pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Làm rõ những cái "bắt tay" cấu kết trên đau khổ của người dân trong đại dịch Covid-19"
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 01/6/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng thời gian qua, hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách trong phòng, chống dịch đã xảy ra. Nó xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau, từ hoạt động phân phối các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh đến các hoạt động mang tính nhân đạo như: Giải cứu lao động về nước mà Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phản ánh, đến các hoạt động mua, bán, sản xuất thiết bị phòng, chống dịch... khiến cử tri và dư luận hết sức bất bình.
Ngoài ra, vị đại biểu cho biết, chiến lược vaccine là một nhân tố quan trọng, hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19 và được cử tri rất quan tâm.
Trong chiến lược này, có hai điểm trọng tâm đáng chú ý là ngoại giao vaccine và nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Về ngoại giao vaccine, chúng ta đã rất thành công. Điều đó chứng tỏ đường lối đối ngoại nói chung và đối ngoại vaccine nói riêng của Đảng, Nhà nước ta là đúng đắn và chính xác, được cử tri và dư luận đánh giá cao thành công này.
Về nghiên cứu sản xuất trong nước, ngay khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã chủ trương nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 trong nước để chủ động nguồn cung cấp phòng, chống dịch. Chủ trương đó là đúng và cần thiết và từ tháng 5/2020, Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu phát triển thử nghiệm vaccine của Việt Nam và kỳ vọng đến cuối năm, cuối quý III năm 2021 sẽ có vaccine của Việt Nam để sử dụng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy có vaccine thương hiệu của Việt Nam.
Chính vì vậy, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần đánh giá rõ thêm quá trình nghiên cứu sản xuất vaccine ra sao, có tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục nghiên cứu sản xuất như thế nào; triển vọng vaccine của Việt Nam ra sao vì trong quá trình tiếp xúc cử tri cho thấy cử tri quan tâm đến vấn đề này.
"Bộ trưởng muốn mua một viên thuốc kháng sinh thông thường cũng khó"
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đang sang giai đoạn thoái trào, cần theo dõi sát, phản ứng linh hoạt, trở lại trạng thái bình thường để hướng đến mục tiêu mở cửa, phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19; tránh quá tải hệ thống y tế để các bệnh viện đủ sức điều trị các bệnh lý thông thường bên cạnh bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ trăn trở, sau đại dịch, còn nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại của ngành y tế Việt Nam mà chúng ta vẫn loay hoay chưa tháo gỡ được.
"Những khó khăn trước đây như thu nhập của nhân viên y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư thuốc men hiện nay không được cải thiện mà còn tệ hơn bao giờ hết. Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư. Gần đây có vị Bộ trưởng than phiền với tôi là đi mua viên Zinnat - loại kháng sinh thông dụng nhưng cũng không mua được" - ông Hiếu thông tin.
Đại biểu kiến nghị cần rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể sớm để hoàn thiện dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) trong kỳ này, thông qua tại kỳ tiếp theo.
Thứ hai, giám sát việc Chính phủ ban hành sớm các Nghị định, Thông tư then chốt nhằm tháo gỡ vướng mắc nghiêm trọng trong hệ thống y tế như: Khuyến nghị giảm cấp độ dịch; hướng dẫn quyết toán chi phí chống dịch; thống nhất thanh toán chi trả bảo hiểm y tế cho một số lĩnh vực cụ thể có nguồn ngân sách cụ thể ghi trong gói hồi phục kinh tế cho y tế tuyến cơ sở, đầu tư kỹ thuật cao tại các bệnh viện chuyên ngành.
Thứ ba, cần có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng, thu hút tài năng nguồn nhân lực đang vô cùng khó khăn của ngành y tế hiện nay.
Cuối cùng, chia sẻ tâm tư với tư cách là một bác sĩ đang trực tiếp điều trị người bệnh, đại biểu mong muốn các vị lãnh đạo cao cấp, các vị đại biểu Quốc hội hiểu được phần nào những khó khăn mà các bác sĩ đang gặp phải không chỉ về vật chất mà cần có sự cảm thông cả về tinh thần.