pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lãi suất tiết kiệm đang tăng, gửi tiền thế nào để lãi nhất?
Chỉ trong tháng 1/2022, người dân mang gửi thêm vào ngân hàng hơn 103.000 tỷ đồng Ảnh minh hoạ: TTXVN
Tăng mạnh khi gửi dài hạn
Bà Bùi Thị Hoà (Q.Đống Đa, Hà Nội) hồ hởi khi nhân viên ngân hàng nơi bà đang gửi tiết kiệm gọi điện thông báo, lãi suất tiết kiệm đang tăng, bà có khoản tiền nhàn rỗi nào thì nên gửi ngân hàng để có lãi suất tốt. Ngay lập tức, bà Hoà bắt xe ôm để ra ngân hàng tìm hiểu về lãi suất và có ý định gửi thêm tiền tiết kiệm. "Từ hồi Covid-19 đến giờ, lãi suất cứ lẹt đẹt khiến tôi nản chẳng muốn gửi tiền vào ngân hàng nữa" - bà Hoà chia sẻ.
Thế nhưng, khi đến quầy giao dịch, bà Hoà lại thất vọng vì không phải lãi suất ở kỳ hạn nào cũng tăng, nếu muốn gửi tiền ở kỳ hạn dưới 1 năm thì mức tăng… "không thấm vào đâu".
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu tháng 4 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã thông báo điều chỉnh tăng lãi suất. Để muốn có mức lãi suất cao, người tiêu dùng sẽ lại lựa chọn hình thức gửi trực tuyến, kèm theo đó là những kỳ hạn gửi tiết kiệm dài hạn. Ví dụ, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng thêm 0,3%/năm lên mức 6,5%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng thêm 0,1%/năm lên 6,6%/năm; kỳ hạn 10-11 tháng, lãi suất tăng thêm 0,3%/năm lên 6,8%/năm. Đây cũng là một trong những ngân hàng có mức lãi suất cao nhất lên tới 7,4%/năm cho tiền gửi online kỳ hạn từ 16 tháng trở lên và 7,2%/năm với kỳ hạn 12-15 tháng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) đã điều chỉnh lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này lên thành 7%/năm, tăng 0,2%/năm so với hồi đầu tháng 3/2022. Mức lãi suất này áp dụng cho tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn 24 tháng. Lãi suất kỳ hạn 18 tháng tại VietCapitalBank cũng tăng 0,2%/năm lên 6,9%/năm trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn giữ nguyên mức 6,6%/năm.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn 12 tháng lên tới 7,8%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi tiền từ 999 tỷ đồng trở lên. Đối với khoản gửi dưới 999 tỷ đồng, lãi suất áp dụng từ 4,7-4,9%/năm.
Đứng ngay sau quán quân Techcombank là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,6%/năm, áp dụng cho tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng.
Dự báo lãi suất tiếp tục tăng trong năm nay
Theo dữ liệu của Trung tâm phân tích SSI Reseach, tính từ đầu năm, các ngân hàng thương mại đã tăng 0,1-0,5 điểm % lãi suất huy động, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn hoặc 1 năm.
Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mãi cũng được sử dụng nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân, trong đó mặt bằng lãi suất thông qua kênh gửi tiền online hiện cao hơn 0,2-0,3 điểm % so với kênh gửi truyền thống.
Lãi suất ngày càng nhích lên giúp số dư tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng có sự tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 1/2022, tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đạt hơn 5.400 triệu tỷ đồng, tăng 1,95% so với cuối năm 2021. Chỉ trong một tháng, người dân mang gửi thêm vào ngân hàng hơn 103.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này cao nhất trong vòng 10 tháng, tính từ tháng 2/2021.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm để thu hút tiền gửi của cư dân trong bối cảnh lượng tiền gửi của người dân đang tăng chậm lại. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, số dư tiền gửi của người dân luôn được ghi nhận ở mức cao hơn so với tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế với mức chênh lệch từ vài trăm nghìn tỷ đồng cho tới cả triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tiền gửi của người dân tại các ngân hàng có xu hướng tăng chậm lại. Tiền gửi của người dân trong năm 2021 chỉ tăng khoảng 3,08% so với cùng kỳ, trong khi đó tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng mạnh ở mức 15,73% so cuối năm 2020.
Sở dĩ tiền gửi cư dân giảm mạnh là do mặt bằng lãi suất huy động duy trì thấp trong hai năm qua. Nhiều người dân không còn mặn mà gửi ngân hàng mà tìm đến các kênh đầu tư sinh lời cao hơn như chứng khoán, bất động sản. Trong tháng 2/2022 vừa qua, nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 210.000 tài khoản chứng khoán, tăng 16.000 so với tháng trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 405.000 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản).
Đánh giá xu hướng lãi suất trong năm 2022, các chuyên gia cho rằng, kinh tế đang mở cửa, nhu cầu về vốn từ đây đến cuối năm sẽ tăng cao, mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể sẽ tăng dần theo tốc độ phục hồi của nền kinh tế và dự báo về diễn biến lạm phát. Mục tiêu trong năm 2022 của Chính phủ là hỗ trợ phục hồi kinh tế nên sẽ cố gắng giữ mặt bằng lãi suất ổn định không để tăng lên.