'Lạc cụt' mong tìm cha mẹ

21/03/2016 - 19:00
“Em có một khao khát rất lớn là được gặp bố mẹ để nói là: Lạc cụt, con của bố mẹ đã lớn rồi, đã tự biết chăm sóc bản thân và đạt được thành tích trong học tập. Con không hận bố mẹ đã bỏ rơi con đâu”.

 

 Có lúc em tủi thân vì không thể cầm bút viết, nhưng em đã không khóc.

Trần Văn Lạc là tên cậu bé có 2 tay, 2 chân đều bị cụt. Tháng 6/1999, em được một nhân viên lao công ở Trung tâm Y tế huyện An Nhơn phát hiện ở góc tường rào. Bên cạnh cậu bé một tuần tuổi có một bì thư đựng một trăm nghìn đồng và mảnh giấy viết tay nguệch ngoạc với mong muốn nhờ Trung tâm nuôi dưỡng đứa con tàn tật hộ mình. Thư có đoạn viết: “Tôi không dám nói gì hơn để cảm ơn ông, bà, cô, bác. Xin mọi người hãy vì tương lai của cháu mà giúp cháu. Tôi là người mẹ làm thuê cuốc mướn không đủ ăn. Còn cha của cháu đã bỏ đi…”. Một tuần sau đó, Lạc được về Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định nuôi dưỡng.

Tay phải của Lạc bị cụt hết bàn tay, tay trái cụt đến cùi chỏ, còn bàn chân phải không có ngón, chân trái cụt đến đầu gối. Nhưng Lạc có khuôn mặt sáng, đôi mắt đen láy rất tinh nhanh khi em được ủ ấm, bú sữa no. Ai bế Lạc, cậu cũng lặng im, không cười, không khóc. Lúc 2 tuổi Lạc biết dùng hai cùi tay để kẹp đồ chơi, kẹp những quả bóng tròn tung lên, kẹp thức ăn, bánh kẹo đưa vào miệng. 3 tuổi, các mẹ ở trung tâm tập cho Lạc tự xúc cơm ăn.

Khi mới bắt đầu đi học, khó khăn lớn nhất của Lạc là tập viết. Lúc đầu em kẹp bút vào hai cùi tay, nhưng viết không được, lại chuyển sang kẹp một tay nhưng bút vẫn bị rơi. Lạc bảo: “Khi cô giáo dạy kẻ nét sổ thẳng, thấy các bạn viết được nhẹ nhàng, em thèm vô cùng. Lúc đó em chỉ ước mình có hai bàn tay như các bạn để cầm bút thì hạnh phúc biết bao. Nhiều hôm em ngồi cả buổi mà không viết được gì cả, muốn khóc vì tủi thân lắm, nhưng em tự động viên mình không để nước mắt rơi”. Lạc cặm cụi tập viết cả ngày lẫn đêm, cậu tìm mọi cách để kẹp bút cho chắc. Những nét chữ đầu tiên, tròn trĩnh đã dần dần hiện ra từ hai cánh tay tật nguyền.

Năm ấy, cậu bé Lạc 10 tuổi đã lấy đi nhiều nước mắt của những bậc làm cha, làm mẹ cũng như những người chứng kiến cuộc thi Tin học trẻ Bình Định năm 2009. Em giành giải khuyến khích với sự sáng tạo, thông minh đến không ngờ.

"Em chỉ mong gặp bố mẹ, để nói rằng con không hận bố mẹ. Dù con tật nguyền, nhưng bố mẹ hãy tự hào vì con".

Ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định cho biết: “Trước đó, Trung tâm chúng tôi chưa từng tiếp nhận một trường hợp nào có hoàn cảnh bất hạnh như cháu Trần Văn Lạc. Vì vậy các cán bộ, nhân viên trong Trung tâm đều rất thương yêu chăm sóc cháu. Khi Lạc đủ tuổi, chúng tôi muốn gửi cháu học ở một trường mẫu giáo dân lập. Ban đầu cô giáo không nhận, nhưng sau đó đã đồng ý tiếp nhận cháu Lạc. Lạc luôn nỗ lực học tập và chỉ một thời gian ngắn đã hòa nhập tốt với bạn bè, rồi cứ thế vươn lên. Năm nào, Lạc cũng đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi, chỉ thua các bạn ở môn thể dục”.

Lạc cười tươi: “Em có được như hôm nay là nhờ công lao của các mẹ, các cô, chú ở Trung tâm đã tận tình chăm sóc, nuôi dạy. Vì vậy, em phải cố gắng chăm ngoan, học giỏi”. Hỏi Lạc mơ ước gì cho mai sau, cậu suy nghĩ rồi trả lời: “Em muốn lớn lên có việc phù hợp đi làm, kiếm sống để tự nuôi được bản thân, có căn nhà nhỏ để ở và có một mái ấm gia đình”.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm