Kỹ năng bỏ túi để tránh 'bẫy' hàng giả

11/09/2015 - 16:12
Người tiêu dùng có thể tìm hiểu thông tin trên web của nhà sản xuất, lựa chọn nơi mua hàng có uy tín, kiểm tra chất lượng của sản phẩm ở những chi tiết được cho là “cốt lõi” nhất...
Không chỉ có các sản phẩm hàng hiệu bị làm giả, bị nhái mà ngay cả những sản phẩm bình dân cũng bị làm giả rất nhiều và được bày bán công khai. Phổ biến nhất, từ các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, hàng điện máy, cho tới những gói bột ngọt, chai nước mắm…

Trước đây, giá hàng giả thường rẻ hơn hàng thật nhưng với trình độ làm hàng giả ngày một nâng cao, giá nhiều loại hàng giả hiện giờ xấp xỉ, thậm chí có khi còn đắt hơn cả hàng thật. Các luật sư hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng cũng như cơ quan chuyên trách chống hàng giả đều khẳng định: Rất khó phân biệt, vì hàng giả có muôn hình vạn trạng.

Đến thời điểm này chưa có một hướng dẫn tương đối cụ thể nào được xem là “cẩm nang mua sắm” để người tiêu dùng dựa vào đó mà né “bẫy” hàng giả. Nếu căn cứ vào giá để phân biệt hàng giả - hàng thật thì không còn chính xác và hiệu quả. Vậy, nếu căn cứ vào con tem có chức năng chống hàng giả, nhận diện thương hiệu của nhà sản xuất/phân phối, liệu có chính xác không? Câu trả lời cũng là “không”! Đó là chưa nói tới việc nhiều doanh nghiệp còn sử dụng các loại tem, nhãn tự in hoặc đặt in với mục đích giúp người tiêu dùng phân biệt thật - giả. Loại tem này dường như ai cũng có thể làm giả.

Vậy, một khi các dấu hiệu giúp “nhận biết” tính thật - giả đều bị “vô hiệu hóa” thì căn cứ vào đâu để có thể tránh được hàng giả?
Với thời trang, hàng xuất khẩu xịn thì không đủ size và số lượng rất hạn chế. Ảnh minh họa

Đó thực sự là một vấn đề vô cùng nan giải. Một số nhà sản xuất cho biết, chính họ cũng không phân biệt được sản phẩm của mình bị “nhái” nếu không tự tay tháo bỏ lớp vỏ ngoài để tiếp cận với “nội dung” bên trong. Song, đây là một gợi ý hay cho người tiêu dùng. Trong trường hợp cảm thấy chưa thật tin tưởng một loại sản phẩm nào đó, tốt nhất là bạn hãy “tháo vỏ” và kiểm tra chất lượng của sản phẩm ở những chi tiết được cho là “cốt lõi” nhất.

Tuy nhiên, cách này chỉ có thể áp dụng được với một số loại sản phẩm có bao bì, hoặc những sản phẩm có lớp vỏ bọc ngoài như một số loại thiết bị và vật dụng, còn với những sản phẩm thiết thực hơn đối với đời sống hàng ngày như cân đường, bịch bột ngọt, chai nước mắm… thì lại phải cần tới những giám định kỹ thuật sâu hơn, mà người tiêu dùng bình thường không thể thực hiện được. Đối với những sản phẩm này, lời khuyên là nên mua hàng tại các đại lý chính hãng hoặc các cửa hàng, siêu thị có uy tín, không nên mua tại chợ “cóc” hay các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ.

Tương tự, với các loại hàng thời trang, giày dép, mỹ phẩm… việc lựa chọn nơi mua hàng có uy tín gần như đóng vai trò quyết định. Ngoài ra, một số người có kinh nghiệm đối với ngành hàng thời trang cũng chia sẻ: Nhiều loại hàng quần áo thời trang, giày dép trôi nổi nhái hàng xuất khẩu, để phân biệt thì người mua cần lưu ý đến đặc điểm của hàng nhái là luôn đủ size để khách hàng lựa chọn. Nếu là giày dép nhái, nhìn thoáng qua rất mượt mà, không có vết sứt sẹo gì, form giày bình thường, không thấy độ tinh tế sắc sảo, số lượng rất nhiều. Trong khi hàng xuất khẩu “xịn” thì không đủ size và số lượng rất hạn chế.

Riêng hàng Trung Quốc “đội lốt” “Made in Việt Nam” thì hầu hết nhãn mác chỉ “bắn” trên giấy chứ không có mác vải in trên sản phẩm. Nếu có mác vải thì khi nhìn kỹ sẽ thấy đường may chỗ này bị cắt rời và có đường may mới, chất liệu vải, đường may thô, đường chỉ may không sắc sảo, keo rởm, độ bền không đảm bảo và thường chắp vá nguyên vật liệu.

Đối với hàng hiệu, người tiêu dùng có thể tìm hiểu các thông tin về sản phẩm trên những trang web chính thức của nhà sản xuất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm