Kiểm soát ‘kẻ giết người số 1’

16/09/2015 - 09:15
Bị huyết áp cao nên chị Hải đã đã mua máy đo huyết áp cá nhân để tiện theo dõi nhưng chị Hải vẫn lo lắng, bất an với với căn bệnh của mình và nguy cơ đột quỵ

Trong vài lần đo huyết áp, chị Trần Hồng Hải, 49 tuổi, ở Hà Tĩnh, phát hiện bị huyết áp cao, chỉ số 150-160/90. Vì thế, chị uống thuốc ổn định huyết áp hằng ngày và mua máy đo huyết áp cá nhân để tiện theo dõi.

Mỗi ngày, chị Hải đo huyết áp 3 lần vào buổi sáng, chiều, tối. Huyết áp của chị hiện nằm trong khoảng 100-120/80. Song thỉnh thoảng, chị thấy nhịp tim nhanh, mạch lên đến 100 lần/phút và huyết áp có khi lên đến 160/100. Khi ấy, chị đến gặp bác sĩ và được khám, làm các xét nghiệm cần thiết, rồi chỉ định sử dụng thuốc. Kết quả siêu âm bụng, tim, điện tim của chị bình thường. Còn các kết quả thử máu (mỡ máu, chức năng gan, đường huyết...) và kết quả thử nước tiểu cũng bình thường. Song, lúc nào chị cũng cảm thấy lo lắng, bất an với căn bệnh cao huyết áp và nguy cơ bị đột quỵ.

Người bị cao huyết áp cần giảm cân nặng (nếu thừa cân), không hút thuốc lá, không ăn mặn, tập thể dục đều đặn hằng ngày. (Ảnh minh họa)

Bởi chị biết, phần lớn cơn tăng huyết áp không có triệu chứng gì đặc biệt; căn bệnh này dễ tái phát. Trong khi đó, các dấu hiệu của cao huyết áp như nhức đầu, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, mỏi mệt... giống với biểu hiện của một số bệnh khác nên dễ nhầm lẫn. Cao huyết áp còn có thể khiến người mắc bị suy thận, bệnh lý võng mạc, đi lại khó khăn do viêm tắc động mạch chân... Nhưng điều chị dễ nhận thấy nhất là trái tim mình đang yếu dần, cảm thấy mệt mỏi mỗi khi phải đi bộ một đoạn ngắn. Ngoài ra, những cơn thiếu máu não thoáng qua cũng khiến chị choáng, mệt.

Lo lắng của chị Hải hoàn toàn dễ hiểu khi cao huyết áp được xem là bệnh rất dễ phát hiện nhưng lại là một trong những bệnh rất phổ biến trong cộng đồng; thậm chí cao huyết áp còn được cho là “kẻ giết người số 1" hiện nay.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, điều trị cao huyết áp cần liên tục và lâu dài. Với người bị cao huyết áp, cần giảm cân nặng (nếu thừa cân); không hút thuốc lá, thuốc lào; không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn); không ăn nhiều chất béo bão hòa; tập thể dục đều đặn hằng ngày; hạn chế uống rượu bia; tránh các căng thẳng, lo âu và nên tạo cho mình cuộc sống hài hòa, vui vẻ; kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp. Bên cạnh đó, cần kiểm tra định kỳ các yếu tố khác như rối loạn đường máu, lipid máu... để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ của bệnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm