pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lá thư 86 chữ Gia Cát Lượng gửi con trai gói trọn trí tuệ 1800 năm trước
Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long, được coi là một khai quốc công thần, nhà chính trị, ngoại giao kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Trong lịch sử, ông được ca ngợi là hình mẫu của những vị tướng tài đức vẹn toàn, là hiện thân của trí tuệ kiệt xuất.
Điều đó không chỉ thể hiện qua tài năng 'liệu sự như thần' trên chiến trường trận mạc mà còn qua những dòng tâm thư ông viết cho con trai mình. Bức thứ ngắn nhưng vô cùng thâm thúy, gói trọn trí tuệ từ hơn 1.800 năm trước khiến người đời sau phải nghiền ngẫm:
"Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức.
Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.
Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học.
Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.
Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính.
Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.
Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn".
Chỉ với 86 chữ, lá thư Gia Cát Lượng viết cho con trai gửi gắm 10 bài học sâu sắc, giúp khai mở sức mạnh, ảnh hưởng tới vận mệnh cả đời người.
Bài học 1: Tĩnh giúp tu thân, tâm
"Nết người quân tử, tĩnh để tu thân."
Gia Cát Lượng khuyên răn con trai: Tĩnh giúp tinh thần sáng suốt, mới có thể tu dưỡng thân, tâm. Tâm không tĩnh thì khó có thể khai phá bản thân, đưa ra những hướng đi tốt nhất.
Điều kiện quan trọng hàng đầu của học tập chính là môi trường yên tĩnh. Cuộc đời này không có chuyện một bước thành tiên, tất cả thành quả đều được hình thành trong sự tích lũy dần dần. Lúc này, sự tĩnh lặng đặc biệt quan trọng. Bởi sự nóng vội hay một phút bồng bột sẽ khiến con người không nhìn rõ phương hướng và trái tim mình, từ đó dễ đi sai đường, không tìm thấy hướng đi đúng đăn cho cuộc đời.
Con người trong cuộc sống hiện đại, xã hội xoay vần, thế cuộc thay đổi lại càng phải hiểu rõ sức mạnh của sự tĩnh tâm.
Bài học 2: Sống tiết kiệm là đang dưỡng đức.
"Kiệm dùng dưỡng đức"
Gia Cát Lượng khuyên con phải sống tiết kiệm để tu dưỡng đức hạnh cho bản thân. Sống trên đời cần phải tiết kiệm, chớ xem trọng danh vọng và tiền tài. Sử dụng tiền bạc có nguyên tắc không chỉ giúp con người thoát khỏi những khoản chi phù phiếm, vô bổ mà còn tránh được cảnh nợ nần, trở thành nô lệ của vật chất. Bên cạnh đó còn giúp mọi người hiểu được nhu cầu nào trong cuộc sống là quan trọng hơn và cần được ưu tiên.
Bài học 3: Sống đạm bạc khiến trí tuệ sáng suốt, nội tâm yên tĩnh sẽ suy nghĩ được xa hơn
"Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi."
Gia Cát Lượng răn dạy con trai rằng làm người không nên chạy theo danh lợi trước mắt, phải có hoài bão rõ ràng, bình tâm và chăm chú vào việc mình làm. Nếu tâm đầy dục vọng thì cuộc sống sẽ bon chen, sóng gió. Còn khi lòng trong sạch, tâm sẽ bình an, khi đó mới có thể cẩn thận lập kế hoạch cho tương lai.
Bài học 4: Học cần tâm tĩnh
"Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học."
Gia Cát Lượng không tin vào thuyết thiên tài và cho rằng tài năng của một người là kết quả của sự siêng năng học tập. Đây cũng là cách duy nhất để mọi người có thể có tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng việc học không phải là một việc dễ dàng và khuyên con trai khi học cần có một môi trường yên tĩnh và một trạng thái tinh thần tập trung thì mới phát huy hết được tài năng của mình. Ở cảnh giới tâm hồn tĩnh lặng, chuуên chú, thì hiệu quả đạt được sẽ tăng lên gấp bội.
Bài 5: Sức mạnh của tham vọng
"Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học."
Gia Cát Lượng dạy con trai nếu không học thì không thể phát triển tài năng, nếu không có hoài bão rõ ràng thì không thể đạt được thành công. Do đó, muốn bản thân phát triển, gia tăng năng lực thì không chỉ học kiến thức ở trường lớp mà cần phải rèn luyện ý chí kiên trì.
Trong quá trình học, sự quyết tâm và kiên trì rất quan trọng, bởi nếu không có ý chí, bạn sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Bởi vì nếu thiếu ý chí, bạn rất có thể bỏ dở giữa đường. Đạo lý này thật sự có bao nhiêu người đã học được?
Bài học 6: Sức mạnh của tốc độ
"Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông"
Mọi việc trong cuộc sống muốn thành toàn thì cần phải nắm chắc tốc độ. Ông khuyên rằng, không nên cứ trì hoãn một việc nào đó mà cần nắm chắc việc cần làm.Thời đại hiện nay là thời đại của công nghệ máy tính, mọi thứ đều hướng đến sự hiệu quả. Trí tuệ của 1.800 năm trước vẫn còn hữu dụng.
Đi trước một bước, không chỉ đạt được lý tưởng của mình mà bạn còn có nhiều thời gian để sửa sai và hoàn thiện bản thân hơn.
Bài học 7: Sức mạnh của tính cách
"Nóng nảy sao tu thành tâm tính."
Theo Gia Cát Lượng, con người nếu quá nóng nảy thì sẽ không thể tu dưỡng nhân cách. Một người càng nôn nóng thì càng dễ mù quáng, lầm đường lạc lối và càng dễ đánh mất chính mình. Ông hiểu rõ trong cuộc đời cần phải cân bằng rất nhiều thứ, phải "tinh thông", cũng phải "tu tâm dưỡng tính" nên đã răn dạy con mình nhiều lúc phải biết sống chậm lại và nhìn nhận thật kỹ trái tim mình. Cũng như một nhà tâm lý học nói rằng tư tưởng quyết định hành vi, hành vi quyết định thói quen, thói quen quyết định tính cách, tính cách quyết định vận mệnh của con người.
Bài 8: Thời gian sẽ làm hao mòn mọi thứ
"Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi."
Gia Cát Lượng nhận ra rằng thời gian trôi nhanh, ý chí kiên cường của con người cũng sẽ hao mòn. Cuộc đời thật ngắn ngủi và chẳng ai trong chúng ta có thể đoán được thời gian của mình đã trôi về đâu. Cứ tưởng rằng sau hôm nay sẽ có ngày mai, ngày mai sẽ có ngày kia, nhưng đôi khi nếu bỏ lỡ một giây phút thì sẽ đánh mất cả đời. Nếu không biết trân trọng, có những thứ sẽ trôi qua trong hối tiếc. Vì vậy hãy tận dụng thời gian và cố gắng sống trọn vẹn từng giây phút.
Bài học 9: Sức mạnh của việc lên kế hoạch cuộc đời
"Thân đã già nua, chưa hiểu sự đời."
Đời người rồi cũng có ngày sẽ như lá khô rơi rụng, không thể thu giữ, chỉ có nỗi bi thương còn đọng lại. Gia Cát Lượng nhận ra rằng thời gian như bóng câu qua cửa sổ, khi già nua, lỗi thời, không theo kịp sự thay đổi của thời cuộc, mới đau thương than vãn bỏ lỡ tháng ngày, hối hận, muốn làm lại cũng không kịp nữa. Do đó, ông căn dặn con trai cần phải biết lập kế hoạch cho cuộc đời mình, nên nghĩ từ cái lớn, nhưng bắt tay vào làm từ cái nhỏ. Con đường phía trước còn rất dài, cần lên kế hoạch trước để có thể đi một cách suôn sẻ hơn.
Bài 10: Sức mạnh của việc sắp xếp hợp lý
"Thân đã già nua, chưa hiểu sự đời."
Bức thư trên do Gia Cát Lượng viết cho con trai chỉ sử dụng 86 chữ nhưng nội hàm giáo dục lại bác đại tinh thâm. Bởi vậy không phải lúc nào dài dòng văn tự cũng tốt, đôi lúc càng đơn giản thì càng nói rõ được nội hàm. Đấy cũng là cái uyên thâm trong bậc hiền tài ngày xưa.
( Theo Sohu)