Làm sống lại thương hiệu chè Suối Giàng

12/04/2016 - 17:26
Chị Lâm Thị Kim Thoa – Giám đốc HTX Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái) đón tôi với nụ cười tươi chị kể cho tôi nghe về Hợp tác xã những ngày mới thành lập.

HTX Suối Giàng được thành lập đầu năm 2008 trong hoàn cảnh rất khó khăn, trong lúc chè Suối Giàng đang mất uy tín trên thị trường thì nhiệm vụ trọng tâm của HTX là phải lấy lại uy tín cho vùng chè. Khi mới HTX mới có 8 xã viên, là những người có tâm huyết và rất yêu quí cây chè đặc sản Suối Giàng. Chị Thoa đã được ban quản trị tín nhiệm và giao nhiệm vụ hết sức nặng nề trong điều kiện mới thành lập với vô vàn khó khăn như: Thiếu vốn, thiếu nhân lực, chưa có thị trường, chưa có kinh nghiệm trong điều hành sản xuất kinh doanh.

Khi mới thành lập máy móc thiết bị để sản xuất là một cặp bom sao thủ công, một máy vò chè mini của cơ khí Hồng Hà, công nhân sản xuất đồng thời cũng là cán bộ quản lý. Sản phẩm sản xuất ra đóng gói trong bao bì pie, công suất 500 kg chè búp tươi/ngày. Cuối năm 2008, sau khi sản phẩm ra thị trường HTX nhận được rất nhiều thông tin về sản phầm chè của HTX, là chủ nhiệm, chị rất trăn trở nghiên cứu, tìm tòi, tiếp thu những ý kiến đóng góp của khách hàng và một yêu cầu tất yếu để tồn tại là sản phẩm phải đạt chất lượng cao. HTX đầu tư thêm máy sào ga, máy vò chè Trung Quốc, máy hút chân không, nâng cao công suất lên 1000kg/chè búp tươi/ngày. Sản phẩm được đóng gói bảo quản trong túi hút chân không và bao bì có mẫu mã rất đẹp.

 Những cô gái Mông – thành viên hợp tác xã đang hái chè

Năm 2010, Nhà nước thu hồi địa điểm của HTX để làm công trình bảo tồn làng văn hóa dân tộc Mông. HTX phải di chuyển địa điểm đến mới. Trong cùng một thời điểm vừa lo tìm đất để làm nhà xưởng, nhưng nhiệm vụ trọng tâm là duy trì sản xuất để sản phẩm chè Suối Giàng không bị ảnh hưởng. Đến tháng 6/2012, HTX đã hoàn thành công trình có giá trị đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Nhận thấy công suất hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đã đầu tư thêm máy móc thiết bị để nâng cao công suất sản xuất lên 2.000 kg/chè búp tươi/ngày.   

Cùng với sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, HTX luôn chú trọng đến việc bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm của mình, lựa chọn tên sản phẩm là: Tuyết Sơn Trà Suối Giàng và được cục sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận năm 2010. Chị đã đề xuất với ban quản trị mời những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong nghành chè để cùng với HTX đào tạo công nhân theo phương pháp cầm tay chỉ việc và đưa công nhân đi tham quan học tập kinh nghiệm ở một số nhà máy chè các tỉnh bạn. Bên cạnh đó chị luôn tạo điều kiện để công nhân tham gia học tập kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất  thông qua các lớp tập huấn do Liên minh HTX tỉnh Yên Bái tổ chức và qua các chương trình dự án để có đội ngũ công nhân lành nghề trong sản xuất chế biến chè.

Tháng 5/2013 nhãn hiệu chè Suối Giàng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KHCN) cấp Giấy chứng nhận cho thương hiệu "Tuyết Sơn Trà". Bên cạnh những giải thưởng cao trong các cuộc thi bình chọn sản phẩm cấp tỉnh, khu vực và Trung ương, "Tuyết Sơn Trà" cũng là sản phẩm đầu tiên chính thức mang nhãn hiệu chè Suối Giàng. Đến nay, HTX đã có 6 loại sản phẩm mang tên "Tuyết Sơn Trà" có chất lượng tốt, được đóng gói với các mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.

 Xưởng sản xuất chè – HTX Suối Giàng – huyện Văn Chấn

Những năm gần đây trên thị trường xuất hiện những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất sứ, in nhái logo SUỐI GIÀNG - YÊN BÁI, bán ra với giá thấp hơn hoặc ngang bằng với sản phẩm của HTX điều đó đã ảnh hưởng tới việc tiêu thụ sản phẩm. Chị cùng hội đồng quản trị đã khắc phục khó khăn, nỗ lực không ngừng, động viên người lao động không nản chí, tạo động lực để HTX sản xuất ra sản phẩm tốt hơn, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm đẹp hơn có cơ chế thưởng khuyến khích động viên các đại lý tiêu thụ. Năm 2015 HTX đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và làm tiền đề cho kế hoạch năm 2016. Doanh thu năm 2015 đạt 670 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước 67 triệu đồng.

Trải qua hơn 8 năm với rất nhiều thăng trầm, từ lúc đầu mới thành lập chỉ có 7 thành viên, đến nay đã tăng lên 20 thành viên (trong đó 85%  thành viên là dân tộc Mông), với  thu nhập bình quân 3,7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm giàu cho xã viên mà rất nhiều người dân khác trong vùng cũng được hưởng lợi từ sự ăn nên làm ra của HTX.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm