Mùa đông kéo dài 7 tháng, âm 400C
Yakutsk là thủ phủ của khu tự trị Siberia thuộc Nga. Năm 1822, Yakutsk chính thức trở thành một thành thị. Mặc dù cách thủ đô Moscow khá xa nhưng hiện nay Yakutsk vẫn được xem là trung tâm văn hóa, công nghiệp và chính trị quan trọng của Nga. Vào mùa đông, cách duy nhất để đến Yakutsk là bay từ Moscow tới sân bay quốc tế Tuimaada và sân bay nội địa Magan, hoặc đi trên “The road of bones” (Con đường xương). Đây là con đường được xây dựng bởi các tù nhân dưới thời Stalin từ năm 1929 đến 1953. Một tuyến đường sắt đã được quy hoạch, song cho đến nay chỉ đi đến Tommot, cách Yakutsk khoảng 400km.
Ánh nắng mặt trời là điều hiếm hoi với người dân nơi đây
Với khí hậu cận Bắc Cực ở phía cực Đông của Nga, Yakutsk nằm trong khu vực có tên gọi “vòng tròn chết chóc” của Siberia - nơi trước đây được dùng để đày ải các chính trị gia. Vào mùa đông, người dân ở đây luôn sống trong nhiệt độ -400C, có lúc xác lập kỷ lục khi nhiệt độ xuống dưới -71,20C năm 1924. Mùa đông khắc nghiệt đến nỗi mặt nước sông Lena bị đóng băng dày và xe cộ có thể “thoải mái” đi sang bờ bên kia.
Ánh nắng mặt trời là điều hiếm hoi với người dân nơi đây. Khung cảnh trông bí ẩn, huyền ảo như một xứ sở cổ tích với băng tuyết phủ và hơi sương luôn dày kín không gian. Sương giá xuất hiện ở khắp nơi, mênh mông, ngút ngàn tầm mắt là một màu tuyết trắng, vì vậy, người mới đến Yakutsk thường rất dễ bị lạc đường vì tầm nhìn không vượt quá 6-9m. Các biển báo giao thông, các biển đề tên đường phố thường trở nên vô nghĩa trong những ngày này bởi bầu trời u ám và băng giá phủ lên khiến người đi đường chẳng thể quan sát rõ được.
Lái xe ô tô trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp đòi hỏi xe phải chạy liên tục, thậm chí người ta còn để động cơ hoạt động suốt ngày nhằm ngăn chặn tình trạng kính xe mờ vì hơi nước và động cơ không thể khởi động trong trời lạnh. Đa số người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong những ngày đông để đảm bảo sự an toàn và thuận tiện hơn. Vì vậy, những trạm xăng nằm dọc đường luôn mở cửa 24/24. Những công nhân sống và làm việc trong các trạm xăng biệt lập này phải làm liên tiếp trong 2 tuần, sau đó được đổi ca và nghỉ 2 tuần liền.
Người Yakut ở Yakutsk
Điện thoại di động là thứ xa xỉ
Nơi này chủ yếu là người Yakut sinh sống. Từ thế kỷ 13, họ xuôi Trung Á đến đây với nguồn gốc hỗn hợp của người Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ. Họ là những người mạnh mẽ, cao lớn, tiếng nói sang sảng, ăn uống rất khỏe. Người dân nơi đây mộc mạc, thân thiện và gắn bó, quyết không rời bỏ vùng đất hoang dã này. Nhìn cuộc sống đời thường ở đây, ta thấy rõ hơn sức sống bền bỉ của con người.
Thật khó lòng tưởng tượng con người có thể sống trong một môi trường khắc nghiệt khi cái lạnh không ngừng ngấm vào xương thịt. Bước ra khỏi nhà là cái lạnh ập đến khiến đôi chân tê dại, mất cảm giác. Nước bọt như đóng băng nơi đầu lưỡi khiến môi dễ nứt nẻ, bật máu. Người dân phải mặc áo lông dày và trùm kín mít mới chống chọi được với cái lạnh tê tái. Họ đội mũ ấm bởi đôi tai sẽ đỏ bừng chỉ vài giây khi ở ngoài trời. Người dân tại nơi “mọi vật đóng băng” này phải đốt than và củi để chống chọi với thời tiết. Điện thoại di động là thứ xa xỉ vì ngay cả khi có sóng, ít có loại máy di động nào hoạt động được trong nhiệt độ dưới -400C.
Vì mùa màng và các loại rau củ không thể sống sót khi đất đóng băng nên thực phẩm mà người dân sử dụng chủ yếu là các loại cá đông lạnh như cá hồi, cá thịt trắng và gan ngựa, thịt đông lạnh. Món ăn phổ biến nhất trong các bữa ăn gia đình là súp nóng và uống trà nóng để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt này. Thịt, cá bày bán trong những ngày này không cần phải đặt ở tủ lạnh, bởi nhiệt độ -400C đã khiến chúng bị đóng băng cứng hơn đá.
Thịt, cá bày bán trong những ngày này không cần phải đặt ở tủ lạnh
Nhiệt độ lạnh giá khiến ít loài cây có khả năng phát triển. Người dân dùng vỏ của vân sam, thông và tùng - những loài cây hiếm hoi có thể sống trong giá lạnh, cắt chúng thành miếng nhỏ để nấu cháo hoặc làm bánh rồi ăn với sữa hay cá khô. Tuy trời lạnh nhưng người dân vẫn thường xuyên đi bộ, bởi đó là cách để duy trì sức khỏe và tránh cho các bệnh về khớp bị thời tiết giá lạnh làm cho tệ hơn.
Vì đất đai về mùa đông không thể gieo trồng gì được, nên người dân sống dựa vào việc chăn nuôi và làm công nhân tại một số nhà máy. Đàn gia súc hiếm khi được chăn thả tự do, nông dân trong vùng giữ ấm cho gia súc bằng cách nhốt chúng trong chuồng cách nhiệt. Việc chôn cất người quá cố cũng trở nên khó khăn hơn về mùa đông vì mặt đất bị đóng băng quá dày. Trước ngày hạ huyệt, người ta phải đốt lửa ở mảnh đất định xây mộ 2 ngày đêm để làm tan băng giá trên mặt đất và làm mềm đất.
Khắc nghiệt là vậy nhưng Yakutsk rất giàu tài nguyên khoáng sản, nổi tiếng bởi những mỏ vàng và kim cương. Alrosa, công ty kim cương nổi tiếng của Nga, đặt trụ sở trong khu vực này. Nó cung cấp đến 20% nguồn cung kim cương thô cho thị trường thế giới và 40% lượng vàng của Nga cũng được khai thác trong khu vực này. Tài nguyên thiên nhiên là yếu tố quan trọng giúp Yakutsk phát triển, dù nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của thời tiết khắc nghiệt. Ngành kinh doanh phát triển nhất ở Yakutsk là buôn bán kim cương, đá quý. Viên kim cương lớn nhất được tìm thấy ở đây nặng khoảng 342 cara (hơn 68g).