Lãnh cảm vì quá liều gia vị tình yêu

19/08/2015 - 07:57
Trong cuộc sống vợ chồng, một chút giận hờn giống như gia vị của tình yêu, không thể thiếu. Nhưng đừng ném cả nắm muối, tiêu, ớt, tỏi, hành… vào một món ăn như vợ tôi.

Người chồng ấy kể rằng, từ lúc yêu, anh đã phát hiện ra vợ anh bây giờ có kiểu giận như thế. Đang vui vẻ, ríu rít đấy, chẳng may anh làm gì để cô “chạm nọc”, phật ý thì lập tức cô im lặng hoàn toàn, mọi hành động cũng như ngôn ngữ vụt bay đi đâu hết. Khi ấy, anh thấy nét mặt cô lạnh lùng trông lại có vẻ người lớn, rắn rỏi, rất thú vị. Nếu anh còn cố kiên nhẫn thêm thì nét mặt cô cau lại, những từ ngữ cô chỉ có thể phát ra lúc ấy là: “Bỏ tay ra!” nếu anh cố tình cù, trêu chọc để cho cô phải bật cười, hoặc: “Thôi đi!” nếu anh đùa tát nhẹ lên má mình, miệng mình nói là phạt cái miệng, đánh cái đứa nào làm cho cô giận… Kết thúc là cả hai đứng dậy đi về vì có ngồi lại thêm thì cả hai cùng câm như hến, thậm chí anh thấy mình quá vô duyên, tẽn tò. Những ngày sau, mặc cho anh chủ động gọi điện, nhắn tin, cố tỏ ra như giữa hai người chẳng có chuyện gì, hay cố xí xóa làm lành, xin lỗi đi, xin lỗi lại, cô vẫn im lặng. Và mối quan hệ giữa hai người chỉ trở lại bình thường khi có người thứ ba hỗ trợ vào. Người thứ ba ở đây có thể là hội bạn bè của cả hai người vô tình hay cố ý khởi xướng lôi cả hai vào cuộc vui nào đó, người thứ ba cũng có thể là bố mẹ, người thân của cô gái có việc cần gặp, cần nhờ người yêu của con gái chuyện gì… thì sau đó, cô mới “nhân thể” trở lại bình thường với anh…


 Bạn gái anh có cách giận lạnh lùng, câm nín
Họ làm đám cưới như kết thúc đẹp của một tình yêu giống bao lứa đôi khác. Người chồng hồn nhiên vô tư không hề nghĩ rằng “cá tính khác người” mỗi khi lên cơn giận của người vợ lại ảnh hưởng đến tình yêu và hạnh phúc của hai người. Anh kể rằng đáng sợ nhất là khi chỉ có hai người với nhau trong một căn hộ mà vợ anh “lên cơn giận”. Cô không hề khóc lóc, tru tréo, gào thét hay đá thúng đụng nia mà chỉ giữ im lặng tuyệt đối. Sáng ra vẫn dọn bữa sáng cho chồng, bày ra bàn rồi dắt xe máy tự đi đến cơ quan. Buổi trưa, anh có gọi điện hay nhắn tin thế nào thì vợ cũng vẫn im lặng, không trả lời. Buổi chiều về, nấu cơm xong, cô cũng không bao giờ gọi anh vào ăn cơm mà tự anh phải canh chừng, khi thấy cơm canh đã dọn ra bàn thì phải nhanh chóng ngồi vào bàn ăn. Nếu anh chậm vào hay còn bận việc gì chưa vào ngay thì lập tức người vợ sẵn sàng bỏ đấy, nhất định không ra cùng chồng ăn cơm nữa. Mặc cho anh năn nỉ, hỏi xem cô có bị mệt hay đau ở đâu không và dỗ vợ ra ăn cơm, cô vẫn “trơ ra như phỗng đá”, không hề lay động. Ban đầu, anh buồn bã, mệt mỏi và cả tủi thân nữa, cũng bỏ ăn, đi ngủ với cái bụng đói meo, sôi èo èo cả đêm. Về sau nghĩ cứ mãi thế thì chỉ có thiệt, anh đành ngồi vào bàn ăn một mình, nhai cơm như nhai rơm, rồi lụi cụi dọn dẹp một mình mà thấy cô đơn, tủi thân ứa nước mắt… Và cơn giận của người vợ chỉ chấm dứt khi gặp một tác nhân bên ngoài như ngày xưa. Về sau anh rút kinh nghiệm, cứ mỗi lần vợ giận, nếu muốn nhanh chóng thoát khỏi bầu không khí đáng sợ đó, anh luôn tìm cớ đón bạn về nhà, nhất là bạn của vợ thì càng tốt. Chỉ có sau buổi bạn bè bù khú tại nhà thì vợ anh mới hết giận, “tự lành” trở lại.
Giọng trầm hẳn xuống, người chồng kể, cách đây cả chục năm, lúc đó vợ chồng anh mới bước vào “đầu ba”. Cứ mỗi lần vợ giận là anh bị “cấm vận” chuyện ân ái. Tuổi còn trẻ, sinh lực dồi dào, ham muốn khó kìm nén, anh cố tìm cách gần gũi vợ nhưng bị cô phản kháng vô cùng quyết liệt. Bạn bè anh nhiều người nói chính việc vợ chồng gần gũi ái ân là cách làm lành dễ dàng nhất và anh đã cố gắng áp dụng. Song với vợ anh, điều đó dường như khiến cơn giận trong cô càng bùng lên dữ dội hơn. Nhiều hôm cô lấy hết sức bình sinh đạp chồng văng ra khỏi giường rồi khóc tu tu. Người chồng kể những lúc như thế anh cảm thấy ê chề, nhục nhã vô cùng…

 

 Cách cư xử của vợ khiến anh ê chề và mệt mỏi
 
Cuộc hôn nhân của họ đã kéo dài được mười mấy năm. Nhìn bên ngoài, họ là một “cặp đôi hoàn hảo”, gia đình họ là niềm ngưỡng mộ, ao ước của nhiều bạn bè, người thân. Và nếu anh có vui miệng kể về việc giận khác người của vợ, nhiều bạn bè anh còn diễu anh: “Ông đúng là được voi đòi tiên. Vợ ông giận có văn hóa thế còn gì? Ông cứ thử nếm cơn giận điên cuồng của mụ vợ tôi mà xem, cứ gọi là hồn vía bay hết sạch!”.
Người chồng nói với Thanh Tâm, họ đã ngoài bốn mươi, mọi thứ đều đã thay đổi, nhưng kiểu giận của người vợ vẫn không hề thay đổi. Anh cảm thấy mệt mỏi rồi, không muốn cố gắng thêm nữa. Nếu vì cớ gì mà vợ lên cơn giận thì anh cũng mặc kệ, không sốt sắng hỏi lý do, không năn nỉ xin xỏ, không cố làm lành mà cũng chẳng muốn gọi bạn bè tới nhà để hóa giải giúp nữa. Cho đến khi vô tình có lý do để vợ hết giận thì thôi. Nhất là chuyện riêng tư vợ chồng, giờ anh cũng chẳng còn khao khát, ham muốn cuồng nhiệt đến mức cứ lăn xả vào, mặc cho vợ quẫy đạp, xua đuổi như ngày xưa. Anh có thể “nhịn” mà vẫn ăn ngon ngủ yên, mặc kệ vợ. Dần dần dường như cả anh và vợ đã mắc chứng lãnh cảm…
Giờ thì còn ai thích “kiểu giận văn hóa” như người vợ ấy nữa không nhỉ? Phải chăng vợ chồng giận nhau cũng cần có nghệ thuật?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm