Kỷ niệm 21 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn: Nhạc sĩ và ám ảnh núi

Mộc Anh
01/04/2022 - 11:10
Kỷ niệm 21 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn: Nhạc sĩ và ám ảnh núi

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh

Vốn là người từng dịch thơ haiku Hán ngữ ra lục bát, thực chất là sáng tác trên chất liệu haiku, Trịnh Công Sơn chứng tỏ ông rất am hiểu về văn học, văn hóa phương Đông (dù từ nhỏ học trường Tây). Trong chữ Hán, Sơn có nghĩa là núi. Cái tên, biểu tượng một con người, hình ảnh núi thường trực trong nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn, dường như đã trở thành một ám ảnh nghệ thuật.

Ca khúc "Biển nhớ" có một câu mà nhiều người vẫn cho rằng là câu đẹp nhất, gợi nhất của cả bài. Đó là câu: "Ngày mai em đi/biển nhớ tên em gọi về/triều sương ướt đẫm cơn mê/ trời cao níu bước sơn khê". Từ "sơn khê" được viết thường, hiểu theo nghĩa Hán Việt là "khe núi" nhưng sau này theo một đồng môn của Trịnh Công Sơn tại Trường Sư phạm Quy Nhơn thì viết đúng là "Sơn Khê", ghép từ tên của nhạc sĩ với một người con gái, một kỷ niệm quãng đời tuổi 20.

Núi trong ca từ Trịnh Công Sơn hầu hết in dấu trong một trạng thái tĩnh, chờ đợi và trông ngóng. Trở lại với "Biển nhớ", khó có thể quên hình ảnh: "Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ/sỏi đá trông em từng giờ/nghe buồn nhịp chân bơ vơ". Và đây là khoảnh khắc tìm nhau: "Đứng bên ngày yêu dấu/Nhìn mây trôi đang tìm về núi cao ("Hãy cứ vui như mọi ngày"). Có khi núi lại là nơi chốn ẩn cư sau những bước chân du lãng: "Cuồng phong cánh mỏi/Về bên núi đợi" ("Chiếc lá thu phai").

Hình ảnh "đèo" trong câu: "Có người lòng như nắng qua đèo" hay "đồi" trong câu "Mười năm khi phố khi vùng đồi/Nhìn nhau ôi cũng như mọi người" trong bài "Có một dòng sông đã qua đời" cũng gợi nhớ về núi, những vùng rẻo cao xanh bóng cây, những đỉnh rừng cô độc. Bài "Dấu chân địa đàng" có câu mở đầu "Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo/Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều" da diết và đầy tâm trạng. Có khi người nhạc sĩ nhìn lên những non xanh với đôi mắt đầy thức ngộ: "Hòn đá lăn trên đồi/hòn đá rớt xuống cành mai/rụng cánh hoa mai vàng/chim chóc hót tiếng qua đời" ("Ngẫu nhiên"). Bài "Cỏ xót xa đưa" như một triết lý về đời người: "Người đã đến và người sẽ về bên kia núi/Từng câu nói là từng cánh buồm giong cuối trời/Còn lại tiếng cười khóc giữa đời". Bài "Phúc âm buồn" với hình ảnh "Rừng sương mù", "Rừng cây già", "Người còn đó, những lời nói rơi về chân đồi" cũng mang ẩn nghĩa tương tự.

Đôi khi sự mất mát được Trịnh Công Sơn viết ra thật nhẹ nhàng: "Một chiều kia có em buồn buồn/Thân mong manh như lau sậy hiền/Về đồi mây thắp hương nằm mộng/Rồi ngủ quên giữa trời mênh mông" ("Níu tay nghìn trùng"). Núi, đồi đã trở thành nơi an nghỉ thiên thu cho một kiếp người. Bài "Lời thiên thu gọi" ghi lại khúc mộng du của một quãng đời nhiều mỏi mệt: "Về trên phố cao nguyên ngồi/Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi… Về chân núi thăm nấm mồ/Giữa đường trưa có tôi bơ phờ".

Kỷ niệm 21 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn: Nhạc sĩ và ám ảnh núi - Ảnh 1.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Dẫu vậy núi vẫn là một khát khao khó nói thành lời, điểm đến cho cuộc hành hương của đời người: "Người đi hành hương về đồi núi xa/Người đi vẫn đi, chiều qua vẫn qua… Người đi một mình, đồi dốc nghiêng xuống/Người đi một mình, vực sâu gọi tên" ("Hành hương trên đồi cao"). Núi là một khát khao vô biên vô tận: "Tìm tình, tìm tình trên núi em gặp mây bay/Ô hay tìm tình giữa chợ tình phai mất rồi" ("Bống không là Bống"). Và những bước chân không mỏi mệt: "Trong khi ta về lại nhớ ta đi/Đi lên non cao đi về biển rộng" ("Một cõi đi về").

"Rừng đã cháy và rừng đã héo", "Rừng đã khô và rừng đã tàn", "Đồi đứng bóng và đồi thắp nắng" - những câu trong bài "Em hãy ngủ đi" như một tiếng ru sầu muộn từ trên cao xanh của một tâm hồn cô độc. Có lúc, người nhạc sĩ phủ nhận bản thân không là núi mà cũng như bao người "như thân cỏ hèn mọc đầy núi non", "Núi đứng quanh năm đất muôn đời nằm riêng ta rộn ràng" ("Lời thiên thu gọi").

Bài "Đóa hoa vô thường" là sự trở đi trở lại của sự ngưỡng vọng và cũng là ám ảnh hướng về núi qua các cách gọi khác nhau "non ngàn", núi trong "sông núi". Từ phút giây bỡ ngỡ của tình yêu mới chớm: "Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi" tới cảm xúc dâng trào: "Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca" và đoạn cuối của một cuộc tình: "Chở lời kinh đến núi non/Những lời tình em trối trăn" cùng nỗi đau dai dẳng: "Từ đó ta nằm đau/Ôi núi cũng như đèo/Một chút vô thường theo/Từng phút cao giờ sâu".

Ngay trong ca khúc viết về phố như "Góp lá mùa xuân", dù ám ảnh phố, Trịnh Công Sơn vẫn không thôi nghĩ về núi, về "ngọn tình ca", về "Rừng thu phơi những cành khô".

"Một lần bóng núi in bên sông dài, một lần thấy bóng tôi" ("Một lần thoáng có"). Núi là bản thể con người cũng là khát vọng của người nhạc sĩ mà bóng ông đã che rợp một khoảng mênh mông của nền âm nhạc Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm