pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kiến trúc Nam Bộ từ 100 năm trước qua góc nhìn người trẻ
Bìa cuốn sách "Tản mạn kiến trúc Nam Bộ"
Nhóm tác giả cuốn sách “Tản mạn kiến trúc Nam Bộ” gồm các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở các tỉnh miền Nam. Với họ, các di sản kiến trúc nơi đây đã trở nên quen thuộc, trở thành một phần trong tâm trí, tâm hồn. Cuốn sách của họ dựng lại bức tranh toàn diện về kiến trúc miền Nam với mong muốn truyền tải, gợi mở cảm hứng yêu mến, trân trọng của người trẻ hôm nay dành cho di sản kiến trúc.
Thiên nhiên phương Nam với nắng, mưa cùng những cảnh sắc núi non, sông ngòi riêng biệt đã góp phần quan trọng tạo nên một lối kiến trúc đặc trưng của vùng miền. Để thấy được những không gian sống đã hình thành trên vùng đất này, nhóm tác giả lần lượt dựng lại trước mắt người đọc những yếu tố nổi bật của môi trường thiên nhiên Nam Bộ, như địa hình, khí hậu, thủy văn cũng như sự phân bố của thảm thực vật.
Gắn kết những yếu tố tự nhiên với sự lựa chọn một cách có chủ đích của những con người nơi đây, cuốn sách muốn nhấn mạnh đến việc chủ động kiến tạo nên nơi chốn sinh sống của người miền Nam. Từ đó, hé mở cái nhìn về một vùng không gian kiến trúc vốn đã thấm đẫm những câu chuyện, những suy tư, ước mơ của con người ngay từ những buổi sơ khởi.
Trong cuốn sách, các tác giả dành nhiều sự quan tâm đến nhà gỗ, hay nhà rường - một loại hình kiến trúc đạt được mức độ hoàn thiện cao mà những chủ nhân miền Nam đã sáng tạo, xây dựng nên. Là sản phẩm kết tinh những kỹ thuật, quan niệm xây dựng của người phương Nam, ngôi nhà gỗ mang trong nó những đặc điểm quan trọng của kiến trúc, văn hóa nơi đây. Điểm độc đáo trong quan niệm cũng như thực tiễn xây dựng của các ngôi nhà gỗ của người phương Nam nhóm tác giả muốn nhấn mạnh với bạn đọc là tính liền mạch trong chỉnh thể của ngôi nhà.
Bước vào nửa sau thế kỷ 19, xã hội Việt Nam đón nhận và ngày càng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa phương Tây. Người Pháp sau khi chiếm được Nam Kỳ đã tiến hành thiết lập, xây dựng những thành phố mới theo hướng hiện đại, tạo nên những xu hướng xây dựng nhà ở mới. Trong quá trình đó, người Việt đã tiếp thu, học hỏi, lai ghép kiến trúc mới với kiến trúc bản địa để tạo nên một kiến trúc mới độc đáo.
Trong căn nhà của người Việt ở Nam Bộ, dù là nhà gỗ truyền thống hay các kiểu nhà chịu ảnh hưởng phương Tây, các họa tiết trang trí có một vị trí đặc biệt quan trọng. Nó diễn tả, gợi mở những ao ước, cảm nghĩ, quan niệm về cái đẹp của tiền nhân. Nhóm tác giả đã làm công việc tổng kết, lên danh mục một cách tương đối toàn diện các loại hình họa tiết trang trí, bước đầu phân loại, giải thích ý nghĩa của các họa tiết đó.
Điều này giúp những người trẻ hôm nay, sau hàng trăm năm, có thể hình dung được tổng thể các kiểu thức trang trí truyền thống ở Việt Nam, qua đó làm cơ sở để tiếp cận, cảm nhận, thấu hiểu ngôi nhà cổ, kết nối hiện tại với truyền thống cha ông.