Ký ức vụn với GS.TS Võ Hồng Anh

Nguyễn Thế Tường
27/06/2024 - 08:00
Ký ức vụn với GS.TS Võ Hồng Anh

Tác giả chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phu nhân cùng con gái đầu - GS.TS Võ Hồng Anh (bìa trái)

Nhớ lần đến 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) làm phim nhân ngày giỗ nữ GS.TS Võ Hồng Anh (ngày 18 tháng 7), một người bạn học với chị hồi ở Nga nói: Bên ấy, các bạn Nga và cả bọn tôi đều gọi đùa Hồng Anh là… "Quận chúa"…

Vâng, bây giờ đây, "Quận chúa" đã về miền mây xanh mười lăm năm. Với tôi, mỗi lần nhớ lại, ký ức về chị như những trường đoạn phim trong trẻo, được sắp xếp chuyên nghiệp, có lớp lang, bài bản và rất rõ nét.

Năm 1979, có lẽ là mùa thu, đang làm báo ở Huế, tôi được tháp tùng Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên Thái Bá Nhiệm đưa di hài thân phụ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Võ Quang Nghiêm, từ Huế về quê hương Lệ Thủy. Cụ Võ là nhà nho, có nghề bốc thuốc, bị Pháp bắt năm "Tây tới" 1947, bị địch sát hại tại nhà lao Thừa phủ (Huế). Với tôi, về Lệ Thủy là về nhà. Nhà tôi bên kia sông Kiến Giang, gần như đối diện với nhà cụ. Hai họ tộc cũng có mối liên kết thông gia và quan hệ trong đường Hán học. Tuy nhiên, tôi là hậu sinh, thường chỉ "kính nhi viễn chi". Như một ngày giỗ trọng, đông người lắm. Tôi gần như ngạc nhiên trước một phụ nữ trẻ rất mảnh mai và khá hồn nhiên, giọng Hà Nội pha nhiều âm sắc và từ vựng của thổ ngữ Lệ Thủy, được rỉ tai là con gái đầu của Đại tướng, tức là cháu gái "đích tôn" của cụ Võ. Năm ấy chị 40 tuổi. Sau này mới biết chị có khoảng 8 năm thời thơ ấu ở quê An Xá với ông bà nội, đến năm 1948, có một đơn vị nhỏ của Quân đội đưa hai bà cháu đi theo đường rừng ra Bắc…

13 năm sau, năm 1992, khi Quảng Bình tái lập 3 năm, tôi lại được ôm máy quay phim ra địa đầu tỉnh đón gia đình Đại tướng về thăm quê. Đỉnh đèo Ngang một ngày đầu tháng Tư, chiều nắng nhạt, gió xuân muộn hây hẩy, Đại tướng, Giáo sư phu nhân, các Đại tá Huyên, Đại tá Tâm và chị cùng lặng ngắm dải đất quê hương còn đẹp hoang sơ và nghèo. Trong ống kính Phi-dơ lại hiện lên vẻ hồn nhiên gần như háo hức của người phụ nữ "nửa chừng xuân" 13 năm trước. Lần ấy, sau khi chính thức nghỉ việc nhà nước, Đại tướng về thăm quê dài ngày. Tôi đi theo 21 ngày để làm phim "Trở về mái nhà xưa", tiếp cận nhiều hơn với các thành viên trong gia đình. Chừng một năm sau đó, lại có dịp được cùng chị du ngoạn phá Hạc Hải trên quê hương gắn bó với tuổi thơ của Đại tướng. Nhà báo Hồng Hiếu tổ chức một chuyến thuyền khảo sát mặt phá mênh mông bốn nghìn mẫu tây. Giữa thiên nhiên bao la, chị, người phụ nữ đã qua tuổi ngũ thập, gần như trở lại là một bé gái háo hức với tiếng sóng vỗ mạn thuyền, ngọn gió Nam thổi lộng, tiếng chim trời thao thiết, những cái chòi của ngư dân dựng chênh vênh trên mặt phá. Nhưng, phải tới giữa trưa, khi cả nhóm đã lửng bụng mà những hộp sữa tươi không thỏa mãn cơn đói, tôi trình ra một mo cơm nếp xôi to đùng, chị mới kêu lên một tiếng lanh lảnh đầy vẻ ngạc nhiên và thích thú. Cả hội rửa tay qua loa rồi bốc xôi ăn…

Chị em tôi thân nhau từ đó.

***

Ký ức vụn với GS.TS Võ Hồng Anh- Ảnh 1.

Tác giả Nguyễn Thế Tường với GS.TS Võ Hồng Anh

Có vẻ như chúng tôi hình thành một nhóm nhỏ. Ở Hà Nội, có Hoàng Thị Ái Nhiên ở Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Về Quảng Bình, có Hồng Hiếu. Còn tôi, lúc bấy giờ đang làm phóng viên thường trú miền Trung cho tờ Văn nghệ trẻ, thường cùng chị di chuyền tuyến Hà Nội - Quảng Bình. Chị em tôi gắn bó cùng nhau cả trong những việc trọng đại như lần đưa di hài của Tổ mẫu (bà nội) từ ngoài Bắc về vùng đất phía sau Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Lệ Thủy để được gần với cụ ông. Lại có lần theo "lệnh" Đại tướng, chị cùng tôi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình về số phận của vùng nước lợ phá Hạc Hải, tháp tùng "nhà chuyên môn" đi tìm nơi an nghỉ cho Đại tướng khi "ngài trăm tuổi", thay mặt Đại tướng dự lễ với nhà trường PTTH Lệ Thủy kỷ niệm 40 năm thành lập. Chị từng đi nhiều nước nhưng vẫn thích sinh hoạt dân dã, nói giọng Thủ đô "pha đôi câu Lệ Thủy", ăn những món của quê hương. Có lần trên xe ra Bắc, hai chị em tranh cãi rằng, cá trê và cá lóc kho kiểu Lệ Thủy món nào ngon hơn, đến tận Hà Nội vẫn chưa ngã ngũ… Những buổi thả mình trên bãi cát Bảo Ninh, nằm xoài trên thảm cỏ trong khuôn viên khu Mỹ Cảnh. Chị công bằng, thẳng thắn và nhạy cảm. Một lần, thím Hạ tôi (con cô ruột của chị) nói một câu bất cẩn khiến tôi tự ái, chị đã kiên quyết "bắt" thím phải rút lại câu nói đó…

Nhờ tình thân này mà tôi được "hưởng lợi". Rất nhiều lần tôi đã nhờ chị can thiệp với Đại tá Huyên, thư ký, để đoàn chúng tôi được "chen ngang" vào thăm Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội). Lần ấy, đoàn văn nghệ sĩ Quảng Bình đang dự trại sáng tác ở Đại Lải về thăm Bác, tôi đã đạo diễn thành công được một chương trình "Hò khoan Lệ thủy" tự phát ngay tại 30 Hoàng Diệu. Giữa khuôn viên nhiều cây xanh, trong phòng khách gia đình ấm cúng, tiếng hò của "giọng cái" do nhạc sĩ Nguyệt Ánh đảm nhiệm và tiếng xố "Khoan khoan hò khoan!" của mấy chục hội viên Văn nghệ, của cô Hà, của Đại tướng, của chị Hồng Anh vang vang, tạo nên một không gian văn nghệ dân gian vô tiền khoáng hậu. Thời gian tiếp khách là ấn định, Đại tá Huyên vào nhắc nhở, Đại tướng nói: "Cho mình xin thêm 10 phút!". Rồi tiếp tục hò. Hết 10 phút, Đại tá lại bước vào, Đại tướng gần như khẩn khoản: "Cho xin thêm … 5 phút!". Những lúc ấy, nhìn gương mặt chị mà thấy buồn cười: Như một cô học trò chờ thầy cho điểm. Và khi được tiếp tục "tiết mục văn nghệ" thì chị trở lại vui mừng như một cô gái trẻ, lại líu lo những thổ ngữ An Xá mà kí ức vời vợi 60 năm chưa hề nhạt phai.

***

GS.TS Võ Hồng Anh (1939 - 2009) là con gái duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (em gái nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1961, bà Võ Hồng Anh thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (Liên Xô, nay là Liên bang Nga). Năm 1982, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán - Lý tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna (Liên Xô). Trong sự nghiệp khoa học của mình, bà đã có 50 công trình nghiên cứu về vật lý hạt nhân (độc lập hoặc nghiên cứu chung) được công nhận. GS.TS Võ Hồng Anh là nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên được tặng Giải thưởng Kovalevskaia - giải thưởng cao nhất của Việt Nam về khoa học kỹ thuật dành cho các nhà khoa học nữ - vào năm 1988.

Cả tôi, Ái Nhiên và Hồng Hiếu đều theo Khoa học Xã hội, không biết gì về Vật lý Lượng tử là chuyên ngành mà chị Hồng Anh giỏi, đạt học hàm, học vị cao và được trao giải Kovalevskaia, chỉ thích tính giản dị, chân thành và gần như hồn nhiên của chị. Lần cuối, gia đình Đại tướng về thăm quê, năm 2004, ở lại khách sạn Phú Quý ven bờ biển. Ông cụ bảo chị gọi tôi ra gặp. Trưa hôm ấy, lãnh đạo tỉnh mời cơm để chiều gia đình trở ra Hà Nội, Đại tướng và phu nhân đã mở lời nhờ tỉnh mời tôi được cùng ăn cơm. Tôi thì vô cùng cảm động còn chị thì lại biểu lộ sự vui mừng hồn nhiên như trẻ thơ khi thấy tôi được cùng… ăn cơm.

Năm ấy, Đại tướng đã 93 tuổi, không thể đi ô tô đường dài. Bộ trưởng Đào Đình Bình bố trí toa riêng cho gia đình đi tàu hỏa ra Hà Nội. Tiễn gia đình lên tàu ở ga Đồng Hới lúc gần 4 giờ chiều, tôi và chị Ái Nhiên bất giác cũng lên tàu ngồi cùng gia đình. Và, trong chừng 15 phút tàu còn đỗ lại, chúng tôi lâm vào một trạng thái tâm lý gần như mất ý thức, bâng khuâng linh cảm một điều gì đó không bình thường, không ai nói được câu gì. Bác Giáp thì một hai lẩm bẩm: "Mở cửa ra, mở cửa ra!" vì dưới sân ga khá nhiều cán bộ đưa tiễn mà cụ không biết rằng cửa kính tàu hỏa không thể mở được.

Rồi đó, tàu rời ga chạy về Bắc. Chúng tôi đứng nhìn theo cho đến khi hút bóng con tàu.

Đó là lần về thăm quê cuối cùng của gia đình Đại tướng.

Đồng Hới, tháng 6/2024

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm