Lãi suất ngân hàng tăng: Mừng ít, lo nhiều?!

24/02/2019 - 10:00
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Điều này khiến cho cả người gửi tiết kiệm lẫn doanh nghiệp vay vốn đều có nhiều băn khoăn, lo ngại.

Lãi suất tăng ồ ạt

 

Chị Nguyễn Thu Hằng (phố Hàng Mắm, Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị có một khoản tiền thưởng Tết Nguyên đán, cùng với tiền mừng tuổi của các con dịp Tết, vợ chồng chị đã gom lại mang gửi tiết kiệm ngay khi thấy ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi sau Tết âm lịch.

 

qd_bank_vietcapital_banviet_14-1-1.JPG
Lãi suất huy động của Ngân hàng Bản Việt. Ảnh minh họa

 

Khảo sát của Báo PNVN cho thấy, ngay sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, không ít ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng lên 0,1-0,3%. Cụ thể, tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất là 8,3%/năm, tăng 0,2% so với trước Tết Nguyên đán; Lãi suất gửi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng cũng lên tới 7,65%/năm kèm quà tặng...

 

Tại Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), người gửi tiền 6 tháng sẽ được hưởng lãi suất 6,3%/năm, thay vì mức 6%/năm như trước đó. Các kỳ hạn khác tăng thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm so với biểu lãi suất trước. Kỳ hạn 12 tháng cũng được điều chỉnh tăng lên mức 6,6%/năm và nếu khách hàng gửi từ 3 tỷ đồng trở lên, lãi suất là 7%/năm.

 

vnf-lai-suat-ngan-hang-techcombank-thang-10-2017.jpg
Ảnh minh họa

 

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) áp dụng mức lãi suất 8,7%/năm kỳ hạn 24 tháng từ sau Tết, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) nâng lãi suất lên mức 8,6%/năm, Ngân hàng TMCP Bắc Á nâng lãi suất lên 8,4%/năm...

 

Bên cạnh việc tăng lãi suất, nhà băng cũng liên tục tung ra chiến dịch khuyến mãi kèm theo để hút vốn như gửi tiền càng lớn, lãi càng cao; quay số dự thưởng, tặng quà lì xì đầu năm bằng các vật dụng tiêu dùng...

 

Theo nhận định của giới chuyên môn, trước Tết, một lượng tiền được các công ty rút ra từ ngân hàng để chi lương thưởng, người dân cũng rút tiền về để chi tiêu, mua sắm... Do đó, sau Tết là giai đoạn các ngân hàng phải đưa ra những chính sách hấp dẫn về lãi suất, khuyến mãi... để hút lại nguồn vốn. Mặt khác, các kênh đầu tư khác như: Bất động sản, chứng khoán, vàng cũng đang tạo sức ép không nhỏ lên kênh huy động tiền gửi tiết kiệm. Bởi vậy, các ngân hàng phải tăng quyền lợi cho khách hàng nếu muốn thu hút nhiều tiền gửi.

 

Lo ngại về sự phân hóa lãi suất 

Thực tế cho thấy, sự phân hóa lãi suất huy động giữa các ngân hàng khối quốc doanh và ngân hàng cổ phần là khá rõ ràng. Chẳng hạn, với các kỳ hạn 1-3 tháng, ngân hàng cổ phần trả lãi cao nhất với lãi suất 1 tháng lên tới 5,5%/năm. Trong khi đó, nhóm ngân hàng quốc doanh đồng loạt ấn định lãi suất 4,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng. Đối với kỳ hạn 6 tháng, đứng đầu về lãi suất huy động với mức chi trả 7,2%/năm cũng thuộc về ngân hàng cổ phần. Đối với kỳ hạn 12 tháng tương tự. Điều này khiến cho người tiêu dùng băn khoăn. Không ít người sợ gửi tiền lãi suất cao thì không an toàn và ngược lại, để có được sự an toàn thì mức sinh lời của đồng tiền lại không lớn.

 

08_xmya.jpg
Ảnh minh họa

 

 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng nào là quyền cá nhân của mỗi khách hàng nhưng khách hàng nên tìm hiểu kỹ về lịch sử ngân hàng mình định gửi tiền để chủ động kiểm soát tài sản cá nhân của mình. Đặc biệt, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, dù lựa chọn ngân hàng nào, lãi suất cao hay thấp thì khách hàng nên đến trực tiếp chi nhánh để giao dịch, tránh tuyệt đối thực hiện giao dịch với nhân viên ngân hàng, ký chứng từ... ở ngoài chi nhánh giao dịch, vì đây có thể là kẽ hở để lọt tội phạm nguy hiểm, ảnh hưởng đến nguồn tiền của khách hàng. Ngoài ra, khách hàng nên theo dõi các hoạt động giao dịch tài khoản của mình ít nhất 1 lần/tháng để đảm bảo tài sản của mình được kiểm soát tốt.

 

Doanh nghiệp sợ lãi suất cho vay sẽ... “hắt nước theo mưa” 

Trước tình hình lãi suất huy động ở các ngân hàng đang tăng, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo ngại việc tiếp cận nguồn vốn kinh doanh tại các ngân hàng của mình cũng sẽ bị tăng lãi suất. Chị Mai Lan Hương, một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm sạch, cho biết, chị rất lo ngại việc tăng lãi suất huy động tiền sẽ kéo theo việc tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng. Việc này có tác động lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn vốn hạn chế như chị. Phần lớn loại hình doanh nghiệp này phải sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng, khi ngân hàng tăng lãi suất thì dẫn đến chi phí đầu vào, chi phí tài chính của doanh nghiệp cũng tăng lên, ảnh hưởng đến tổng chi phí của doanh nghiệp. Được biết, hiện chi phí lãi vay của công ty chị Hương chiếm khoảng 20% tổng số nguồn vốn.

 

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, LS.TS Bùi Quang Tín phân tích, song song với việc huy động nguồn tiền đổ về ngân hàng, các ngân hàng cũng luôn cố gắng giảm mức lãi suất cho vay ở mức thấp nhất có thể để thu hút khách hàng tiềm năng đến ngân hàng giao dịch. Vì thế, nếu lãi suất huy động tăng nhưng chi phí hoạt động ngân hàng giảm, nợ xấu giải quyết tốt thì lãi suất cho vay chưa chắc đã tăng.

 

Tiếp đó, lãi suất cho vay phụ thuộc vào đối tượng khách hàng như lịch sử kinh doanh của khách hàng, lịch sử trả nợ tốt hay xấu...

 

Ngoài ra, lãi suất tăng còn phụ thuộc vào xu hướng thị trường. Thông thường, lãi suất chỉ tăng cao vào quý 4 và quý 1 khi nhu cầu vay tăng mạnh. Vì thế, LS.TS Tín khuyến cáo doanh nghiệp muốn vay lãi suất thấp nên làm việc với ngân hàng vay theo hạn mức vào quý 2 và 3 để quý 4 có thể giải ngân với mức lãi suất tốt nhất.

 

Lãi suất năm 2019 sẽ ở mức nào? 

Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây nhận định về xu hướng lãi suất 2019, bộ phận phân tích khối khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Retail Research) cho rằng, việc đón nhận các thông tin tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 về tăng trưởng kinh tế, cán cân xuất nhập khẩu, chỉ số lạm phát..., áp lực quốc tế giảm bớt và gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối đã giải tỏa áp lực với tỷ giá. Lãi suất huy động các tháng tới có thể được duy trì ổn định ở mức hiện tại. Tuy vậy, SSI cũng khẳng định, rất khó để đưa ra đoán định diễn biến trong trung và dài hạn bởi các rủi ro từ diễn biến quốc tế vẫn còn và có thể thay đổi cục diện rất nhanh.

 

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm cho kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng và kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm.

 

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất. Cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cân đối vốn giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm