị trường máy bay thân hẹp.
Ông Aengus Kelly, Giám đốc điều hành của AerCap, công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới, cho biết: "Thị phần đã chuyển mạnh sang Airbus với việc ra mắt A320neo. Điều đó sẽ không thay đổi. Bởi vậy, Boeing nên tập trung vào thế hệ máy bay tiếp theo và xây dựng một "đối thủ nghiêm túc" để cạnh tranh với bất kỳ sản phẩm nào mà Airbus có thể cho ra mắt.
Tương lai của ngành hàng không thế giới
Những khó khăn của Boeing đã làm sống lại cuộc tranh luận về việc liệu có những đối thủ cạnh tranh mới đủ sức thách thức thế độc quyền lâu dài giữa hãng sản xuất Mỹ và châu Âu hay không.
Một đối thủ tiềm năng đã được nhắc đến từ lâu là Comac, một hãng sản xuất máy bay Trung Quốc. Được hậu thuẫn lớn, Comac có hy vọng sẽ chiếm lĩnh được một phần thị trường hàng không thương mại toàn cầu với dòng máy bay chở khách thân hẹp C919.
"Việc nội địa hóa quá trình sản xuất máy bay sẽ diễn ra nhanh hơn mọi người nghĩ", Fu Shan, giáo sư tự động hóa tại Đại học Giao thông Thượng Hải, đơn vị có nhóm nghiên cứu tham gia thử nghiệm tiêu chuẩn cho C919, cho biết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng Comac trở thành đối thủ cạnh tranh trong tương lai gần.
Nhưng vẫn còn những đối thủ tiềm năng khác. Chẳng hạn, tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng Brazil là Embraer có thể được khuyến khích tham gia vào thị trường hàng không dân dụng. Embraer là nhà sản xuất máy bay lên tới 120 chỗ ngồi dành cho các chuyến bay ngắn hàng đầu trong khu vực.
Tuy nhiên nhiều người cho rằng Embraer sẽ thận trọng trong việc đối đầu với hai gã khổng lồ của ngành hàng không. Bombardier, công ty công nghiệp hàng đầu trước đây của Canada, đã gần như phá sản khi cố gắng cạnh tranh bằng một dòng máy bay một lối đi nhỏ - C-series.
Tất cả những dấu hiệu này cho thấy sẽ không có sự cạnh tranh thực sự nào trong thời gian tới. Ông Nick Cunningham đến từ Agency Partners, một công ty tư vấn ở London, cho biết: "Thế độc quyền của hai công ty đang hoạt động tốt. Hiện tại chưa có đối thủ cạnh tranh nào đáng để nói đến".
Một số người theo dõi Boeing lâu năm tin rằng cách duy nhất để tập đoàn lấy lại thị phần là tung ra một loại máy bay một lối đi mới. Tuy nhiên Boeing cho biết họ không có kế hoạch phát triển sản phẩm mới cho đến giữa những năm 2030 vì họ tin rằng các mẫu mới sẽ không đạt đủ mức tiết kiệm nhiên liệu mong muốn".
Hiện tại, Boeing có thể trông đợi vào việc các hãng hàng không đang cần máy bay phục vụ thị trường của họ khi nhu cầu đi lại của hàng không tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, Airbus đã kín đơn đặt hàng cho đến năm 2030. Đây chính là cơ hội để Boeing có thể xoay sở vượt qua thời kỳ khó khăn.