Có lần, lúc đi qua một căn nhà hoang với những dây rau muống dại quanh mái nhà nở hoa tím thẫm, Hoàng bảo: “Về già ngôi nhà của tụi mình chỉ cần như thế này là đủ. Ngày ngày anh sẽ bắc thang hái rau trên mái nhà cho em nấu canh”. Tôi lắc lư đuôi tóc: “Khi ấy em sẽ không giữ thang cho anh đâu”. “Vì sao?”. “Vì lúc ấy tay em run run, có khi lại làm ghế nhanh đổ hơn ấy chứ”. Hoàng cười: “Ừ nhỉ, vậy nhà của chúng mình phải xây thật thấp, thấp đến mức chỉ cần với tay là tới mái nhà”. Hoàng vẫn hay thế, viển vông và hoang đường kỳ lạ.
Anh luôn bên tôi những tháng ngày nặng nề sau khi mẹ tôi mất. Ảnh minh họa
Tôi quen Hoàng khi tôi đã bước sang cái tuổi được gọi là “ế”. Hoàng thì cũng chẳng khá khẩm hơn là bao, 35 tuổi rồi mà vẫn phòng không gối chiếc. Hoàng và tôi đều là giáo viên cắm bản, phòng Hoàng ở đối diện phòng tôi. Hoàng về dạy ở đây trước tôi 2 năm. Cái bữa thầy hiệu trưởng đưa tôi đến nhận phòng, đúng lúc Hoàng đang ngồi xâu chỉ đơm cúc áo ngoài cửa. Cái áo trắng mà lại lựa chỉ đen, tôi mắc cười quá. Hoàng ngượng ngập giải thích: “Kiếm không được chỉ trắng, đơm tạm, chỗ này là tay áo, vén lên không ai thấy”.
Có lần Hoàng bảo: “Ít người trẻ xung phong đi dạy ở vùng cao lắm”. Tôi cười, bảo Hoàng nói như thể mình là một ông già. Tôi về đây dạy vì nơi này là quê ngoại của mẹ tôi và cũng bởi thành phố chẳng còn gì đáng để tôi lưu luyến sau khi mẹ mất, còn cha thì lo xây dựng một cuộc sống mới. Tôi chỉ tay về phía rừng cây pơ mu như cái bóng râm của 2 lòng bàn tay úp sát vào nhau, bảo Hoàng: “Chỗ ấy là nơi em rải tro cốt mẹ. Lạ không, người ta muốn chảy trôi theo sông hoặc cuốn bay theo gió, nhưng mẹ em chỉ muốn hóa thành mùn trong đất. Còn anh, vì sao anh lại đến đây?”. Hoàng vén ống quần bên phải lên, đập đập vào cái chân giả bằng gỗ. Tôi nghĩ anh sẽ kể một câu chuyện nào đó rất buồn, nhưng không, Hoàng cười bảo: “Anh muốn sống có ích ngay cả khi chỉ có đôi chân tật nguyền”.
***
Những ngày đầu, tôi và Hoàng giống như hai ngọn đèn dầu leo lét nương tựa vào nhau. Anh ở bên tôi suốt những tháng ngày nặng nề sau khi mẹ tôi mất, anh khiến tôi gắn bó và yêu thương những con người nơi đây. Tôi thích nhìn Hoàng đùa giỡn cùng đám học sinh quanh những tán đào cổ thụ; thích tựa cửa nhìn Hoàng xới đất, chăm sóc cho những luống cải ngọt; thích theo Hoàng ngược dòng Huồi Tố tìm đến những vũng nước sâu để câu cá, bắt cua đá và ếch xanh cải thiện bữa ăn. Và tôi biết Hoàng cũng thích những điều ấy lắm nhưng anh luôn giữ một khoảng cách an toàn với tôi.
Hoàng đối tốt với tôi hơn bất cứ ai ở đây nhưng chỉ như một người anh trai yêu thương, bao bọc em gái. Có lúc không chịu được nữa, tôi đã nói với Hoàng, tôi sẽ về xuôi, rằng khi người ta quyết chí rời bỏ một ai đó, người ta thường sẽ chạy trốn khỏi mảnh đất mình đang sống đầu tiên. Hoàng kiên nhẫn chịu đựng những cơn thịnh nộ vô cớ của tôi.
***
Cái ngày tôi đeo ba lô lên vai, dằn dỗi bắt xe rời khỏi Piềng Cọc, tôi hy vọng Hoàng giữ tôi lại nhưng anh chỉ im lặng. Cái im lặng đủ để giết chết hy vọng và niềm yêu thương của một cô gái đã quá lứa lỡ thì. Rồi Hoàng dúi vào tay tôi một túi bánh dày, dặn ăn lót dạ lúc đi đường. Tôi nhìn anh đau đớn, hất túi bánh văng ra xa, rồi bỏ chạy.
Lúc ngồi trên xe khách, xen kẽ giữa những cơn nức nở, tôi vô tình nghe thấy người bạn đường kể về truyền thuyết chiếc bánh dày vào ngày Tết của người Mông: Ngày xưa ở một bản nọ có một chàng thợ săn vì mải mê săn thú nên người yêu của chàng bị Thần Hổ bắt vào rừng. Quyết tìm được người yêu, chàng thợ săn đã dùng bánh dày để làm lương thực đi tìm nàng. Từ đó với người Mông, chiếc bánh dày trở thành biểu tượng cho tình yêu chung thủy lứa đôi.
Tôi chạy xuống xe, những viên sỏi dưới chân kêu lạo xạo, vài cây mai rừng bắt đầu trổ bông, ráng chiều xuyên qua những kẽ lá đỏ rực, tôi thấy bóng Hoàng khập khiễng lao về phía mình như ánh mai rực rỡ.