pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khuyết điểm của đứa trẻ học từ bố hay mẹ nhiều hơn?
Ảnh minh họa
Trên diễn đàn dành cho phụ huynh ở Trung Quốc, có một chủ đề đưa ra thu hút được sự chú ý. Một người kể, cô đến nhà anh họ chơi, vừa bước vào cửa đã nghe chị vợ không ngừng mắng chồng: "Nhìn hai cha con anh xem. Quần áo vớ vứt tứ tung, chân tay lấm bẩn bôi khắp nhà, anh không thể dạy con trai mình điều gì tốt hơn sao?". Người chồng trả lời giận dỗi: "Được rồi, cái tốt anh không dạy con, toàn dạy điều xấu. Con hư tại cha hết cả, được chưa?".
Và tình huống như vậy, tin rằng có lẽ gia đình nào cũng từng xuất hiện. Câu hỏi được đặt ra và nhận về rất nhiều bình luận đó là: Tính khí hay khuyết điểm của đứa trẻ học theo cha hay mẹ nhiều hơn? Thật ra, tâm lý học đã đưa ra câu trả lời.
Từng có một đoạn video quay cảnh một em bé nghịch ngợm giả vờ uống nước bằng chiếc cốc rỗng trên mạng thu hút sự chú ý của nhiều bậc cha mẹ. Trong video, em bé mô tả kiểu uống rượu của bố, cả tư thế và biểu cảm đều sống động như thật. Sở dĩ đứa trẻ có thể bắt chước như vậy có liên quan nhiều đến hình ảnh và cách cư xử của người cha ngày thường.
Đoạn video tuy hài hước nhưng có thể nhiều người sẽ thắc mắc, mẹ mới là người thân với con nhất mà sao con lại bắt chước bố giỏi đến vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải nhắc đến một thuật ngữ trong tâm lý học trẻ em gọi là: hiệu ứng đồng nhất.
Nói chung, trước 3 tuổi, cảm giác an toàn của trẻ chủ yếu đến từ mẹ, khi trẻ lên bốn hoặc năm tuổi, nhu cầu về cảm giác an toàn của trẻ dần giảm đi, lúc này trẻ càng háo hức để có được sự khẳng định và chấp thuận của người bố. Theo nghiên cứu tâm lý, tác dụng khẳng định và hiệu ứng đồng nhất của bố với con cao gấp 50 lần so với mẹ.
Vì vậy, khi lên bốn tuổi, trẻ sẽ bắt chước lời nói, hành vi của bố để được chấp thuận. Lúc này những lời răn dạy, việc làm của cha cũng đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Người xưa có câu "cha nào con nấy", hành vi và tính cách của trẻ thường chịu ảnh hưởng của cha nhiều hơn.
Người cha có ảnh hưởng như thế nào đối với con cái?
Nhà tâm lý học người Áo Sigmund Freud cho rằng: "Nhu cầu mạnh mẽ nhất của mọi đứa trẻ trong suốt thời kỳ thơ ấu của chúng là được che chở và bảo vệ bởi người cha". Tình yêu thương và sự giáo dục của người cha có ý nghĩa và sức ảnh hưởng vô cùng quan trọng tới trí thông minh, sự trưởng thành; cũng như là sự đảm bảo hạnh phúc trọn đời của một đứa trẻ.
Trong một bộ phim truyền hình ăn khách của Trung Quốc, khi đứa con nhớ lại hình ảnh của cha mình, cậu đã miêu tả như thế này: "Cha tôi là một người nghiện rượu, ông đánh đập vợ con khi về nhà trong tình trạng say xỉn. Lần nào cũng viết cam đoan nhưng vô ích. Viết xong lại uống, một vòng luẩn quẩn như vậy...".
Tính cách hay cáu bẳn của bố cũng tạo nên tính cách nóng nảy của ba anh chị em của cậu. Người con trai cả phải chịu trách nhiệm về mọi thứ từ khi còn nhỏ. Dù bị đối xử bất công, vẫn sẽ giữ im lặng. Anh ta phát triển một tính cách xu nịnh. Về phần hai đứa trẻ còn lại, mặc dù được anh trai bảo vệ nhưng họ cũng trở nên nhạy cảm và kém cỏi, luôn cảm thấy trong lòng vô cùng bất an.
Lời nói và hành vi của người cha sẽ có tác động sâu sắc đến đứa trẻ. Vì vậy, trong quá trình nuôi dạy con cái, dù không thể đòi hỏi mình phải là những ông bố xuất sắc 100% nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng hết sức để tránh một số vấn đề cơ bản:
Đừng là một người cha lười biếng
Sự lười biếng của bố sẽ tác động trực quan nhất đến con cái. Ví dụ, nếu người cha không dọn dẹp công việc nhà hoặc không tham gia vào việc giặt giũ và nấu ăn, thì những đứa trẻ có thể dễ dàng làm theo. Và một khi những đứa trẻ như vậy rời xa cha mẹ, chúng có thể thiếu khả năng tự chăm sóc cơ bản, thậm chí là khả năng đồng cảm. Ngược lại, chững người cha chăm chỉ và cống hiến vì gia đình thường có thể nuôi dạy một đứa trẻ biết ơn và sẵn sàng chăm sóc người khác.
Từng có câu chuyện ấm áp rằng: Khi một bà mẹ về nhà đã thấy đứa con trai 9 tuổi chuẩn bị sẵn một bát mì bốc khói. Theo chị, nguyên nhân khiến đứa trẻ có hành vi như vậy không thể tách rời khỏi việc con có một người cha yêu thương gia đình. Mỗi khi vợ đi làm về muộn, người chồng sẽ chuẩn bị bữa tối, dọn dẹp nhà cửa. Đứa trẻ học được sự quan tâm, tế nhị của bố mình.
Đừng làm một ông bố mất kiểm soát về mặt cảm xúc
So với mẹ, các ông bố càng nên học cách "làm chủ cảm xúc". Bởi vì người cha đại diện cho lý trí và sức mạnh, một khi không thể kiểm soát được cảm xúc thì con cái không chỉ sống trong môi trường áp lực cao mà sẽ dần trở nên giống bố.
Sự ổn định về tình cảm của người cha thường là nền tảng của một gia đình ấm áp và hòa thuận. Quan trọng hơn, nó có thể mang lại cảm giác an toàn cho trẻ. Trong suốt quá trình trưởng thành, trẻ có thể đối mặt với mọi khó khăn một cách tự tin và tích cực, thay vì lúc nào cũng bị cảm xúc tiêu cực chi phối.
Đừng là ông bố nghiện thiết bị điện tử
Một cuộc khảo sát từng cho thấy 42% bà mẹ chịu trách nhiệm giáo dục con cái; 32% cả gia đình chịu trách nhiệm giáo dục con cái, trong khi người cha đóng vai trò này chỉ chiếm dưới 12%.
Nhiều ông bố nằm trên ghế sofa và nghịch điện thoại di động khi đi làm về, họ vô cùng thiếu sự bầu bạn với gia đình và con cái. Lâu dần, sự vắng mặt của người cha sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách của trẻ, chúng không những trở nên bất an mà còn rụt rè, nhát gan.
Theo nghiên cứu, việc thiếu sự giáo dục và đồng hành của người cha là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến trẻ phát triển không lành mạnh và có cuộc sống không hạnh phúc khi lớn lên. Ngoài ra, trẻ có nhiều khả năng có những tính cách cực đoan, bao gồm lòng tự trọng thấp, sự trì hoãn,...
Vì vậy, tốt hơn hết bạn nên đặt chiếc điện thoại xuống và dành nhiều thời gian hơn cho con cái. Cần nhớ rằng, người cha cần phải là một hình mẫu để con cái bắt chước và học hỏi.