Lập kế hoạch tài chính cho cả năm không khó

15/10/2015 - 10:39
Một trong nhiều việc rất nên làm là lên kế hoạch tài chính cả năm cho gia đình và bản thân để có thể chi tiêu phù hợp.
Đưa ra kế hoạch cụ thể, sát thực tiễn để có thể giúp tài chính trong năm của gia đình bạn thuận lợi, tránh được nhiều rủi ro.

Xác định mục tiêu cần thực hiện
 
Để hoạch định kế hoạch tài chính cho cả năm, trước hết, bạn cần xác định các mục tiêu quan trọng cần thực hiện trong năm. Ví dụ, trong năm cần mua, xây mới hay cải tạo nhà cửa; mua sắm phương tiện đi lại và bổ sung các loại trang thiết bị, máy móc, vật dụng phục vụ cuộc sống; các nhu cầu về học tập của bản thân và con cái, du lịch, giải trí… Nếu bạn đã trên dưới 40 tuổi thì còn phải tính tới những khoản tích lũy để chuẩn bị… về hưu, có thể từ 10% đến 15% tổng thu nhập.

Sau khi đã rà soát và xác định rõ các mục tiêu, bạn có thể ước lượng tổng chi phí là bao nhiêu (tính theo thời giá và nên cộng thêm khoảng 5% trượt giá). Bước tiếp theo là tính toán khả năng thu nhập trong năm. Bên cạnh các khoản thu cổ định, thường xuyên, hãy liệt kê những thứ bạn có thể làm để gia tăng thu nhập.

Nhìn chung có 3 nguồn cho thu nhập của bạn, gồm: Công việc chính (các khoản lương, thưởng, làm thêm ngoài giờ trong năm…); Kinh doanh thêm (bao gồm việc bắt đầu một công việc kinh doanh tại nhà hoặc làm nghề “tay trái” dựa vào chính sở thích hoặc điểm mạnh của bạn); Đầu tư (hoạt động có thể khiến những khoản tiền nhàn rỗi của bạn tiếp tục sinh sôi. Bạn hãy cân nhắc các lời khuyên từ giới chuyên gia về các kênh đầu tư phù hợp trong năm, lựa chọn một trong số kênh phổ biến: Chứng khoán, vàng, hay nhà đất, trái phiếu...).

Với cách làm này, bạn có thể tính toán khá chính xác tổng thu nhập trong 1 năm. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, các chuyên gia khuyên bạn nên trừ đi khoảng 10%-15% con số này để cho ra một mức thu nhập chắc chắn nhất.

Đưa ra kế hoạch cụ thể, sát thực tiễn để có thể giúp tài chính trong năm của gia đình bạn thuận lợi, tránh được nhiều rủi ro. Ảnh: Theo Internet

Cân đối thu, chi

Sau khi đã xác định các khoản chi phục vụ nhu cầu, các khoản thu có thể nắm chắc trong tay, bạn cần đối chiếu giữa 2 khoản mục để tìm giải pháp nhằm cân đối. Nếu khoản dự thu cân bằng với khoản dự chi thì có thể nói là mọi việc tương đối ổn. Việc của bạn chỉ là tìm cách tiết kiệm chi nhằm có một khoản tích lũy. Còn nếu khoản dự thu thấp hơn đáng kể so với dự chi thì bạn cần lập danh mục những khoản chi không cần thiết (được xếp theo thứ tự mức độ quan trọng), cân nhắc cắt giảm từ trên xuống.

Bên cạnh đó, bạn còn nên rà soát những công việc có thể làm thêm để tăng thu nhập, cũng có thể lập thành một bảng ghi danh mục công việc theo thứ tự về tính khả thi và khả năng đáp ứng của bản thân, dự kiến mức thu nhập có thể tạo được… Trong trường hợp xấu nhất, khi đã tìm mọi cách để cân đối mà thu vẫn hụt chi thì phải tính tới phương án vay nợ. Đây là tình huống bất đắc dĩ và nếu đã vay nợ thì phải tính toán kỹ khả năng trả nợ theo mức lãi suất hiện hành.

Công việc cân đối thu chi trước đây thường được làm theo kiểu thủ công nhưng hiện nay đã có nhiều phần mềm quản lý tài chính (miễn phí hoặc thu phí), giúp cân đối thu chi dễ dàng hơn. Sau khi lên kế hoạch thu chi cho cả năm, bạn cũng cần tiếp tục rà soát lại một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính gia đình, như thói quen chi xài của bản thân cũng như các thành viên…

Qua đó, tìm cách loại bỏ những thói quen xấu trong chi tiêu, đề ra các nguyên tắc nhằm đảm bảo kỷ luật tài chính gia đình.

Việc hoạch định kế hoạch tài chính cho cả năm là cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Bất cứ một sự “du di”, dễ dãi nào cũng đều có thể dẫn tới hậu quả là ngân sách gia đình bị hao hụt, dẫn tới mất cân đối cơ bản và kéo dài.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm