Ảnh minh họa: VNN
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, để chuẩn bị cho việc tuyển sinh năm 2016, hiện Bộ GDĐT cũng đã có những cuộc họp với các trường, các Sở GDĐT. Bộ GDĐT cũng muốn những ngành nào có yêu cầu đặc thù thì nên có những quy định để sao phù hợp với tính đặc thù đó. Có thể là ngưỡng điểm sàn, có thể là ngưỡng điểm cụ thể của môn học nào đó hoặc có thể là phỏng vấn theo yêu cầu từng chuyên môn,…
Tuy nhiên, theo bà Phụng, Bộ GDĐT còn cân nhắc chuyện đảm bảo quyền tự chủ của các trường theo luật giáo dục ĐH. “Trên thực tế luật giáo dục ĐH cho phép việc tuyển sinh là tự chủ của các trường, vậy nếu chúng ta đặt ra quá nhiều hạn mức, quy định thì liệu có vi phạm quyền tự chủ của các trường. Ngoài ra, hiện nay các phương thức tuyển sinh đã được mở rộng ra nhiều hình thức, có thể thi tuyển, có thể xét tuyển học bạ vậy thì điểm sàn chỉ có ý nghĩa với những người thi và những trường lấy kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia. Còn các trường xét tuyển theo hình thức riêng thì sẽ có các yêu cầu riêng khác để đảm bảo chất lượng đầu vào. Vì vậy việc có đưa ra điểm sàn cho ngành y, dược hay không, Bộ đang thảo luận để lấy ý kiến rộng rãi”, bà Phụng chia sẻ.
Song, bà Phụng khẳng định, những yêu cầu để đảm bảo chất lượng Bộ GDĐT đều rất khuyến khích nếu là những điều thuyết phục được toàn xã hội. “Nếu được sự đồng thuận của thí sinh, các trường và toàn xã hội thì có thể đưa vào như là một yêu cầu tuyển sinh của năm tới”, bà Phụng nói.
Về vấn đề này, PGS. Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, ngày 15/12, Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y – Dược cũng đã họp bàn về điều này và sẽ có văn bản chính thức gửi 2 Bộ GDĐT và Y tế, thậm chí trình Chính phủ. “Hội đồng đồng thuận quan điểm, 100% biểu quyết việc năm 2016 các trường khối Y- Dược vẫn sử dụng kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ GDĐT ban hành điểm ngưỡng tuyển sinh đầu vào cho các trường Y- Dược, cụ thể hơn là hệ đào tạo dược (5 năm) và hệ đào tạo bác sĩ (6 năm). Chúng tôi cũng yêu cầu tất cả các trường ĐH Y dược, công lập hay dân lập nếu sử dụng kết quả kỳ thi THPT thì phải áp dụng ngưỡng điểm này”.
Tuy nhiên, theo ông Hinh, Hội đồng vẫn đang băn khoăn làm sao để đưa ra được một mức ngưỡng điểm hợp lý và hiện vẫn đang suy tính. “Có đại biểu cho ý kiến cứ lấy mức trung bình mỗi môn 7 điểm, 3 môn tổng điểm 21 làm ngưỡng thấp nhất. Nhưng có thể mức độ khó dễ đề thi, điểm thi mỗi năm một khác. Có người thì đề xuất chia tổng số thí sinh làm hai phần, 30% phía trên theo phổ điểm mới được nộp hồ sơ nhưng đó lại là một ngưỡng điểm khá cao. Với trường ĐH Y Hà Nội thì số 30% đó không vấn đề gì, hoàn toàn có thể lấy đủ được nhưng không thể áp điều đó cho các trường khác được. Cũng có ý kiến đề xuất chia làm 50% trên và 50% dưới, tức số dưới 50% là không được nộp hồ sơ”.
Ngoài ra, ông Hinh cũng cho rằng, mặc dù Luật giáo dục Đại học cho phép các trường tự chủ tuyển sinh nhưng Y Dược là ngành đặc biệt, rất cần có sự quản lý của Nhà nước. Ý kiến đề xuất này của ông cũng nhận được 100% sự ủng hộ của Hội đồng.