Lạ miệng với món gỏi sầu đâu khô cá lóc

15/05/2018 - 10:03
Gỏi sầu đâu có vị đắng đặc trưng của lá sầu đâu kết hợp với vị mặn của khô cá lóc cùng với một số loại rau quả khác như dưa leo, xoài sống, rau răm tạo nên một món ăn tuy dân dã nhưng rất tinh tế. Vị đắng của rau sẽ bị thay thế bởi vị ngọt thanh khi bạn nhai thật kỹ và chậm.

Thưởng thức gỏi sầu đâu, bạn nên nhai chậm để cảm nhận vị đắng dịu nhưng có hậu ngọt của sầu đâu và vị mặn, dai dai của cá khô. Cả hai thứ này càng làm cho khẩu vị thăng hoa nhờ mùi đặc trưng, lạ miệng, hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào.

img_1255.JPG
Gói sầu đâu - món ngon của vùng bảy núi An Giang

 Để thực hiện món gỏi sầu đầu cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

– Khô cá lóc

– Lá sầu đâu: 1 bó (chọn đọt non, có bông chưa nở vì bông nở sẽ có vị đắng hơn)

– Dưa leo: 2 trái

– Rau răm: 1 nắm

– Me chín: 1 vắt

– Ớt xay, tỏi, đường, nước mắm ngon

img_1223.JPG
Cách làm:

Để tạo nên món gỏi sầu đâu khô cá lóc ngon phải chọn nhưng con cá lóc đồng tươi. Sau đó cá được chế biến sạch rồi phơi khoảng 2-3 nắng là ngon nhất. Cá sau khi phơi xong thì đem nướng qua lửa, bỏ xương rồi xé thành từng miếng nhỏ.

untitled-1.jpg

Bí quyết của món gỏi này là phải trộn với nước me chua (dùng me chín ngâm trong nước ấm cho tan), thêm chút đường, ớt, tỏi, nước mắm cho vừa khẩu vị. Nước chấm cũng là thứ nước mắm me đậm đặc, cay, chua nhưng vừa ăn, không mặn, nhằm làm tăng thêm hương vị đậm đà.

img_1238.JPG

Dưa leo bỏ hột, thái lát mỏng. Nhặt lá sầu đâu chần sơ qua nước nóng, sau đó ngâm nước đá cho lá bớt đắng lại giòn. Xoài bào sợi, rau răm nhặt sạch.

img_1245.JPG
Nhặt lá sầu đâu chần sơ qua nước nóng, sau đó ngâm nước đá cho lá bớt đắng lại giòn

Trộn hỗn hợp các loại rau với nhau rồi cho nước trộn gỏi vào trộn đều. Sau đó cho khô cá lóc đã được xé nhỏ vào là xong món gỏi đặc sản ngon hết ý. Đặt gỏi ra đĩa, tỉa quả ớt để trang trí cho món ăn thêm hấp dẫn. 

Sầu đâu hay còn được gọi là "sầu đông" hoặc "cây xoan", mọc rất nhiều ở các tỉnh như An Giang, Kiên Giang. Cần phân biệt cây sầu đâu mọc ở miền Tây và sầu đâu (sầu đông) mọc ở miền Trung. Cây mọc ở miền Trung lá màu xanh, hoa màu tím, đặc biệt lá độc không ăn được. Còn cây sầu đâu mọc ở miền Tây có hoa màu trắng xanh, lá màu xanh vị đắng nhưng chứa nhiều vị thuốc tốt.

Nhiều tài liệu về y dược cho biết trong vỏ, lá, quả và gỗ của cây sầu đâu đều có chất khổ vị tố (chất đắng) có tác dụng chữa giun rất tốt. Theo dược sĩ Lê Kim Phụng (Đại học Y Dược TP.HCM) thì cây sầu đâu từ lâu đã được người Ấn Độ dùng làm thuốc chống viêm, kháng khuẩn, chữa sốt rét… Riêng nước sầu đâu dùng uống để chữa viêm nha chu, viêm nướu, sâu răng, viêm khớp… Còn theo kinh nghiệm dân gian thì đọt sầu đâu có thể làm mát gan, chống giun và trị nhức mỏi.

Tại TP.HCM, bạn có thể tìm mua lá sầu đâu ở khu chợ Campuchia - đường Hồ Thị Kỷ, Q10.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm