pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kiểu ăn tối này dễ gây đột quỵ, nhiều người trẻ vô tư làm
Những lựa chọn lối sống và cách bạn chăm sóc bản thân đều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của bạn. Thời điểm ăn tối cũng đóng vai trò trong yếu tố gây đột quỵ. Hãy biết rõ để giữ bản thân khỏi vùng nguy hiểm.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrients đã xem xét mối quan hệ giữa thời điểm ăn tối và nguy cơ bị đột quỵ. Những người tham gia nghiên cứu được chia thành 3 nhóm: Những người ăn tối sớm (trước 20h), những người ăn tối thất thường và những người ăn tối muộn (sau 20h).
Những ai ăn tối vào thời điểm thất thường, hôm sớm lúc muộn, thì tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ xuất huyết não - khi các mạch máu bên trong hộp sọ bị đứt và máu chảy vào trong não.
Không chỉ là thực phẩm bạn chọn mà thời điểm ăn tối cũng ảnh hưởng tới tới sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Các nhà nghiên cứu viết: “Chúng tôi thấy rằng so với ăn tối trước 20h, việc quen ăn tối vào thời điểm thất thường có liên quan tới sự tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ xuất huyết não. Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu mối liên quan giữa thời gian ăn tối và nguy cơ tử vong do vấn đề tim mạch”.
Các tác giả nghiên cứu còn phát hiện cả việc thừa cân và chuyện ăn tối không vào thời điểm nhất định đều tăng các mối rủi ro này.
Theo Cơ quan Y tế Anh, bạn dễ bị đột quỵ hơn nếu trên 55 tuổi. Thực tế, cứ 4 người bị đột quỵ thì có một người là dưới 55 tuổi, vì vậy điều quan trọng là bạn cần biết các dấu hiệu của tình trạng này, ngay cả khi bạn nghĩ mình còn quá trẻ để phải lo lắng.
Duy trì giờ ăn tối cố định cho cả gia đình vào trước 20h mỗi ngày là tốt nhất. (Ảnh minh họa)
Đột quỵ có thể được ngăn ngừa bằng việc sống lành mạnh, bỏ thuốc lá, giảm uống rượu, chăm tập thể dục và ăn uống tốt. Nhưng điều này không hoàn toàn phòng tránh được vì đột quỵ có liên quan tới tiền sử bệnh trong gia đình, sắc tộc và tiền sử bệnh lý của một người. Phương pháp FAST (Face (mặt), Arms (tay), Speech (Lời nói), Time (thời điểm) - là cách dễ dàng nhất để ghi nhớ các triệu chứng phổ biến của đột quỵ:
1. Face - Gương mặt mất cân đối, hoặc méo xệ một bên miệng. Có thể kiểm tra bằng cách để bệnh nhân ngồi ngay ngắn rồi quan sát hoặc yêu cầu bệnh nhân cười, nhe răng…
2. Arm - Tay yếu. Bạn có thể kiểm tra có phải một bên tay của người bệnh yếu hoặc tê liệt tay, chân bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ đều hai tay, hai chân lên, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có tình trạng tê liệt.
3. Speech - Ngôn ngữ bất thường. Nếu nói không lưu loát, giọng “méo” hoặc không nói được đó là dấu hiệu bất thường.
4.Time - Thời điểm gọi cấp cứu. Nếu một người cùng lúc có 3 dấu hiệu trên thì nguy cơ đột quỵ rất cao, cần gọi tư vấn lập tức và nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất.
Ngoài các dấu hiệu điển hình trên, có một số biểu hiện khác cần thận trọng, bao gồm:
- Yếu hay tê liệt đột ngột một bên cơ thể, bao gồm chân, bàn tay hay bàn chân.
- Khó dùng từ hay nói câu rõ ràng. Đột nhiên nhìn mờ hoặc mất thị lực ở một hay hai mắt.
- Đột nhiên mất trí nhớ hoặc bị lẫn lộn và chóng mặt hay ngã đột ngột.
- Bỗng nhiên đau đầu dữ dội.
Tìm sự giúp đỡ ngay lập tức cho người bị đột quỵ là rất quan trọng vì nó có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài. Trình trạng này khiến một phần của não ngừng hoạt động, thiếu oxy, từ đó khiến người bệnh gặp khó khăn lâu dài về khả năng nói, trí nhớ, khả năng tập trung, nhận thức về không gian và nhiều vấn đề khác.