'Làng mới' và sự phát triển thần kì của Hàn Quốc (P2)

31/03/2016 - 21:02
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Phong trào Làng mới (Saemaul undong) cách đây hơn 40 năm không những làm thay đổi diện mạo đất nước Hàn Quốc mà còn tạo nên sự phát triển thần kì của quốc gia này. Trong sự phát triển ấy có đóng lớn của phụ nữ Hàn Quốc.
co.jpg
 Lá cờ cổ động phong trào đổi mới nông thôn ở Hàn Quốc.

                                     5 giai đoạn của Phong trào Làng mới

Giai đoạn 1: Thiết lập và tạo dựng nền móng cho phong trào (1970-1973) với các dự án về cải thiện môi trường, tăng thu nhập, cải thiện thái độ.

Giai đoạn 2: Phát triển nhanh (về tổ chức và các hoạt động) (1974-1976) với các dự án tăng thu nhập, cải thiện thái độ, cải thiện điều kiện sống.

Giai đoạn 3: Tích cực thực hiện (1977-1979), là giai đoạn mà tác động của chương trình được thấy rõ nhất; với các dự án ở cả khu vực nông thôn, đô thị, trong các doanh nghiệp, xí nghiệp.

Giai đoạn 4: Cơ cấu lại (1980-1989), khi phong trào xác định lại cơ cấu tổ chức và hoạt động với tính chất là phong trào của khu vực tư nhân; với các dự án về môi trường xã hội, phát triển kinh tế, các hoạt động bảo vệ môi trường.

Giai đoạn 5: Phát triển tự quản (1990-1998), đặc trưng là tính tự lập và tự quản; với các dự án về phát triển môi trường văn hóa, đạo đức và tinh thần, ổn định kinh tế và cải thiện môi trường sống.

Tổng thống Park Jung Hee không nghĩ rằng tiền bạc ít ỏi của Chính phủ đổ vào cơ sở hạ tầng là giải pháp cho vấn đề nông thôn. Ông cho rằng giải pháp để phát triển nông thôn là tạo ra và huy động cho được nội lực của nông dân, bằng cách tổ chức các nhóm phát triển cộng đồng tại mọi làng xã. Lượng vật chất nhỏ và chính sách tốt của Nhà nước chỉ nhằm khơi dậy và kích thích sức mạnh tinh thần, tạo nên nội lực tiềm tàng to lớn của nông dân. Phong trào Làng mới nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng nhất tạo động lực cho phát triển nông thôn là “phát động tinh thần làm chủ, ý chí sáng tạo, tự tin và đoàn kết cộng đồng của nông dân”.

Chính vì vậy, Phong trào đã áp dụng chính sách: Nhà nước bỏ ra 1 (chủ yếu là vật tư, xi măng, sắt thép...) thì nhân dân đóng góp 5-10 (công sức, đất đai và tiền của). Sự hỗ trợ của nhà nước trong năm đầu chiếm tỷ lệ cao, giảm dần vào các năm sau, trong khi qui mô địa phương và nhân dân tham gia tăng dần. Tổng số hỗ trợ cho mỗi làng từ năm 1971 đến 1978 là 84 tấn xi măng và 2,6 tấn sắt thép. Tổng giá trị xi măng và sắt thép tương đương với 2.000 USD/làng theo tỷ giá năm 1974. Trợ giúp vật chất khiêm tốn này được coi như chất xúc tác thúc đẩy phong trào đi lên.

i-mi-nng-thn--Hn-Quc.jpg
 Đổi mới nông thôn ở Hàn Quốc.

Ban đầu Chính phủ chỉ hỗ trợ cho mỗi làng 335 bao xi măng và không có chỉ đạo, can thiệp gì mà người dân trong làng tự họp nhau lại bàn bạc và quyết định dùng xi măng làm đường hay làm nhà tùy nguyện vọng, nhu cầu và họ tự quản lý số xi măng đó trong đầu tư thực hiện.

Sau một năm tổng kết, nhận thấy một nửa số làng (16.000 làng) được cải thiện rõ rệt, Chính phủ quyết định giúp đỡ cho những làng biết tự giúp chính mình bằng cách cấp thêm cho mỗi làng 500 bao xi măng và 1 tấn thép. Hiệu ứng từ sự hỗ trợ này được thể hiện ngay khi nhà tranh vách đất được thay thế dần bằng nhà mái ngói và tường xây. Khắp nơi trên các làng đường sá được mở rộng, đê điều được tu bổ và cầu cống được xây dựng. Người nông dân đã trực tiếp cảm nhận sức mạnh của bản thân khi tự đứng lên xây dựng cuộc sống.

Năm thứ ba, Chính phủ quyết định chia 35.000 làng trên toàn quốc thành 3 loại: Làng cơ sở (làng không có sự sáng tạo, hợp lực, chỉ chăm chỉ hơn các làng khác); làng tự lực và làng tự lập để từ đó có sự hỗ trợ phù hợp. Đến thời điểm này các đường ống nước, phương tiện công cộng được tái thiết để phù hợp với nông thôn đổi mới, đường sá được mở rộng để xe cơ giới có thể vào đến tận ruộng, các dự án lớn về hạ tầng được tiến hành theo cách liên kết các làng lân cận để tiết kiệm chi phí.

Các dự án tập trung vào: Cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn (làm cho môi trường đẹp hơn); Cải tạo nhà ở: Thuận tiện cho sinh hoạt, cải tạo bếp ăn, phòng vệ sinh, phòng tắm; Hiến đất làm đường; Xây dựng cơ sở hạ tầng: Chính phủ cung cấp nguyên vật liệu, người dân bỏ công ra xây dựng cầu đường, nhà kho, xây dựng hệ thống nước thải, cung cấp điện cho cộng đồng làng chài, vận hành các nhà máy... Dự án quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người dân. Điểm nổi bật ở đây là, các dự án được lựa chọn phải đảm bảo các tiêu chí: cần thiết cho người dân và cộng đồng khu vực; phù hợp với điều kiện của khu vực, thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của vùng/khu vực; phục vụ mọi người dân trong vùng dự án thay vì chỉ phục vụ một bộ phận nhỏ người dân trong một khu vực hạn hẹp; có tác động mang tính dài hạn và đủ lớn đáng để đầu tư nguyên vật liệu và sức người và cần tự vững về tài chính, nhân lực và thời gian.

Với những chính sách này của Chính phủ, đến năm 1974 thì thu nhập ở nông thôn đã cao hơn thành thị và năm 1977 thì 98% các làng có thể độc lập về kinh tế. Với người dân Hàn Quốc, đây đúng là một cuộc cải tổ vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm