pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làm sao để người dân “bữa cơm có thịt lợn”?
Giá cả thịt lợn bày bán tại các chợ đã hạ nhiệt
Thịt lợn hạ nhiệt
Ghi nhận của PV Báo PNVN tại chợ Phú Nhuận (TPHCM), giá thịt lợn dao động ở mức 140 - 190 ngàn đồng/kg. Cụ thể, giá thịt xương 140 ngàn đồng/kg, thịt ba chỉ 170 ngàn đồng/kg và sườn non 190 ngàn đồng/kg. Chị Linh, người chuyên bán thịt lợn ở chợ Phú Nhuận, nhận định, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân không giảm bất chấp giá thịt vẫn ở mức cao.
Chị Linh lý giải, do cách đây 3 tháng, đợt dịch Covid-19 khiến người dân ít ra đường. Nhiều gia đình đã kéo nhau về quê nên sức mua giảm hẳn. TPHCM đã trở lại trạng thái bình thường nên nhu cầu tăng cao là hợp lý. Nếu trước đây, trung bình mỗi lần khách hàng mua 200 gram về để dùng dần thì nay, khối lượng mua ít hơn trước.
Thịt lợn vẫn ở mức giá cao, người dân vẫn ăn thịt nhưng ít hơn và chuyển hướng sang các loại thực phẩm khác. Giá thịt bán tại chợ vẫn đang ở mức thấp hơn hoặc ngang bằng so với giá thịt do Sở Công thương TPHCM công bố. Cụ thể, thịt sườn già 150 ngàn đồng/kg, thịt vai 160 ngàn đồng/kg, thịt lợn nạc đùi 190 ngàn đồng/kg. Một thực tế, giá thịt lợn được bán ra trên thị trường giảm gần 50 ngàn đồng/kg cho mỗi loại.
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - giảng viên trường Đại học Kinh tế TPHCM - phân tích, giá thịt tăng cao xuất phát từ nguyên nhân chính là do cung cầu của thị trường. Nguồn cung của thịt lợn thời gian qua tăng rất có thể do tác động từ việc Chính phủ cho phép nhập khẩu lợn khiến giá cả đang có xu hướng giảm.
Giá thịt lợn trong nước ở mức cao một phần do công nghệ chăn nuôi của Việt Nam còn lạc hậu. Khâu xử lý chuồng trại, phòng chống dịch bệnh dễ có nguy cơ lây nhiễm nên dẫn đến rủi ro lớn. Chuồng trại hiện đại, đồng nghĩa với đàn lợn cho sản lượng tốt và kéo theo là giảm giá thành.
Chưa kể, chuỗi giá trị khép kín trong công nghệ chăn nuôi lợn giúp tối ưu hóa các loại chi phí từ quá trình chăn nuôi đến khâu chế biến khiến giá lợn không bị đội lên cao. Các khâu trung gian để đến người tiêu dùng được lược bỏ khiến giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn giữ mức thấp dù có khan hiếm hàng.
Ông Đán nhắc đến "cuộc cách mạng" thịt lợn tại Trung Quốc vào năm 2006. Lúc này, ngành chăn nuôi Trung Quốc cải tổ mạnh mẽ theo một hệ thống từ Tài chính ngân hàng, Bảo hiểm để hỗ trợ cho ngành chăn nuôi. Thái Lan cũng có mô hình tương tự nên ngành chăn nuôi ít bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
So sánh tại Việt Nam, đa phần doanh nghiệp chăn nuôi phải "tự bơi" với các loại thủ tục pháp lý. Người dân cần vay vốn để chăn nuôi thì ngân hàng không "mặn mà" chào đón. Bảo hiểm chăn nuôi không thể triển khai do các doanh nghiệp còn làm ăn manh mún, hệ thống chuồng trại chưa đạt chưa chuẩn do số lượng đàn nhỏ lẻ.
Khi nào Việt Nam có "cuộc cách mạng chăn nuôi"?
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cảnh báo, nhập khẩu thịt lợn chỉ xem là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, nhập khẩu thịt lợn sẽ tạo áp lực lên người chăn nuôi ở trong nước. Chủ trại phải đầu tư vốn để tái đàn, gầy giống mà giá thành không cao, không đủ bù lỗ nếu xảy ra rủi ro dịch bệnh bùng phát.
Giải pháp căn cơ nhất trong thời điểm này là nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng chính sách xã hội để cấp bù lãi suất. Hệ thống thú y, giết mổ cho đến hệ thống bao tiêu sản phẩm cũng phải đồng bộ hóa để "thịt nóng" đến tay người tiêu dùng với giá tốt nhất.
Phải nhìn nhận rằng, ngành Nông nghiệp chưa thực sự có mục tiêu phát triển cụ thể cho từng lĩnh vực nói chung cũng như chăn nuôi nói riêng. Vẫn còn đâu đó, trong các kế hoạch chỉ nói đến việc tăng sản lượng, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nhưng không có một chiến lược rõ ràng.
Ông Đán vạch ra chiến lược với ngành chăn nuôi, trong ngắn hạn cần phải có mục tiêu bình ổn giá dù về dài hạn vẫn phải hỗ trợ người nông dân. Các đơn vị kinh doanh hàng súc sản phải cố gắng thu mua hỗ trợ nông dân với mức giá ưu đãi.
Chính phủ phải gánh vác trách nhiệm bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp bao tiêu cho nông dân thông qua cơ chế hỗ trợ thuế và lãi vay. Đây cũng là một cách trợ giá cho ngành Nông nghiệp một cách gián tiếp. Trong tương lai, ngành nông nghiệp nhất định phải có một giải pháp toàn diện về chăn nuôi để giảm giá thành và tránh tình trạng nhập khẩu thịt lợn như hiện nay.
Các Bộ - ngành không thể bắt người dân chịu đựng các yếu kém trong việc phát triển ngành chăn nuôi lợn. Đặt trường hợp, nếu tìm cách hạ giá thành thịt lợn trên thị trường thì ai có thể cứu người nuôi lợn? Trong khi đó, người dân thì luôn yêu cầu "bữa cơm có thịt lợn" - chuyên gia Trần Nguyên Đán đúc kết vấn đề.