pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lan tỏa nhiều mô hình phụ nữ giúp nhau ở huyện Nậm Pồ
Mô hình "Thêu may trang phục dân tộc Mông" tại xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
Mô hình "Hũ gạo tiết kiệm", "Ống tiền tiết kiệm" của Chi hội phụ nữ bản Chăn Nuôi xã Phìn Hồ đã duy trì được hơn 10 năm nay với hơn 70 hội viên tham gia. Theo kì hạn nhóm tiết kiệm của chi hội lại tổ chức quyên góp, hỗ trợ nhằm giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Chị Thùng Thị Tâm, Chi hội Trưởng chi hội bản Chăn Nuôi, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ cho biết: "Mô hình tiết kiệm của bản Chăn nuôi chúng tôi đã hoạt động từ năm 2012, chúng tôi tự nguyện góp hũ gạo tiết kiệm để giúp chị em trong chi hội có hoàn cảnh khó khăn. Chị em trong chi hội luôn đoàn kết, nhiệt tình giúp đỡ lẫn nhau."
Mô hình "Nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản" của gia đình chị Vàng Thị Tuyết ở bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn là một trong những mô hình phát triển kinh tế của huyện Nậm Pồ. Năm 2021, gia đình chị đã được vay 15.000.000 đồng từ sự kết nối của Hội LHPN huyện Nậm Pồ với quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo từ nguồn vốn do ông Đoàn Ngọc Hải kêu gọi để nuôi lợn nái phát triển kinh tế gia đình. Từ con lợn nái gia đình có thêm 3 đàn lợn thịt và nuôi thêm 2 con lợn nái nữa.
Mô hình "Nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản" tại xã Si Pa Phìn với tổng số tiền 145.000.000 đồng cho 13 hội viên vay để mua lợn giống. Từ khi được vay vốn đến nay, mô hình đã xuất bán được 61 con lợn thịt và sản xuất được 40 con thu được trên 300.000.000 đồng, giúp 2 hộ thoát nghèo.
Việc quan tâm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế đã được các cấp hội LHPN huyện Nậm Pồ triển khai có hiệu quả. Bằng nhiều hình thức thiết thực, cách làm hay, sáng tạo, các hội viên phụ nữ đã tích cực hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ở xã Nà Bủng, hội viên phụ nữ dân tộc Mông còn thành lập các mô hình "Thêu may trang phục Dân tộc Mông" để tạo nguồn hàng xuất khẩu và góp phần bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc trên trang phục dân tộc. Hiện nay những sản phẩm thêu may trang phục dân tộc Mông đã được xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Thái Lan mang lại nguồn thu nhập cho nhiều gia đình vùng biên giới thoát nghèo. Trong gần 2 năm thực hiện mô hình đã sản xuất, bán hơn 1.600 chiếc váy, tạo việc làm cho hơn 50 hội viên, thu nhập từ 2.000.000 - 2.500.000 đồng với tổng lãi thu được hơn 400.000.000 đồng.
"Chúng tôi thành lập mô hình này với mục đích giúp chị em biết thêu thùa, hơn nữa mô hình còn giúp chị em làm ra sản phẩm và bán lấy tiền từ đó có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Chị em có thể tranh thủ những lúc nhàn rỗi để may vá nên thuận tiện cho chị em vừa làm vừa chăm lo cho gia đình", chị Mùa Thị Mỷ (bản Pá Kha, Nà Bủng, Nậm Pồ) cho hay.
Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế hiện nay các cấp hội phụ nữ huyện Nậm Pồ đang duy trì mô hình phát triển kinh tế từ Quỹ vì đồng bào do ông Đoàn Ngọc Hải hỗ trợ 500 triệu đồng với lãi xuất 0% cho gần 60 gia đình hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế.
Đồng thời Hội LHPN đã chỉ đạo các cơ sở hội tập trung tuyên truyền, hỗ trợ giúp đỡ hội viên bằng nhiều hình thức: ngày công, con giống…thành lập các mô hình trồng lạc, ngô, bí… do chi hội phụ nữ cơ sở quản lý. Cùng với đó, Hội LHPN huyện tập trung đẩy mạnh các hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; duy trì phát triển các nghề truyền thống tại địa phương… Phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn kĩ thuật, dạy nghề cho các hội viên phụ nữ….
Hội viên, phụ nữ huyện Nậm Pồ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế
Bà Lầu Thị Liên chia sẻ: "Từ nguồn vốn vay Quỹ vì đồng bào đã giúp hội viên phụ nữ nghèo vùng cao sử dụng nguồn vốn để sản xuất, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo cho phụ nữ ý thức tiết kiệm để ổn định cuộc sống và nâng cao địa vị kinh tế cho phụ nữ. Đã có những mô hình tạo việc làm, mở rộng sản xuất, phát triển thế mạnh của địa phương và xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng."
Trong năm 2022 các mô hình tài chính tự quản, mô hình tiết kiệm ở các cấp huyện Nậm Pồ đã đóng góp 50 triệu đồng cho 50 hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, phát triển kinh tế.
Thời gian tới các cấp hội LHPN huyện Nậm Pồ tiếp tục đầu tư các nguồn lực và đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đồng thời lan tỏa các mô hình tiết kiệm, các phong trào hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế nhằm tạo động lực để hội viên, phụ nữ vùng biên giới Nậm Pồ từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.