'Làng mới' và sự phát triển thần kì của Hàn Quốc (P9)

03/04/2016 - 14:00
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Phong trào Làng mới (Saemaul undong) cách đây hơn 40 năm không những làm thay đổi diện mạo đất nước Hàn Quốc mà còn tạo nên sự phát triển thần kì của quốc gia này. Trong sự phát triển ấy có đóng lớn của phụ nữ Hàn Quốc.

Phụ  nữ với hoạt động cải thiện nhà ở, môi trường và đường làng

Cùng với các dự án nâng cao thu nhập, Hội phụ nữ Saemaul cũng đã thực hiện nhiều dự án nâng cấp nhà cửa, xây dựng đường ống nước…, đóng vai trò quan trọng vào việc tăng cường vệ sinh và sức khỏe cho cộng đồng làng xã cũng như phát huy khả năng của phụ nữ.

cai-thien-moi-truong.jpg
Hoạt động cải thiện môi trường trong phong trào Làng mới. 

Dự án cải thiện nhà ở và môi trường cũng là một dự án có ý nghĩa quan trọng, mở đường cho người phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực công tạo ra lợi nhuận, đồng thời giúp thay đổi tính chất của loại hình lao động vốn quá sức đối với phụ nữ như nâng cấp mái nhà dột nát, kiện toàn cấu trúc của nhà, xây dựng khu giặt giũ chung của làng, lắp đặt điện nước... 

 Dự án mở rộng đường làng là dự án tiêu biểu nhất trong các hoạt động cải thiện môi trường. Thời bấy giờ, phần lớn đường ở nông thôn không có quy hoạch, chật hẹp, không san lát. Mỗi khi có mưa hay tuyết rơi, các đường đều trở thành bùn lầy, các cống thoát nước hay đường nước trở nên bẩn thỉu, xe cộ khó đi lại. Người làng đã cùng nhau chọn đá, trộn xi măng để nâng cấp những con đường này, trên tinh thần làm cơ sở cho các dự án nâng cao thu nhập cho làng sau này. Trước hết, mở rộng chiều rộng của đường để xe ô tô có thể đi được và có thể dễ dàng vận chuyển nông sản, đồng thời cân nhắc đến vấn đề vệ sinh môi trường. Với nỗ lực của Hiệp hội phát triển làng xã trong đó Hội phụ nữ cũng là thành viên, chỉ trong 10 năm có 15.559km đường ống nước được xây dựng, giúp cuộc sống của người nông dân Hàn Quốc trở nên thuận tiện, thoải mái hơn.

Những con đường làng được mở rộng hơn là cơ sở để phát triển nền nông nghiệp cơ giới hóa, trợ giúp đắc lực cho người phụ nữ. Sử dụng xe thay vì trâu bò hay gia súc để vận chuyển lúa gạo, cơ giới hóa nông nghiệp giúp nâng cao năng suất sản xuất và hình thành tiêu chuẩn vệ sinh ở cấp làng; đồng thời đẩy mạnh giao lưu giữa hội viên phụ nữ ở các làng khác nhau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm