Theo ThS Điều dưỡng Lê Thị Kim Mai, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được coi là biếng ăn khi có các dấu hiệu sau: Trẻ không chịu ăn hết khẩu phần hoặc bữa ăn kéo dài hơn 30 phút/bữa; trẻ ăn ít hơn ½ khẩu phần ăn theo tuổi; trẻ ngậm thức ăn trong miệng không chịu nuốt. Bên cạnh đó, trẻ từ chối không chịu ăn, chạy trốn hoặc khóc lóc, gào thét khi thấy thức ăn; trẻ nhìn thấy thức ăn là có phản ứng nôn ọe; không tăng cân liên tục trong 3 tháng liền cũng là dấu hiệu của trẻ biếng ăn.
Cũng theo ThS Mai, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ biến ăn như: Biếng ăn do bệnh lý, gồm suy dinh dưỡng, nhiễm ký sinh trùng (giun, sán) sốt, tiêu chảy, viêm đường hô hấp... Khi gặp nguyên nhân này các bà mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Trẻ cũng có thể biếng ăn do tâm lý. Đây là nguyên nhân thường gặp và khá phổ biến, do cha mẹ không hiểu tâm lý trẻ. Biếng ăn tâm lý thường xảy ra khi trẻ có cảm giác bị ép buộc vào một khuôn khổ nào đó như: Phải ngồi một chỗ từ đầu đến cuối bữa ăn, phải mang khăn ăn, bị quy định phải ăn hết phần ăn của mình trong một thời gian cố định, không khí bữa ăn căng thẳng, kể tội hoặc nói xấu trẻ trong bữa ăn, cho thuốc vào thức ăn, vào sữa...
Ngoài ra, trẻ cũng có thể biếng ăn do sai lầm trong chế biến thức ăn như cho trẻ ăn đi ăn lại một loại thức ăn gây cho trẻ cảm giác chán ngán. Chỉ cho trẻ ăn nước rau, nước thịt, không ăn bã, lâu ngày dẫn đến thiếu các chất dinh dưỡng; cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn kéo dài đến 2-3 tuổi; pha sữa bằng nước cháo hoặc nước hầm xương, pha bột vào sữa... đều làm cho trẻ khó tiêu hóa. Pha bột quá đặc khi trẻ mới tập ăn dặm cũng làm cho trẻ không nuốt được dẫn đến chán ăn.
Bí quyết phòng tránh biếng ăn cho trẻ
ThS Điều dưỡng Lê Thị Kim Mai cho rằng, để phòng tránh biếng ăn cho trẻ, cần cho bé ăn bổ sung/ăn dặm đúng thời điểm, khi trẻ tròn 6 tháng tuổi. Không nên cho trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn. Ngoài ra, cần cho trẻ ăn vừa đủ số lượng và số bữa phù hợp với lứa tuổi. Khẩu phần của trẻ cần phù hợp với độ tuổi. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều làm trẻ quá no khiến trẻ khó chịu dẫn đến sợ ăn.
Các bậc phụ huynh cũng cần cho trẻ ăn đa dạng thức ăn để phòng tránh thừa hoặc thiếu vitamin, khoáng chất. Mặt khác, cũng cần để cho trẻ “đói” bằng cách cho trẻ ăn đúng bữa, đúng giờ. Không nên bắt ép trẻ ăn, không quát mắng, dọa dẫm hay đánh trẻ khi bé không còn muốn ăn thêm.
Cha mẹ cũng cần hạn chế tối đa sự mất tập trung khi cho trẻ ăn, không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, chơi điện thoại, chơi game hay đi rong. Thay vào đó, cần tạo không khí vui vẻ, thoải mái khi cho trẻ ăn và sẵn sàng khen ngợi trẻ khi cần.
Nên làm gì khi trẻ biếng ăn?
ThS Điều dưỡng Lê Thị Kim Mai cho biết thêm, nếu trẻ biếng ăn, cần thay đổi thức ăn cho trẻ hằng ngày, cho trẻ ăn nhiều món ăn khác nhau. Hãy tôn trọng sở thích của bé bằng cách cho trẻ ăn món trẻ thích. Không nên cho trẻ ăn quá nhiều thịt, cá. Cho trẻ ăn lượng cân đối các dạng thức ăn.
Cha mẹ cần thường xuyên thay đổi cách chế biến để giúp trẻ ngon miệng. Có thể trang trí, chuẩn bị món ăn đẹp đẽ, hấp dẫn. Ví dụ như bát và thìa cho trẻ ăn có nhiều hình thù khác nhau giúp trẻ hứng thú khi ăn.
“Nếu trẻ từ chối ăn một loại thức ăn mới, cha mẹ đừng cố ép mà hãy thử vào khi khác. Không nên cho trẻ ăn quà vặt như bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn. Bữa ăn của trẻ không kéo dài quá 30 phút. Khen thức ăn ngon và tươi cười vui vẻ, khuyến khích trẻ thật nhiều để trẻ tự tin và thích thú với việc ăn; nên cho trẻ tự xúc ăn, tự cầm thức ăn để ăn. Hãy khen ngợi khi trẻ chịu ăn dù chỉ là một lượng thức ăn nhỏ”, ThS Lê Thị Kim Mai cho biết.