Kỹ năng sống tự lập teen cần biết

09/03/2016 - 01:00
Ngoài những kiến thức sách vở, lứa trẻ sắp vào học cấp 3 cần những kỹ năng sống cần thiết để không bị bỡ ngỡ khi bước vào một môi trường sống tự lập hơn.

Nhiều cha mẹ vì quá yêu thương con mà đã bao bọc những đứa trẻ của mình thái quá. Sự bao bọc đó đã hạn chế cơ hội được học hỏi những điều thực sự quan trọng cho cuộc sống sau này của trẻ.

Để tránh điều đó, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, các bậc cha mẹ hãy sẵn sàng từ bỏ việc che chở con quá mức và dạy cho chúng những kỹ năng sống của một thiếu niên trưởng thành, đặc biết là  12 kỹ năng dưới đây.

Giặt quần áo

Khi dạy trẻ những kỹ năng cơ bản như giặt ủi, cha mẹ nên cẩn thận để trẻ không cảm thấy ngượng ngùng khi không biết làm như thế nào. Thay vì dạy từng li từng tí, hãy để chúng tự làm và bạn chỉ nên đứng ngoài nhìn và đảm bảo rằng chúng làm đúng như những gì bạn đã dạy. Sau đó hãy để chúng tự làm một mình, dù sai hay đúng thì đó đều là những kinh nghiệm bổ ích đối với trẻ.

dayconkynangsong-2.jpg

Tự thân vận động

Hầu hết chúng ta đều quá quen thuộc với những câu chuyện về các ông bố bà mẹ luôn gọi điện cho các thầy cô giáo trong trường để hỏi han về tình hình học tập cũng như phàn nàn về điểm số của con mình. Điều này là rất tệ và tốt nhất các bậc phụ huynh nên dừng lại ngay. Vì nếu vẫn tiếp tục làm như vậy thì có nghĩa bạn đang dạy cho con mình một điều rằng: con chưa có đủ năng lực và trách nhiệm để tự lo cho mình và cha mẹ sẽ làm điều đó thay con. Thay vào đó, hãy dạy cho con bạn cách nói chuyện với thầy giáo của mình đồng thời dạy chúng biết cách lắng nghe và học hỏi từ những gì người khác nói.

Tự sắp xếp hành lý

Các bậc phụ huynh luôn muốn tự tay chuẩn bị vali cho con khi con đi xa, thế nhưng đó là một thói quen không tốt. Hãy tập cho trẻ cách tự sắp xếp hành lý và kiểm tra đồ đạc của mình, bạn chỉ cần theo dõi và nhắc nhở những gì chúng cần mang theo, vậy là đủ.

Tự thức dậy đúng giờ

Thời điểm con bạn bước vào trường trung học cũng chính là lúc chúng nên tự biết cách thức dậy đúng giờ để có đủ thời gian đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, ăn sáng và đến trường. Điều này rất cần được nhấn mạnh bởi vì hầu hết tất cả các bậc phụ huynh đều để cho con mình trì trệ vào buổi sáng. Từ bé đến lớn, cha mẹ mặc nhiên trở thành đồng hồ báo thức của con và cứ thế chúng có thể dậy muộn, có thể bỏ bữa sáng và có thể muộn học. Thậm chí việc đó tạo ra một suy nghĩ không tốt trong đầu trẻ, đó là: Cha mẹ luôn ở đó và gọi con dậy.

Nấu ăn

Vào thời điểm con bạn bước vào trường cấp 3, thực sự chúng nên tự mình làm những công việc chăm sóc bản thân. Và cụ thể ở đây là việc nấu nướng. Không phải là bạn sẽ không nấu bữa tối cho trẻ nữa nhưng bạn nên chắc chắn rằng những đứa trẻ của bạn biết làm một bữa sáng đơn giản, hay đủ khả năng để tự chuẩn bị bữa trưa cho bản thân. Bạn cần phải dạy cho chúng cách tự chăm sóc bản thân khi cần thiết vì bạn chẳng thể nào biết được khi nào mình bận, khi nào mình ốm để chuẩn bị trước cho chúng. Hãy tạo tâm lý thoải mái cho trẻ để chúng thấy rằng đây là thời điểm để chúng trưởng thành và tự có trách nhiệm cũng như xây dựng năng lực của riêng mình.

dayconkynangsong.jpg

Sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Hãy để cho trẻ tự lập bằng cách hướng dẫn chúng sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đến trường. Và cấp 3 chính là thời gian thích hợp để thực hiện điều này.

Nói chuyện với người lạ

Thông thường các bậc cha mẹ thường dạy con mình rằng : “ Đừng nói chuyện với người lạ.”. Thế nhưng đây là một kỹ năng hoàn toàn sai, kỹ năng đúng phải là: “Cha/mẹ sẽ dạy con cách làm thế nào để phân biệt những người lạ đáng sợ với những người lạ bình thường.”. Hãy dẫn con đến một môi trường có những người lạ thân thiện, chẳng hạn như một siêu thị nhỏ gần nhà hay cơ quan của bạn để chúng học cách giao tiếp với người mà chúng không quen.

Hăng hái làm việc

Nếu cha mẹ vẫn cứ tiếp tục che chở cho con và luôn giữ suy nghĩ theo kiểu một chiều chỉ cần con học tốt ở trường còn việc nhà để cha mẹ lo thì đây quả thực là một sai lầm to lớn. Trẻ sẽ nghĩ rằng trong nhà không có việc nào là việc của mình và sau đó họ sẽ mang cả suy nghĩ đó đến trường học, thậm chí là đến nơi làm việc, nghiêm trọng hơn là chúng không bao giờ có khái niệm “hăng hái làm việc” trong đầu. Vì vậy, ngoài kiến thức cần thiết, trẻ em cần phải học làm như thế nào để đóng góp cho sự tiến bộ chung. Cha mẹ có thể xây dựng cho con ý thức hăng hái làm việc tích cực bằng cách yêu cầu chúng giúp đỡ một số việc nhà.

Gọi món trong nhà hàng

Thói quen này cần được dạy sớm hơn trước khi con bạn bước vào trung học phổ thông. Bạn không thể quyết định thứ chúng ăn mãi, hãy để chúng tự quyết định mình nên ăn gì. Đồng thời, qua cách gọi món ở nhà hàng, bạn có thể dạy con cách giao tiếp lịch sự với người lạ, cách nói “cảm ơn” và biết trân trọng món ăn của mình.

Đi mua đồ tại cửa hàng tạp hóa

Có thể khi trẻ còn nhỏ, bạn nên theo dõi trẻ hay bắt trẻ đi theo mình khi vào một cửa hàng tạp hóa hay một siêu thị lớn vì sợ trẻ bị lạc. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn vẫn tiếp tục làm như vậy đến khi trẻ lớn. Thay vào đó, bạn nên dạy trẻ cách đi mua đồ, cách đọc các biển báo trong siêu thị để chúng có thể tự xoay sở khi cần thiết.

Lên kế hoạch một chuyến dã ngoại

Bất cứ khi nào nhóm bạn của con đã đủ tuổi và đã sẵn sàng cho một chuyến đi chơi chung, bạn nên để chúng tự vạch ra kế hoạch của mình. Nhiều bậc cha mẹ vì sợ hãi những hiểm họa khôn lường mà thường áp đặt những kế hoạch mình vạch ra lên những đứa con, điều này không hay chút nào vì chúng sẽ khiến cho những đứa trẻ của bạn cảm thấy bị gò bó, gây ra phản ứng chống đối cha mẹ hay có thể là sợ cả thế giới bên ngoài. Thay vào đó, hãy giúp những đứa trẻ một tay trong việc chuẩn bị và đưa ra những lời khuyên cần thiết một cách tích cực vì khi chúng có những kế hoạch riêng có nghĩa là chúng đang cô gắng vươn mình ra thế giới bên ngoài để tự lập.

Biết cách tự đi bơm xăng

Điều này có vẻ kỳ quặc tuy nhiên bạn cũng nên chuẩn bị sẵn cho con kỹ năng này vì kết thúc cấp 3 cũng là lúc những đứa con của bạn được đi xe máy hay thậm chí là ô tô. Hãy dạy chúng tự lập chỉ với việc tự đi đổ xăng cho xe của mình. Nghe có vẻ đơn giản tuy nhiên lần đầu tiên thực hiện sẽ không khỏi khiến trẻ bối rối. Đồng thời việc này cũng giúp trẻ ý thức hơn về trách nhiệm của mình với chiếc xe và tránh trường hợp phải dắt bộ vì hết xăng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm