'Làng mới' và sự phát triển thần kì của Hàn Quốc (P3)

01/04/2016 - 08:00
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Phong trào Làng mới (Saemaul undong) cách đây hơn 40 năm không những làm thay đổi diện mạo đất nước Hàn Quốc mà còn tạo nên sự phát triển thần kì của quốc gia này. Trong sự phát triển ấy có đóng lớn của phụ nữ Hàn Quốc.


                                         4 YẾU TỐ THÀNH CÔNG CỦA PHONG TRÀO LÀNG MỚI

Thứ nhất, phát huy sức mạnh tinh thần, sự tham gia tự nguyện của người dân và việc ra quyết định mang tính dân chủ.

Điểm cốt lõi dẫn đến thành công của phong trào Làng mới là yếu tố tinh thần, khơi dậy tự tôn dân tộc, là phong trào mang tính tinh thần thay đổi ý chí của người dân, ý chí vươn lên và tinh thần tự lực, hợp tác của người dân với 3 nguyên tắc đưa ra là “Cần cù - Tự lực - Hợp tác”.

Sự cần cù, tự lực được đưa ra để người dân phát huy nội lực, phát huy vai trò tự lực của bản thân. Hợp tác ở đây là sự liên kết, cùng tham gia các chuỗi hoạt động để có kết quả tốt nhất, hỗ trợ, giúp nhau, bình đẳng, thi đua và đồng trách nhiệm. Các yếu tố này đã khơi gợi mong muốn thoát nghèo và niềm khát vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn đối với người dân, hợp tác tốt sẽ tối đa hóa thành công của sự cần cù, của tinh thần tự lực. Niềm tin và khát vọng này không chỉ ở cấp độ cá nhân mà cấp độ làng xã, cộng đồng. Không chỉ mong muốn cuộc sống cá nhân tốt hơn mà mong muốn làng/xã được thay đổi, thịnh vượng hơn.

Người Hàn Quốc cũng đã sử dụng khẩu hiệu “có thể làm được và sẽ làm được” để khích lệ ý chí và niềm tin của người dân, làm cho họ luôn phấn đấu vươn lên. Tổng thống Park Chung Hee đã nói rằng sự hỗ trợ của Chính phủ chỉ là vô nghĩa nếu người dân không nghĩ cách tự cứu mình.

Có thể thấy, Phong trào Làng mới không chỉ là chương trình nông thôn mới với việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường, nhà, cơ sở vật chất... mà hơn thế nó chính là phong trào khích lệ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc và ý chí vươn lên của người Hàn Quốc, giúp người dân lấy lại được ý chí và sự tự tin để xây dựng lại cuộc sống của mình sau chiến tranh.

Để khuyến khích sự tham gia tự nguyện của người dân, phong trào đã tạo điều kiện để người dân tự bàn bạc và quyết định các dự án phát triển cộng đồng đáp ứng nhu cầu của họ; Chính phủ đóng vai trò hướng dẫn, cung cấp thông tin kỹ thuật.

m-hnh-quy-hoch-cnh-ng-mu-ln-ti-hn-quc.jpg
Quy hoạch cánh đồng mẫu lớn ở Hàn Quốc

Thứ hai, chú trọng vai trò lãnh đạo của cả nam và nữ, và đào tạo cán bộ để thực hiện phong trào

Điểm đáng chú ý ở phong trào Làng mới là mỗi làng đều lựa chọn ra 1 lãnh đạo nam và 1 lãnh đạo nữ để lãnh đạo thực hiện phong trào. Là đất nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, song do đánh giá được vai trò của phụ nữ trong xây dựng làng mới nên khi chọn lãnh đạo làng, người dân đã lựa chọn người lãnh đạo có cả nam và nữ. Vừa là người thực hiện nhưng cũng phải là người lãnh đạo, phụ nữ cần tham gia lãnh đạo, không chỉ lãnh đạo phụ nữ trong làng mà là tham gia vào ban chỉ đạo, tham gia thảo luận, bàn bạc các nội dung của Chương trình, dự án trong làng; lãnh đạo thực hiện việc xây dựng làng, phát triển nông thôn. Người lãnh đạo trong phong trào làng mới đóng vai trò là người lập kế hoạch/khởi xướng dự án mới; người thực hiện dự án và huy động nguồn lực; và người điều phối (thuyết phục nếu cần thiết). Việc lựa chọn cả nam, nữ đại diện cho hai giới đã giúp huy động được sự tham gia tích cực của người dân, đặc biệt là phụ nữ.

Việc đào tạo được tiến hành bài bản và nó đã góp phần làm lan tỏa tinh thần của Phong trào Làng mới. Từ những thành công ban đầu của phong trào, Chính phủ Hàn Quốc lúc bấy giờ nhận thấy rằng, những nơi mà lãnh đạo có năng lực đã triển khai rất tốt và ngược lại, những nơi mà lãnh đạo yếu kém về chuyên môn và đạo đức thì chỉ hao phí tài nguyên. Như vậy, cần có một đội ngũ cán bộ được đào tạo để lãnh đạo thực hiện phong trào xây dựng làng mới. Chính phủ đã lập ra Học viện Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo phong trào và 10 viện đào tạo cấp tỉnh cho cán bộ từ cấp cơ sở đến cấp trung ương. Chương trình đào tạo kéo dài 1 hoặc 2 tuần tập trung vào việc tạo động cơ cho học viên về phát triển nông thôn, giúp họ thấy được tầm quan trọng và vai trò của người lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, khả năng thuyết phục người dân… Những nhà lãnh đạo phong trào thành công chia sẻ kinh nghiệm với các học viên. Tập huấn không chỉ về lý thuyết mà còn cung cấp kiến thức và kinh nghiệm thực tế, và không chú trọng việc thuyết giảng mà khuyến khích tự học qua trao đổi thảo luận, phân tích các trường hợp thành công, tham quan thực tế…

Giai đoạn đầu, thành viên tham dự các khóa tập huấn  chủ yếu là nam giới. Nhưng từ đợt tập huấn thứ 3 trở đi, vai trò của các nhà lãnh đạo nữ đã được nhấn mạnh và được tham gia tập huấn. Các nhà lãnh đạo nữ được cho rằng sẽ dễ dàng hơn trong việc đứng ra kêu gọi người dân cùng tham dự các dự án trong cuộc vận động.

“Lí do kêu gọi vai trò của nữ giới trong việc khơi nguồn cuộc vận động Saemaul là do cuộc vận động này không chỉ dừng lại ở các công việc đồng áng mà tập trung nhiều vào môi trường sinh hoạt của làng xã” (Park Jin Hwan, 2005).

Tuy nhiên, dù nhận thức về vai trò của nữ lãnh đạo trong cuộc vận động Saemaul đã được nâng lên, thì việc những người nội trợ rời khỏi nhà 2 tuần để đi tập huấn cũng không phải là việc dễ dàng. Do đó, các khóa tập huấn dành cho các lãnh đạo nữ đã được rút gọn từ 2 tuần xuống còn 1 tuần. Tháng 6 năm 1973, 130 học viên nữ đến từ các vùng nông thôn Hàn Quốc đã thực hiện khóa tập huấn đầu tiên dành cho  lãnh đạo nữ của cuộc vận động Saemaul.

Hoạt động đào tạo đã tạo điều kiện nối kết cán bộ cấp trung ương và địa phương. Qua đó, các cán bộ cấp trung ương có thể hiểu hơn về những việc ở cơ sở để khi tham mưu hoạch định chính sách không bị xa rời thực tiễn cơ sở, đúng với tâm tư nguyện vọng của người dân.

Thứ ba, sự hỗ trợ mang tính xúc tác, có hiệu quả và chính sách động viên khen thưởng của Chính phủ

Cơ quan chủ quản thực hiện phong trào Làng mới là Bộ Nội vụ, nay là Bộ An ninh và Hành chính công Hàn Quốc. Tất cả các bộ ngành đều tham gia phong trào này (chỉ trừ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng), do đó đã tạo ra sự hiệp lực và sự cam kết chính trị rất lớn cho phong trào này.

Chính phủ đã thực hiện phương châm làm từng bước, từ thấp đến cao, từ thí điểm trên diện hẹp đến đưa ra toàn quốc, từ xây dựng lan sang sản xuất, từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để nông dân có đủ thời gian chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, có đủ thời gian để chọn lựa, đào tạo cán bộ cơ sở, nông hộ có thời gian để tự tích lũy tái sản xuất mở rộng, chương trình tiến hành trong nhiều năm theo các bước từ thấp đến cao. Cách tiếp cận của Chính phủ là đa diện, kết hợp các khía cạnh kinh tế, văn hóa, tinh thần, không chỉ đơn thuần về sinh kế. Việc Chính phủ hỗ trợ các vật liệu ban đầu đã khuyến khích người dân nông thôn tự nguyện tham gia phong trào, từ đó họ đã đầu tư, đóng góp sức lao động, hiến đất, tiền, và các nguồn lực khác cho các chương trình, dự án. Phương thức hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy được sự chủ động, sáng tạo, năng động của người dân, tránh được tình trạng tham nhũng và sự ỷ lại của người dân.

Chính phủ coi cộng đồng làng là đơn vị có tính chiến lược để phát triển, đồng thời thúc đẩy cách tiếp cận từ dưới lên, đi từ nhu cầu của chính người dân, vì vậy người dân có cảm nhận rõ hơn về tính sở hữu cũng như trách nhiệm đóng góp của mình trong sự phát triển của làng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thường xuyên theo dõi, đánh giá: Tổng thống gặp các bộ trưởng hàng tháng và chủ tịch các tỉnh để đánh giá phong trào tại từng ngôi làng. Tại các cuộc họp đó, những điển hình tốt được giới thiệu và trình bày, qua đó rút kinh nghiệm, hướng dẫn, cung cấp thông tin kỹ thuật cho người dân để thực hiện tốt các dự án của mình. Điều này cũng đóng góp đáng kể vào sự thành công của phong trào.

Thứ tư, mở rộng được phong trào sang các lĩnh vực khác (không chỉ ở khu vực nông nghiệp, nông thôn) và có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình.

Với những yếu tố trên, phong trào Làng mới đã thực sự là một mô hình thành công về phát triển nông thôn dựa vào cộng đồng. Sau thành công của phong trào tại vùng nông thôn, phong trào đã lan tới các vùng không làm nông nghiệp như trường học, công sở, thành phố, nhà máy với nhiều lĩnh vực khác nhau. Nổi bật lên là 3 chiến dịch Saemaul bao gồm: Chiến dịch tinh thần đề cao mối quan hệ thân thiện hơn với láng giềng, kế thừa và phát huy những truyền thống dân tộc dựa trên lòng hiếu thảo và nâng cao ý thức cộng đồng; chiến dịch cư xử nhấn mạnh tới trật tự công cộng trên đường phố, những cách ứng xử tích cực, hành vi nơi công cộng; chiến dịch môi trường làm cho khu vực đang sinh sống, làm việc được sạch sẽ, phát triển màu xanh của thành phố cũng như các con sông. Tại các nơi công sở thì hướng tới tạo ra các giá trị và niềm tin lành mạnh cùng với cung cách ứng xử xã hội đúng mực giữa những người đồng nghiệp. Tại nhà máy hướng tới khôi phục niềm tin và nâng cao khẩu hiệu “mọi công nhân trong nhà máy đều là thành viên trong một gia đình, việc của nhà máy là việc của bản thân”, đoàn kết đồng lòng cùng xây dựng nhà máy phát triển vững mạnh. Ở các trường học, học sinh được học về phong trào Saemaul và đóng góp của phong trào cho xã hội. Các làng, xí nghiệp được trang bị thư viện Saemaul và phương tiện vui chơi giải trí khác. Đặc biệt ở các thư viện nông thôn đều có sách về phương pháp canh tác mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm