Vượt mấy chục cây số đường đèo núi, lúc dừng chân nghỉ tại căn nhà gỗ khá rộng, nằm ngay ngã ba đường trước UBND xã Túng Sán, chúng tôi có dừng lại hỏi người dân về giống gà lạ. Chủ nhà là một người phụ nữ dân tộc Tày có quán ăn duy nhất ở đất này, nhìn chúng tôi cười ngượng ngập: “Các chú cứ hỏi trêu chị làm gì. Bao nhiêu năm làm dâu ở đây, năm nào chả thu mua gà của dân bản đem xuống bán, có nghe thấy ai nói gà không có phao câu đâu?”.
Gà có màu sắc đẹp nhưng cụp đuôi vì thiếu phao câu |
Sau một hồi gọi điện lần lượt cho các trưởng bản của đất Túng Sán quanh năm lạnh giá này, cuối cùng cũng có người khẳng định: “Cứ đến thôn Tà Chải 4, nơi tập trung đông người Cờ Lao nhất mà hỏi thì sẽ có”.
Đang lơ ngơ ở điểm trường tiểu học Túng Sán vắng hoe, nơi duy nhất của bản Tà Chải 4 có căn nhà xây kiên cố, chúng tôi thấy một người đàn ông Cờ Lao trẻ lững thững đi đến. Đó là Súng Phà Sinh, Phó bản Tà Chải 4, tay cầm chiếc điện thoại cố định mấy hôm nay tự nhiên không liên lạc được, phải đem xuống xã nhờ đưa đi sửa.
Phó bản Súng Phà Sinh vui vẻ bắt tay khách, rồi cũng bị cuốn vào câu chuyện gà không phao câu: “Hồi nhỏ tôi cũng nghe mọi người bảo thế, không tin đâu nhưng nhiều lần đi xem người ta mổ thịt, thấy đúng như vậy. Ở bản Tà Chải 4 này có nhà anh Min Phà Díu đang nuôi mấy con đấy”.
Anh phó thôn chỉ tay qua mấy dãy đồi cao về phía những lùm cây tít xa trên triền đồi dốc bảo: “Đấy, nhà Díu ở đó. Nhưng anh Díu hình như đang thổi kèn trong lễ Ma Khô, không có nhà đâu. Để tôi “a lô” cho Min Phà Si, là em anh Díu, nhà ngay bên cạnh. Nhà Min Phà Si cũng còn mấy con gà không phao câu”.
Giống gà quý, không bán
Leo dốc bở hơi tai, chúng tôi mới tìm thấy nhà anh Si. Căn nhà nhỏ hiện lên giữa bốn bề mây núi. Xung quanh nhà là vườn đào rừng sù sì, khô mốc. Trong nhà, vợ con anh Si đang ngồi quây quần bên bếp lửa sưởi ấm. Bếp lửa của người Cờ Lao chẳng bao giờ tắt vì nơi này quanh năm rét buốt. Chưa kịp ngồi ấm chỗ, chúng tôi bỗng giật mình khi thấy một người đàn ông đen đúa, từ góc nhà ngồi dậy. Đó là Si, người chủ của một đàn gà không có phao câu, vừa đi lễ Ma Khô về.
Min Phà Si nhiệt tình tìm bắt gà không phao câu cho khách xem |
Nói đoạn, Si chỉ tay ra con gà ở ngoài sân: “Đấy, gà không phao câu đấy”. Đó là một con gà mái có màu lông đốm xám, nặng chừng hơn 3 kg, đang dớn dác cục tác chạy tìm chỗ đẻ. Thoạt trông nó cũng bình thường như những con gà mái khác, chỉ có điều chiếc đuôi ngắn cũn cỡn của nó cụp xuống, nom như bị ai cắt vậy.
Giống gà không có phao câu, ngoại hình của nó cũng rất dị biệt. Anh Si bảo, bao đời nay, người Cờ Lao nơi đây đã nuôi giống gà lạ này. Con nào cụp đuôi là không có phao câu. Nó chỉ khác gà thường ở điểm đó. Tuy nhiên, thịt của chúng ăn ngon hơn các loại gà khác được nuôi ở đất Hoàng Su Phì này.
Anh Si bắt một chú gà đang chơi ngoài sân cho chúng tôi xem. Con gà nhỏ có bộ lông óng ánh mềm như lông chim, khá đẹp mắt. Lông đuôi và lông thân giống nhau, không có gì phân biệt. Tôi đưa tay sờ thử, quả thực không thấy cục thịt ở cuống đuôi. Cả mấy anh em cùng vạch hết lông đuôi con gà để nhìn tận mắt, sờ tận tay. Chỗ sau cùng của nó nhẵn nhụi, vuốt đều tay từ lưng xuống đến bụng.
Khó nhân rộng
Lại nhắc tới câu chuyện anh Si gùi gà xuống chợ huyện bán của mấy mươi năm trước. Thời gian đầu mọi người sợ không dám mua vì ngoại hình kì dị của đám gà này. Từ đó, anh Si không mang gà đi bán nữa. Thời gian gần đây, đường xá đã mở đến tận bản, cán bộ công tác qua, bà con mổ gà thết đãi khách. Thịt gà không phao câu thơm ngon, ăn một lần là nhớ mãi. Tiếng lành đồn xa, từ việc không bán được gà, đến giờ bà con Cờ Lao không có gà để bán. Giờ đây phải “nể” lắm bà con mới bán cho khách một con.
Gà không phao câu có giá đắt hơn gà thường, người dân địa phương cũng muốn nhân rộng đàn gà ra. Tuy nhiên có một sự lạ là không phải ai cũng nuôi được giống gà quý này. Ông Súng Phà Sinh chia sẻ, một ổ trứng do chính con gà mái không có phao câu đẻ ra cho vào ấp, nở ra chỉ có 3-4 con gà có phao câu thôi. Sự này lạ lắm! Các cụ cao niên bảo, từ xưa đến giờ nó vẫn vậy. Sống lâu ở đất này chứng kiến sự việc đó thành quen, nên chẳng ai tìm hiểu nữa.