Tử vong trong quá trình truyền nước
Mới đây, anh Đào Đức Hòa (36 tuổi, tạm trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị sốt cao nên đến khám tại một phòng khám tư gần nơi ở và được truyền nước. Trong quá trình truyền nước, bệnh nhân bị sốc và đã tử vong.
Trước đó, tại Cà Mau, anh Nguyễn Văn Hà (27 tuổi, ngụ ấp 20, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) tử vong sau khi truyền dịch tại tiệm thuốc Tây của một y sĩ công tác ở trạm y tế của xã. Khi mới truyền được nửa chai thì anh Hà có dấu hiệu mệt và khó thở, vì vậy gia đình liền đưa anh đi bệnh viện cấp cứu. Song, xe chạy được chừng 3km thì anh Hà tử vong.
Không ốm cũng truyền dịch
Thực tế có không ít trước hợp cứ mệt là nhờ cán bộ y tế đến nhà truyền dịch. Sau đợt sốt virus kéo dài cả tuần cộng thêm trời nắng nóng, ăn không ngon, người mệt mỏi, chị Trần Thu Thương ở quận Tây Hồ, Hà Nội, nhờ một chị y tá gần nhà sang truyền nước. Chị Thương bảo, không chỉ riêng chị mà trong nhà có người ốm, mệt đều nhờ y tá sang truyền cho chai nước để mau khỏe.
Nhiều người tin rằng việc truyền nước có tác dụng trong mọi trường hợp ốm, mệt
Không chỉ những trường hợp mệt mỏi sính truyền nước, nhiều người chẳng đau yếu cũng rỉ tai và rủ nhau đi truyền dịch, nước hoa quả để mong đẹp da, tăng cường sức khỏe.
Thạc sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi TƯ), cho rằng, hiện nhiều người, kể cả cán bộ y tế, lạm dụng truyền dịch, đặc biệt là ở tuyến dưới. Việc lạm dụng dịch truyền xuất phát từ phía người bệnh. Khi vào viện thấy bệnh nhân bên cạnh truyền dịch cũng đòi truyền vì họ quan niệm truyền dịch sẽ hết mệt, dịch truyền không hại cho sức khỏe, ai cũng có thể truyền được?!
Mục đích của truyền dịch là để nuôi dưỡng bệnh nhân, bù đủ lượng dịch mà cơ thể bị mất để đảm bảo thể tích tuần hoàn duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể. Theo thạc sĩ Hải, về nguyên tắc truyền dịch tốt cho sức khỏe nhưng không phải lúc nào cũng có thể truyền và đặc biệt là không được lạm dụng. Truyền dịch cũng có quy định chặt chẽ. Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như thể bệnh, dịch được truyền, liều lượng, tốc độ… Với người bị mất nước, cần bù lượng dịch đã mất do mắc một số bệnh như: Tiêu chảy, bị bỏng nặng, sốt cao, ăn uống kém, suy kiệt, bệnh nhân sau phẫu thuật tiêu hóa và một số trường hợp đặc biệt... cần được truyền dịch nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.
Truyền dịch là để nuôi dưỡng bệnh nhân song nếu làm sai nguyên tắc có thể ảnh hưởng đến tính mạng
Dễ bị sốc
“Nếu truyền dịch đúng thì tốt nhưng sai nguyên tắc sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Khi truyền dịch, người truyền có thể bị sốc. Sốc có thể xảy ra tức thì hoặc sau khi truyền. Nếu truyền nhiều, tốc độ dịch chảy nhanh, bệnh nhân còn có thể bị phù phổi cấp, suy tim. Khi bị sốc, bệnh nhân thường có biểu hiện như: Tức ngực, khó thở, co thắt thanh quản, co thắt phế quản, vật vã, tím tái, mạch nhanh, huyết áp tụt... Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong", thạc sĩ Hải cho biết.
Do những tai biến nguy hiểm trên mà các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người không nên truyền dịch tại nhà vì không có người theo dõi, không có đầy đủ thuốc men và phương tiện cấp cứu chống sốc sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Truyền dịch cũng như các loại thuốc khác cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Ngoài ra, mọi người không nên lạm dụng dịch truyền. Khi có ốm đau, nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và có hướng điều trị đúng bệnh.