Lâm Đồng: Cuộc sống phụ nữ dân tộc được nâng lên nhờ tổ hợp tác ong PơKao

Mộc Miên
07/11/2023 - 11:58
Lâm Đồng: Cuộc sống phụ nữ dân tộc được nâng lên nhờ tổ hợp tác ong PơKao

Sự ra đời của tổ hợp tác Ong PơKao giúp cuộc sống đồng bào dân tộc Cil, trong đó có phụ nữ, ngày càng tốt hơn

Từ khoảng 350.000 - 400.000 đồng/lít, giá mật ong rừng ở Đưng K’nớ (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) được tăng lên 900.000 đồng/lít nhờ nâng cao chất lượng sản phẩm với thương hiệu mật ong rừng Pơkao. Qua đó góp phần giúp cho cuộc sống của người dân, trong đó có phụ nữ dân tộc Cil, ngày càng được nâng lên.

Là địa bàn vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Lạc Dương, xã Đưng K'nớ có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Cil. Đồng bào chủ yếu làm nông nghiệp, trồng cà phê, hoa lan… Những năm gần đây cà phê mất mùa, giá cả bấp bênh nên người dân càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn thu từ rừng, đặc biệt là mật ong.

Hàng năm, cứ vào thời điểm từ tháng 4 - 6 âm lịch, người dân xã Đưng K'nớ lại lên đường, rong ruổi khắp các cánh rừng già nguyên sinh trên địa bàn để đi săn mật ong rừng. Tuy nhiên, qua một số vụ lấy mật ong thì sản lượng suy giảm, bên cạnh đó số lượng đàn ong về làm tổ cũng vơi dần. 

Chính vì vậy, sau một thời gian ấp ủ, vào năm 2021, Tổ hợp tác ong PơKao đã được ra đời với mong muốn phát triển sinh kế bền vững cho người dân tộc Cil tại địa phương, thông qua việc tăng giá trị cho sản phẩm mật ong rừng Đưng K'nớ. "Pơkao" theo tiếng Cil nghĩa là "hoa rừng". Đến nay, tổ hợp tác có 37 thành viên, trong đó có nhiều thành viên nữ.

Lâm Đồng: Cuộc sống phụ nữ dân tộc được nâng lên nhờ tổ hợp tác ong PơKao - Ảnh 1.

Các thành viên tổ hợp tác ong PơKao tham gia hội thảo xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu tập thể cho mật ong tự nhiên

Khi tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên đều được học cách săn ong bền vững. Đó là không làm tổn thương ong, không dùng khói và hóa chất đảm bảo sự tái tạo sinh học. Các thành viên trong tổ cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ để chất lượng mật tốt hơn. Theo đó, khi mật ong được thu hoạch về sẽ nhập kho, dùng thùng inox có màng lọc để lọc mật, tránh lẫn dịch của ấu trùng và bụi bẩn. Để cô đặc giữ nguyên dưỡng chất mật tự nhiên, mọi người dùng công nghệ tách thủy phần mật ong rồi đưa vào các bình chứa.

Chị Goan (31 tuổi) - thành viên của tổ hợp tác - cho biết, mỗi đợt đi lấy mất thường kéo dài từ 2-6 ngày, thời gian dài hay ngắn tùy thuộc vào lượng mật lấy được. Khi tham gia tổ hợp tác, người phụ nữ Cil đảm công nhận công việc như sơ chế mật, lọc mật, bán ra thị thường… 

"Việc giá trị mật ong rừng được nâng lên là điều rất vui. Cuộc sống của chị em phụ nữ chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Tôi có thêm điều kiện để chăm sóc cho gia đình", chị Goan nói và cho hay ngoài thời gian làm mật thì chị cũng làm các công việc khác như làm vườn, đi lấy măng, lan rừng… để phát triển kinh tế gia đình.

Lâm Đồng: Cuộc sống phụ nữ dân tộc được nâng lên nhờ tổ hợp tác ong PơKao - Ảnh 2.

Giá trị mật ong rừng tăng lên giúp cho cuộc sống của người dân đồng bào dân tộc thiểu số tốt hơn

Theo chị K' Lòng Mai Thơm (34 tuổi) - thành viên của tổ hợp tác - việc lấy mật được thực hiện bền vững, các thành viên trong tổ chỉ lấy mật ong chứ không lấy luôn tổ ông nên có thể thể khai thác mật ong trong thời gian dài. Nếu như trước kia mỗi lít mật ong rừng có giá chỉ khoảng 350.000-400.000 đồng/lít, lại thường bị thương lái ép giá thì nay mật ong rừng PơKao đang bán giá 900.000 đồng/lít. Mặc dù công việc này rất vất vả, ẩn chứa nhiều nguy hiểm, thế nhưng sau khi bắt đầu có thương hiệu, mật ong Pơkao đã mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương, trong đó có người phụ nữ.

Không chỉ nâng cao chất lượng, tổ hợp tác ong PơKao cũng tập triển khai xây dựng tem nhãn thương hiệu, thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng và gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm mật ong. Bên cạnh đó, các thành viên cũng tham gia khoá tập huấn tiếp thị kỹ thuật số, quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường thông qua các hoạt động lễ hội, triển lãm, trưng bày sản phẩm ở cửa hàng. Qua đó góp phần đưa sản phẩm mật ong của xã Đưng K'nớ nói riêng và huyện Lạc Dương nói chung ngày càng phát triển theo hướng ổn định.

Xã Đưng K'nớ (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cũng là địa phương đang được triển khai các hoạt động Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030.

Theo Hội LHPN huyện Lạc Dương, việc triển khai Dự án 8 sẽ giúp hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, thúc đẩy chị em vùng dân tộc chủ động tham gia các hoạt động xã hội một cách mạnh mẽ, tích cực hơn. Bên cạnh đó, Dự án triển khai cũng sẽ tạo điều kiện cho chị em được tiếp cận với các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng các mô hình, địa chỉ tin cây nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện về nguồn lực để thực hiện tốt hơn công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm