pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kỳ họp thứ 9: Quốc hội thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày, cho thấy dự thảo Luật đã được xem xét, chỉnh lý một số nội dung về phạm vi hòa giải, đối thoại tại tòa án; về việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án; phạm vi hoạt động của hòa giải viên; trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại tòa án và chỉ định hòa giải viên; thủ tục ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và việc xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án gồm 4 chương, 42 điều. Luật này quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên tại tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án; trách nhiệm của tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án.
Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại tòa án; khuyến khích những người đủ điều kiện theo quy định tại Luật này làm hòa giải viên và tạo điều kiện, hỗ trợ cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án./.
(TTXVN/Vietnam+)