Kiếm tiền từ sở thích trượt patin

07/09/2015 - 11:45
Những đôi giày trượt patin đã giúp cho Nguyễn Thị Hảo (SN 1990) kiếm được một món tiền khá vào mỗi dịp hè.
Suốt mấy tháng qua, tối nào cũng vậy, trên khoảng sân rộng trước Chung cư 34T Trung Hòa - Nhân Chính (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) nhộn nhịp người trượt patin, trong đó chủ yếu là các em nhỏ tuổi từ mẫu giáo tới học sinh (HS) cấp 2 - 3. Cô bé mới chập chững đi những bước đầu tiên trên giày patin, có bạn trẻ trượt patin đã khá điêu luyện.

Hảo trở thành giáo viên dạy trượt patin ở đây được 3 năm và số học sinh của cô giờ đã lên tới hàng trăm. Trung bình mỗi mùa, thường là từ cuối tháng 5 tới tháng 11, Hảo dạy cho từ 70 đến 80 học sinh. Trong đó, vào cuối tháng 5 và tháng 6, trung bình 1 tối, có 5-7 học sinh mới đăng ký học. Cô phải dạy hết công suất mới đáp ứng được nhu cầu. Chỉ khi nào mùa đông ở Hà Nội quá lạnh thì cô và trò mới nghỉ trượt patin.

Tuy nhiên, để có thể làm chủ những kiểu trượt patin khó, Hảo phải đổ nhiều công sức luyện tập. Ngã, xây xát chân tay vì patin là chuyện thường.
Nguyễn Thị Hảo (phải) “sống khỏe” với việc dạy trượt patin

“Mỗi tối, mình phải đứng liên tục trên đôi patin. Miệng nói, chân trượt làm mẫu cho các bé. Hôm nào về nhà là người mỏi rã rời, họng rát, đặt người xuống giường là đã 12 giờ đêm. Nhưng, thực sự, mình vẫn rất yêu công việc này vì mình yêu trẻ, yêu patin và công việc còn giúp mình có thêm thu nhập phụ giúp gia đình”, Hảo tâm sự.

Hảo quê Phú Thọ, xuống Hà Nội học chuyên ngành Kế toán, trường CĐ Công nghệ Bắc Hà. Patin chỉ là thú vui tay ngang, bất ngờ đến với cô thời sinh viên. Ban đầu, Hảo tham gia một nhóm bạn trẻ thích trượt patin ở Hà Nội, sau đó qua các bạn mà cô tự học cách trượt patin.

Không nhận mình là người chơi patin tới đỉnh cao, cũng không phải là thành viên chơi xuất sắc nhất nhóm, nhưng patin vẫn có thể giúp Hảo kiếm được khá nhiều tiền. Đó là nhờ cô đã nhìn ra cơ hội để biến sở thích cá nhân thành “nghề tay trái”.

Mức học phí dạy trượt patin của Hảo là 500.000 đồng/học sinh đã được cô duy trì suốt 3 năm qua. Cô cam kết dạy tới khi nào trò biết trượt thành thạo mới thôi chứ không ấn định số buổi của khóa học. Gần như cả tuần, Hảo đều có mặt tại sân khu chung cư từ 18 giờ đến 22 giờ.

Thường với học sinh lớn, Hảo chỉ cần dạy 3-4 buổi là các em đã có thể tự trượt patin một mình. Nhưng, với trẻ nhỏ, nhất là các bé tuổi mẫu giáo thì công sức Hảo phải bỏ ra nhiều hơn. Có bé phải dạy vài chục buổi, thậm chí cả tháng mới biết trượt patin. Cô cũng phải đỡ bước cho các con, tập mẫu để con nhìn và làm theo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm