Lạc quan vượt qua “cửa tử”

24/02/2014 - 21:14
Bắt gặp nét mặt tươi vui của anh Nguyễn Văn Trang (52 tuổi, quê Cà Mau), tôi không nghĩ anh vừa trải qua cuộc phẫu thuật, sau những cơn co thắt như thể muốn nổ tung lồng ngực.

Ngay khi bước vào phòng bệnh tại khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, và bắt gặp nét mặt tươi vui của anh Trang càng không ngờ anh đã phải chịu đựng những cơn đau thắt tưởng như có thể làm nổ tung lồng ngực.

Các bác sĩ khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM đã có ca phẫu thuật thành công giúp anh Trang "vượt cửa tử"

1. Khuôn mặt luôn rạng rỡ, thích nói chuyện và sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào khiến tôi cứ suy nghĩ hoài: Có mấy người nhập viện mà giữ được tinh thần như người đàn ông này? Nhưng rồi, thắc mắc đó nhanh chóng được anh Trang lý giải: “Tôi thấy mình quá hên khi kịp nhập viện!”. Đưa bàn tay trái nhằng nhịt dây truyền dịch đặt nhẹ lên ngực, anh Trang bảo: “Nếu tôi không đi khám sức khỏe để làm thủ tục qua Úc thăm con gái thì chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Có khi giờ đã nằm yên trong hòm rồi!”.

Xuất thân từ nghề nông tại huyện Thới Bình (Cà Mau), gia đình anh Trang mới chỉ có “của để dành” khoảng chục năm trở lại đây, từ khi vợ chồng anh chuyển nghề nuôi tôm sú. Nhờ cần cù, chịu khó và biết tính toán, gia đình anh liên tục “thắng to”, không chỉ trả hết nợ mà còn có tiền đầu tư mở rộng thêm hàng chục vuông tôm, cuộc sống ngày càng khấm khá. Anh bàn với vợ cho con gái ra nước ngoài du học. Kể từ đó, vợ chồng anh cũng có điều kiện đi nước ngoài thăm con.

Anh kể: “Nói là đi du lịch nhưng thực chất là muốn qua bển thăm nó. Học xong mà nó không chịu về, kết hôn luôn ở bển, thành ra tui với bả để dành tiền lâu lâu qua thăm nó. Nhưng để làm thủ tục xuất ngoại, họ yêu cầu rất nhiều giấy tờ, trong đó có giấy khám sức khỏe, được xác nhận của các bệnh viện lớn. Cũng nhờ cái thủ tục này mà bệnh của tui mới được phát hiện”.

Nhớ lại những ngày cầm hồ sơ đi kiểm tra tại bệnh viện, giọng anh run run: “Khi đó lo sợ lắm. Cả đời làm lụng, khỏe như trâu, chưa khi nào tôi phải nhập viện. Đùng một cái, đi kiểm tra sức khỏe, họ nói nghi ngờ bệnh liên quan tới tim. Tôi về Cà Mau tự trấn an bản thân, rồi quay lại TPHCM 2 ngày sau đó. Bác sĩ đề nghị chụp CT rồi kết luận tôi bị phình động mạch chủ ngực. Bác sĩ chỉ cho tui những chỗ phình lớn ở lồng ngực trong phim chụp, bảo nếu không phát hiện kịp, để động mạch vỡ ra thì coi như xong!”.

2. Chúng tôi đang trò chuyện thì 1 y tá bước vào và ra hiệu cho anh Trang tới giờ chích thuốc. Anh vén tay áo, kể cho y tá nghe về từng dấu hiệu và chuyển biến trong cơ thể: “Tôi đã có thể tự xúc cháo ăn. Bình thường ngực không đau, chỉ khi nói chuyện và cười lớn thì hơi mệt. Sáng giờ tôi tập đi từ giường ra hành lang 2 lần rồi, vết thương cũng bớt đau, chỉ có điều buổi đêm hơi khó ngủ”. Khi mọi việc hoàn tất, anh quay sang nhìn tôi bảo: “Ngày nào cũng phải “báo cáo” tình hình để mấy cổ còn biết. Họ bảo tôi hồi phục nhanh, có lẽ là nhờ tâm lý lạc quan”.

Kéo chiếc gối và kê vào sát mép tường, anh Trang cẩn thận gỡ sợi dây truyền dịch phía cánh tay, đặt lên bụng rồi từ từ ngồi tựa lưng vào gối. Anh tâm sự: “Bác sĩ nói tôi phải vận động để máu lưu thông, nên tôi cứ đi từ giường ra hành lang, rồi lại vào. Họ bảo không kiêng đồ ăn nhưng tôi chỉ ăn cháo, vì lúc nhập viện, đi khám phải nhịn đói nhiều ngày, ăn cơm sợ đau bao tử”.

Lật cho tôi xem cuốn sổ theo dõi mỗi ngày đặt ở đầu giường, giọng anh Trang chậm rãi: “Bác sĩ tư vấn cho tôi về các phương pháp điều trị, lợi ích lẫn nguy cơ của từng phương pháp để tôi có thể lựa chọn. Cuối cùng, tôi chọn phương pháp can thiệp đặt stent graft động mạch chủ ngực - một phương pháp điều trị không xâm lấn đang phát triển ở một số bệnh viện lớn tại Việt Nam. Theo lời bác sĩ, nếu mổ theo cách thông thường thì mất nhiều máu, đau đớn, hồi phục chậm và nguy cơ tử vong cao từ 3 đến 10%. Với phương pháp này, tôi chỉ có vết mổ nhỏ ở 2 bên đùi và có thể vận động ngay trong ngày hôm sau. Nói thật, dù tinh thần khá thoải mái nhưng phải tới khi từ phòng phẫu thuật trở ra, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.

 

Bác sĩ Lê Thanh Phong (Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM)

Động mạch chủ (ĐMC) là động mạch lớn nhất của cơ thể, xuất phát từ tim, sau đó chia ra thành nhiều nhánh nhỏ hơn dẫn máu đi nuôi các cơ quan. ĐMC bao gồm 2 phần: phần nằm trong lồng ngực được gọi là ĐMC ngực và phần nằm trong ổ bụng được gọi là ĐMC bụng.

Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh này là do xơ vữa mạch thứ phát từ việc lắng đọng mỡ trong thành động mạch. Các yếu tố nguy cơ của bệnh xơ vữa mạch là nam giới, trên 55 tuổi, hút thuốc lá, tăng huyết áp động mạch, tăng mỡ máu và có tiền sử gia đình bị phình động mạnh chủ (PĐMC).

PĐMC ngực thường ít khi gây ra triệu chứng gì và tăng kích thước không ngăn cản được. Khi tăng đến một kích thước nhất định, túi phình có nguy cơ vỡ, gây nên chảy máu trong lồng ngực hay chảy máu trong màng tim gây tử vong. Nguy cơ khác là khả năng bóc tách ĐMC ngực - một biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong.

Điều trị phẫu thuật tuỳ thuộc vào nguyên nhân, hình thái, vị trí và kích thước túi phình. Các PĐMC ngực nhỏ sẽ được theo dõi định kỳ và điều trị các yếu tố nguy cơ. Các phình to, có nguy cơ vỡ sẽ được điều trị bằng mổ hở thay thế phình động mạch bằng ống ghép mạch máu hay đặt stent phủ nội mạch. Phương pháp này được áp dụng cho những đối tượng bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh kèm theo, không phù hợp cho mổ hở. Các nghiên cứu cho thấy đặt stent phủ nội mạch cho PĐMC ngực đoạn xuống cho kết quả khả quan với tử lệ tử vong và các biến chứng sau mổ thấp hơn. Bên cạnh đó, đây là một phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, ít đau, mất ít máu và thời gian hồi phục nhanh.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm