Kinh doanh “chuỗi cửa hàng ẩm thực” kiểu mới

17/02/2016 - 10:02
Chỉ là những chiếc tủ, kệ nhỏ gọn, bày bán một số đồ ăn nhanh hoặc thức uống trên vỉa hè một số tuyến phố của TPHCM nhưng ấn tượng bởi sự hút mắt, chỉn chu, sạch sẽ...
20141002090511-1.JPG
Chuỗi kinh doanh thực phẩm kiểu mới đang thu hút khách hàng (ảnh minh họa) 


Một số người trong giới kinh doanh cho biết, đây là một hình thức buôn bán khá mới mẻ, có nhiều ưu thế nhưng cũng lắm rủi ro.      

Những điểm bán hàng này rất đa dạng mặt hàng, từ bánh mì chả cá, bún thịt nướng, cơm tấm, mì xào, bánh ướt, cho tới cà phê, nước ngọt… Chỉ cần 1 chiếc tủ nhỏ chưa đầy 1m2 và 1-2 nhân viên bán hàng là đủ để “vận hành” một cách “trơn tru”. Những chiếc tủ này thường được đặt sát lề đường, người đi đường chỉ cần dừng xe, gọi món, chừng 1 phút sau là có thể lại nổ máy xe đi tiếp sau khi đã nhận hàng.

Một đặc điểm dễ nhận thấy, đó là phần lớn các tủ bán hàng này đều được thiết kế khá bắt mắt, tạo cảm giác sạch sẽ và đáng tin cậy đối với khách hàng. Đặc biệt, với những nơi bán đồ ăn chế biến sẵn hoặc cà phê, nước ngọt, thì người bán hàng thường là các sinh viên trẻ trung, ăn mặc lịch sự, nói năng lễ phép, càng dễ gây thiện cảm với người qua đường.

         
Một đặc điểm khác là, phần lớn các điểm bán hàng này đều có thương hiệu và hầu như chỉ có một sản phẩm “chủ lực”, hoặc các combo tương tự như ở các chuỗi cửa hàng ăn nhanh, gồm bánh mì, hamburger, hot dog kèm nước uống nhưng giá chỉ 15.000-20.000 đồng/phần. Các món ăn, đồ uống đều được đựng trong những bao bì có in đầy đủ thông tin về nhà cung cấp cũng như thời hạn sử dụng. Ghi nhận ban đầu cho thấy, những điểm bán hàng này nhanh chóng thu hút được đông đảo khách hàng, nhiều người nhận xét đồ ăn, thức uống ở đó khá ngon, hợp vệ sinh. Trung bình mỗi buổi sáng (từ 7 đến 10 giờ) mỗi điểm có thể bán trên 100 sản phẩm.

Được biết, loại hình bán hàng này có nhiều ưu thế:

- Khá linh hoạt về địa điểm, nếu thấy nơi nào không thật phù hợp, vắng khách thì có thể chuyển đến địa điểm khác “đắc địa” hơn;

- Vật dụng, trang thiết bị gọn nhẹ, đầu tư không quá tốn kém, chỉ 1-2 triệu đồng cho 1 bộ trang thiết bị bao gồm tủ/kệ và ghế cùng các vật dụng để chế biến;

- Không tốn chi phí thuê mặt bằng nên có thể giảm giá thành, bán sản phẩm với giá “mềm” phù hợp nhiều đối tượng khách hàng;

- Vị trí thuận lợi, dễ dàng tiếp cận với khách hàng…

- Lợi thế nổi bật là chi phí nhân công khá rẻ. Ngoài một số điểm sử dụng người trong gia đình trực tiếp đứng bán, một số “thương hiệu” còn thuê các sinh viên có điều kiện làm việc trong buổi sáng với giá chỉ trên dưới 100.000 đồng/buổi. Ước tính, lợi nhuận sau khi đã trừ hết chi phí mỗi ngày là 1-5 triệu đồng, tùy quy mô, số lượng điểm bán hàng.

Theo một số nhà chuyên môn về thị trường, trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, yếu tố quan trọng nhất là khẩu vị, rồi đến giá cả phù hợp, sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh, sau đó mới tới thương hiệu và hệ thống nhận diện. Mặc dù có nhiều ưu thế, nhưng hình thức bán hàng ở vỉa hè như vậy cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là vấn đề pháp lý như lấn chiếm lòng lề đường, khai thuế và đặc biệt là quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm… Vì vậy, để có thể kinh doanh một cách suôn sẻ, người kinh doanh cần biết và tuân thủ đúng những quy định của pháp luật và chính quyền địa phương. Chỉ có vậy thì dạng kinh doanh thức ăn đường phố đã được “làm mới”, nâng cấp này mới có thể tồn tại và “ăn nên làm ra”. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm