'Lạc' trong những điệu xòe Thái đắm say ở Mường So

10/10/2015 - 19:27
Ai đã một lần đến với miền đất của các điệu xòe và những cô gái đẹp như hoa này đều lưu luyến không muốn rời.
Từ thành phố Lai Châu đến xã Mường So (huyện Phong Thổ) chạy xe mất chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Vượt qua khoảng 10 cung đèo quanh co, uốn lượn bám theo triền núi cao là đến nơi. Mường So nằm lọt thỏm trong thung lũng rộng ngay dưới chân dãy Phu Nhọ Khọ - nơi có dòng Nậm So uốn mình bồi đắp. Một miền đất lành để nhiều tộc người tụ hội từ thuở xa xưa. Đất màu mỡ, con người khoáng đạt. Người Tây Bắc xem Mường So như cái nôi xuất phát của những điệu xòe Thái đắm say...

Những cô gái Thái tươi như hoa. Ảnh: ST 

Suối Nậm So quanh năm tuôn chảy, ôm lấy Mường So như vòng tay rộng mở của một người mẹ núi. Dòng nước mát đã tạo nên vẻ đẹp của vùng đất này và cũng là nơi nuôi dưỡng làn da trắng ngần, mái tóc dài óng của con gái Thái. Bản Vàng Pheo được coi là cái nôi văn nghệ của đất này. Con gái nơi đây vừa đẹp vừa múa xòe hay. Chẳng thế mà ông Lò Văn Đấu, Trưởng ban văn hóa xã Mường So, luôn tự hào khoe rằng, khách du lịch đã tới đất này sẽ không lãng phí một chuyến đi.
Xưa kia, khi xuân về Tết đến, trai mường trên, gái bản dưới mới được tụ hội về xòe vòng, xòe hoa cùng nhau. Hội xòe kéo dài mấy ngày thì có bấy nhiêu đêm lửa sáng. Trai gái có dịp làm quen, bắt chuyện, rồi con trai tìm tới nhà xin ở rể, lên nương cùng nhau, tới khi nhà gái cho phép mới thành vợ chồng. Người Thái ở vùng núi cao hát rằng: "Khi nước suối cạn sẽ có những bãi đá gồ ghề/Khi nước cạn hẳn mới thấy những hạt cát vàng/Khi đó anh em mình mới có dịp gặp nhau", để bắt đầu một đêm xòe hoa rực rỡ. Những ngày này là cơ hội để trai gái giao lưu hò hẹn, ước nguyện kết tóc xe duyên.

Chuẩn bị làm cơm đãi khách. Ảnh: ST 

Vàng Pheo nằm cạnh dòng suối Nậm So thơ mộng. Những ngôi nhà sàn Thái cổ to, rộng bình yên dưới tán cây rừng. Từng lối nhỏ quanh co trong bản phủ bóng các loài hoa. Đến đây, bạn có thể vào bất cứ một gia đình nào để đặt cơm. Nhưng để có một bữa cơm đặc biệt của người Thái, bạn nên liên hệ với ban đón tiếp khách du lịch trong bản do Trưởng bản đứng ra tổ chức. Sau bữa rượu đãi khách đầy ân tình là những món đặc sản như “pa tỉnh tộp” - cá nướng với hàng chục gia vị khác nhau. Khách ăn một rồi lại muốn ăn hai. Món xôi xếp đặc trưng thơm, dẻo miễn chê. Đặc biệt là món thịt trâu khô chỉ đất này mới có khiến những gã ưa xê dịch say quên đường về.

Tây Bắc đến mùa lúa chín. Ảnh: ST 

Khi rượu đã ngấm, tiếng đàn tính tẩu bắt đầu ngân vang như mời gọi du khách mở rộng vòng xòe cùng những cô gái Thái. Phụ nữ trong bản ai cũng biết xòe nhưng bản vẫn tuyển ra những người múa, hát hay nhất vào đội văn nghệ. Mỗi khi có khách, đội văn nghệ này sẽ biểu diễn các điệu xòe. Chiếc áo cóm, váy nhung bó sát tôn thêm vẻ đẹp mặn mà của phụ nữ Thái.
Giữa không gian mênh mông của miền sơn cước, ta như được hòa vào vũ điệu nguyên sơ của trời đất. Đêm văn nghệ kéo dài tưởng không có hồi kết. Hết điệu xòe này đến điệu xòe khác nối nhau chẳng dứt. Khi ánh trăng treo trên đầu núi cũng là lúc mọi người đốt lửa trại, không phân biệt khách - chủ, ai nấy cùng nắm tay nhau nhún nhảy theo bước chân xòe. Vòng xòe mỗi lúc một mở rộng, lòng người như xích lại gần nhau hơn.
Đến với đồng bào người Thái ở đất Mường So, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn về sự hiếu khách của họ. Các gia đình thường xuyên đón khách đã chuẩn bị đệm bông lau, chăn thổ cẩm được trải trên sàn nhà sạch sẽ. Nằm giữa vùng đất sơn thủy hữu tình, nghe tiếng suối Nậm So gõ nhạc khi đêm về, ta cảm nhận rõ hơn vì sao nơi cuối trời Tây Bắc này lại hút hồn du khách đến vậy. Mường So đã đến 1 lần lại muốn có dịp trở lại.   
                                                         
Đường lên Mường So
Từ Hà Nội theo quốc lộ 32 (khoảng 500km). Đến thành phố Lai Châu theo quốc lộ 4D khoảng 35km là tới đất Mường So. Du khách có nhu cầu chỗ ăn, ở và xem múa xòe, liên hệ với ông Mào Văn Niểm, Trưởng bản Vàng Pheo, theo số điện thoại: 0165.7239070.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm