Xe buýt đang trở thành phương tiện đi lại công cộng ngày một phổ biến với người dân TPHCM. Tuy nhiên, không ít người đã bày tỏ lo lắng vì hiện nay, xe buýt chưa thật sự an toàn, khi nhiều phụ nữ và trẻ em gái vẫn đối mặt nguy cơ bị sàm sỡ. Cụ thể, nhà chờ xe buýt buổi tối không có đèn, có thể phát sinh không ít nguy cơ; trên xe buýt thì dễ bị móc túi, bị sàm sỡ, bị động chạm cơ thể “có chủ đích”… Đó là những ý kiến của nhiều đại biểu tham gia một Hội thảo về "Xe buýt an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái" do Hội LHPN TPHCM vừa tổ chức.
Một số người đã phản ứng quyết liệt khi bị sàm sỡ, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng làm điều này, do bị tâm lý mặc cảm, xấu hổ đè nặng. Họ chọn cách im lặng để né tránh. Bên cạnh đó, không phải lúc nào tài xế cũng sẵn sàng trợ giúp khi các cô gái bị sàm sỡ, do họ không muốn rắc rối và sợ bị trả thù.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bình đẳng giới - Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho rằng, lo ngại việc thiếu an toàn khi đi xe buýt hoặc lo ngại những hành vi sàm sỡ khác đã cản trở cơ hội của nhiều em học sinh-sinh viên và phụ nữ. Ví dụ, họ đã từ chối nhiều hoạt động cộng đồng mà họ muốn tham gia, chỉ vì lo lắng bị sàm sỡ nơi công cộng.
Trên thực tế, tâm lý e sợ, cam chịu không mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều chuyên gia cho rằng khi bị quấy rối, dù là hành động hay lời nói, phụ nữ nên mạnh mẽ lên tiếng. Mặc dù vậy, thái độ của cộng đồng – cụ thể là của những người cùng đi trên chuyến xe cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Có một thực tế là hiện nay, không nhiều người dám công khai đứng về phía những “nạn nhân” bị sàm sỡ trên xe buýt vì lo ngại bị trả thù.
Việc một số người chọn im lặng khi bị quấy rối vì sợ bị “đổ lỗi”, rằng đã ăn mặc quá “khêu gợi”, thiếu đứng đắn. Một số người khác thì cố gắng ăn mặc thật… kín đáo, coi như một biện pháp “phòng ngừa” bị quấy rối, vì thế mà bỏ lỡ cơ hội thể hiện gu thẩm mỹ thời trang của mình…
Được biết, tại một hội thảo về bình đẳng giới ở Mexico City (thủ đô Mexico), cơ quan đại diện phụ nữ của thành phố này đã tặng mỗi phụ nữ một… cái còi. Khi bị quấy rối tình dục trong lúc đi xe buýt hay khi tham gia các hoạt động nơi công cộng thì tiếng còi sẽ vang lên. Mọi người sẽ chú ý và lực lượng cảnh sát nữ được tăng cường để có mặt trợ giúp kịp thời. Không chắc chắn kẻ quấy rối sẽ bị vào tù, nhưng khi tiếng còi vang lên, những “con sói” sẽ bỏ chạy, và từ đó, chúng biết rằng không thể muốn làm gì thì làm nữa!
Đó là một kinh nghiệm mà TPHCM có thể học tập.
Những nỗ lực của chính các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt trong thời gian qua cũng rất đáng ghi nhận: Đã thay mới 50% trong số 3.000 xe buýt hoạt động trong thành phố; nhiều xe đã lắp camera, bộ phận theo dõi điều hành trực tuyến theo dõi từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối. Thời gian tới, các nhà chờ xe buýt sẽ được trang bị đén chiếu sáng, gắn camera; ra mắt đường dây nóng 1022 để tố giác những kẻ có hành vi sàn sỡ phụ nữ, trẻ em gái; khi bị quấy rối; phát các tín hiệu, chương trình tuyên truyền về tình trạng móc túi, quấy rối tình dục ngay trên xe buýt để giúp người dân đề cao cảnh giác; những tài xế có thái độ phục vụ không tốt sẽ bị chấn chỉnh, xử lý…
“An toàn hóa”xe buýt là một bước quan trọng để xây dựng TPHCM trở thành một thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, hưởng ứng thiết thực chương trình mà Tổ chức quốc tế chống nghèo đói và bất công phối hợp với nhiều nơi để thực hiện, trong đó có TPHCM.