Kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2/9: Vận dụng phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng phong cách của cán bộ, đảng viên

PV
02/09/2018 - 09:30
Kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2/9: Vận dụng phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng phong cách của cán bộ, đảng viên
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là một cuộc vận động chính trị lớn hiện nay theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ngày 15/5/2016. Đây là một cuộc sinh hoạt chính trị và cũng là một nhiệm vụ lớn trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải hết sức quan tâm học tập và vận dụng hiệu quả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nói đến phong cách, ta có thể hiểu phong cách chính là phương pháp, cách thức, tính cách của mỗi người trong thực thi hoạt động của mình trong đời sống xã hội. Phương pháp, phong cách đó phải mang tính đặc trưng, tính điển hình, có tác động tích cực với bản thân người đó và có sức lan toả với cộng đồng, xã hội.

tuong.jpg
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam 

 

Phong cách được thể hiện phong phú trên nhiều phương diện: Phong cách sống, làm việc, công tác, lãnh đạo... Nghiên cứu về phong cách của một bậc vĩ nhân như Bác Hồ là một điều hết sức cần thiết để chúng ta học được ở Người cả phong cách lãnh đạo, làm việc, công tác và phong cách sống. Nói đến phong cách Hồ Chí Minh có thể khái quát những nét lớn sau:

 

Thứ nhất, phong cách tư duy Hồ Chí Minh luôn sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của đất nước. Bác không chấp nhận cách tư duy một cách giáo điều, rập khuôn. Ngay trong nhận thức lý luận Mác-Lê nin, Bác nắm “linh hồn sống” của chủ nghĩa Mác-Lê nin, chứ không phải thuộc lòng câu chữ, nắm cái bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết Mác-Lênin để từ đó vận dụng sáng tạo vào Việt Nam. 

bac-ho.jpg
Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ Tây Bắc năm 1959. Ảnh tư liệu

 

Thứ hai, là phong cách dân chủ, khoa học, lắng nghe ý kiến của đồng sự, đồng chí, người dân để suy nghĩ về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, làm sao đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc sống, nhu cầu của người dân. Cách làm việc của Hồ Chí Minh hết sức khoa học, có suy nghĩ, cân nhắc tất cả những điều kiện khách quan, chủ quan để đi đến quyết định. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử”. Những quyết định của Người được đưa ra trên cơ sở nhận thức khoa học.

 

Trong phong cách lãnh đạo thực chất có 2 loại, hoặc là dân chủ hoặc là quan liêu, áp đặt, xa dân. Ở Bác Hồ là phong cách dân chủ, lắng nghe, suy ngẫm chiều sâu từ thực tiễn, từ ý dân, nguyện vọng của dân. Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh đòi hỏi những người lãnh đạo hiện nay của ta cần suy nghĩ xem mình chọn phong cách nào để mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho địa phương mình, ngành mình, cơ quan mình và rộng hơn là đất nước. Hiện nay, chúng ta đang hướng tới phong cách dân chủ, tin dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của dân, bàn bạc với dân và vì dân.

bac-ho-2.jpg
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc năm 1960. Ảnh tư liệu

 

Khi nói đến phong cách Hồ Chí Minh ta có thể thấy ngay ta cần vận dụng cái gì trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đó là kiên quyết chống những biểu hiện quan liêu, vô cảm với dân, áp đặt, dân chủ hình thức; thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trong đó tập thể lãnh đạo nghĩa là phát huy trí tuệ, phát huy dân chủ ngay trong cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền, cá nhân phụ trách tức là đề cao trách nhiệm cá nhân, mà Đảng ta hiện nay đang nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu.

 

Thứ ba là phong cách nói đi đôi với làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến hiệu quả công việc. Người không hài lòng với lối làm việc khoa trương, hình thức. Từ năm 1927, Người đặt ra trong Tư cách của người cách mệnh, đó là: Đã nói là phải làm, nói đi đôi với làm. Ở Bác biểu hiện rất rõ điều đó. Bác nói ít nhưng là con người hành động. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu, phải đề cao trách nhiệm, năng lực tổ chức thực tiễn, tránh tình trạng nói hay nhưng làm dở, nói một đằng làm một nẻo, nói mà không hành động. Đó chính là học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực.

 

Điểm thứ tư trong phong cách Hồ Chí Minh là lối sống khiêm tốn, giản dị, hoà đồng với đồng chí, đồng bào; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn sống vì người khác. Sinh thời, Bác hết sức quan tâm đến người khác, Bác luôn nhắc nhở, sống phải có tình, có nghĩa. Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực của người lãnh đạo suốt đời hết lòng vì dân vì nước, thấu cảm lòng dân, chia sẻ với nhân dân.

 

Đó cũng là động cơ để Người đi làm cách mạng, giải phóng những số phận còn khổ ải, như mong muốn của Bác “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Phong cách sống khiêm tốn, tôn trọng người khác của Bác được thể hiện ở việc Bác không bao giờ dùng từ “cho” mà dùng từ “tặng”, “biếu”: “Áo bạn tặng tôi, tôi biếu chú”, hay gặp các cháu thiếu nhi, Bác luôn nói “tặng cháu”. Điều đó thể hiện một nhân cách lớn.

 

Phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức cảm hoá, sự lan toả lớn đến các đồng chí, đồng sự. Phong cách sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng phục vụ nhân dân cũng được thấy ở nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam, trong đó có Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, người cộng sự gần gũi của Bác Hồ. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời. Đạo đức đó không phải bằng lý luận cao xa, mà bằng sự mẫu mực, giản dị, chân thành, nói đi đôi với làm. Người dân Hà Nội một thời thường thấy hình ảnh vị Chủ tịch nước đạp xe trên đường phố Hà Nội. Khi xe hỏng, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tự sửa bằng bộ dụng cụ sửa xe đạp của mình.

 

Học tập và làm theo phong cách Bác Hồ, mỗi người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải thực sự gần dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của dân, bàn bạc với dân, sống chân thành, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trách nhiệm với công việc mình được giao thì người dân sẽ tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ, góp ý. Điều này giúp tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm