Lấy nhau, sinh con nhiều năm vẫn chưa thể đăng ký kết hôn

23/07/2019 - 18:42
Đi theo tiếng gọi của tình yêu, về sống chung, có với nhau mấy mặt con, hình thành nên những mái nhà 2 quốc tịch, song nhiều cặp vợ chồng Lào - Việt đang sinh sống tại các xã vùng biên tỉnh Nghệ An vẫn chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn. Đằng sau những mối tình “xuyên quốc gia” là vô vàn khó khăn khi chưa được nhập tịch và chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Yêu nhau chẳng ngại đường xa
 
Tỉnh Nghệ An có đường biên giới dài 468,281 km, tiếp giáp 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bôlykhămxay (Lào) chiếm gần 1/4 tổng chiều dài biên giới Việt Nam - Lào. Chỉ cách nhau bởi 1 đường phân chia địa giới hành chính quốc gia, lại có sự tương đồng, gần gũi về phong tục, tập quán, nhiều chàng trai, cô gái các bản làng giáp biên giới Việt Nam - Lào đã nên duyên vợ chồng và cùng nhau xây dựng những gia đình đa văn hóa.
 
Anh Xeo Văn Xuân và vợ là chị Xeo Mẹ Dung (SN 1986) cùng trú ở bản Huồi Lê, xã Keng Đu. Mỗi khi kể về mối tình xuyên biên giới của mình, anh vẫn rất hào hứng. Năm 2004, trong một lần vượt rừng sang Lào chơi, anh đã gặp và cảm mến cô gái Lào Xeo Mẹ Dung ở bản Cò Sạn (xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng). Anh có ý, chị có tình, cả hai bén duyên, nhưng cũng phải trải qua nhiều lần thuyết phục, anh mới đưa được chị về Việt Nam làm dâu. Đến nay anh chị đã có với nhau với nhau 5 đứa con.
 
 
h-tch-1.jpg
Mộ người mẹ Lào địu con mang dòng máu 2 quốc tịch.
Còn với ông Lô Văn Thọ, dân tộc Thái (SN 1955) trú ở xã Mỹ Lý thì người vợ thứ hai người Lào là bà Lô Thị Chắn (SN 1963), người huyện Mường Quắn (Lào) là niềm an ủi rất lớn trong những năm tháng tuổi già. Sau khi người vợ đầu mất sớm, ông Thọ sang Lào làm ăn rồi phải lòng bà Chắn và đưa bà về Việt Nam sống chung từ năm 2005. “Sau bao nhiêu năm, đến nay tình cảm vẫn đượm nồng như bếp lửa nhà sàn, không bao giờ tắt”, ông Thọ vui vẻ chia sẻ.
 
Là giáo viên của trường Tiểu học Tri Lễ 4, năm 1995, trong những lần sang Lào trao đổi buôn bán, anh Lương Văn Xuyên (SN 1969, trú bản Lằn, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) đã gặp người con gái Lào ở tỉnh Hủa Phăn là chị Lo Thị Khun (SN 1972). Qua nhiều lần gặp gỡ, nói chuyện, hai người phải lòng nhau nhưng gia đình hai bên vẫn còn e ngại chuyện lập gia đình với người ở bên kia biên giới. Nhưng vì tình yêu, anh Xuyên vẫn nhiều lần đến nhà thuyết phục xin hỏi cưới chị Khun. Cuối cùng, sự kiên trì của anh cũng được đền đáp khi anh chị được về chung một nhà và ổn định cuộc sống ở quê hương anh.
 
 
h-tch-1-copy.jpg
Những phụ nữ Lào lấy chồng Việt ở vùng biên giới Nghệ An
Những câu chuyện về cô dâu Lào sang làm dâu Việt Nam ở vùng biên giới Nghệ An không hiếm. Câu hát “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua” dường như còn được nâng tầm, khi vì tình yêu, các cặp vợ chồng nơi đây đã vượt qua cả biên giới quốc gia, đi sang một đất nước khác để về sống với nhau. Bởi trải qua khó khăn mới đến được với nhau, nên những gia đình Việt Lào có lẽ càng trân quý nhau hơn.
 
Hạnh phúc chưa trọn vẹn
 
Yêu và được sống với người mình yêu là hạnh phúc. Nhưng với những cô dâu đến từ bên kia biên giới và cả gia đình của họ, niềm vui vẫn chưa thật sự trọn vẹn bởi những vấn đề về thủ tục pháp lý. Có không ít những cô dâu Lào sang Việt Nam gần 20 năm những chưa được nhập tịch, những cặp vợ chồng Lào Việt dù đã sống với nhau có 5-6 người con nhưng vẫn chưa có đăng ký kết hôn và những đứa con của họ vẫn có nhiều em chưa có giấy khai sinh. Kéo theo đó là nhiều thiệt thòi của những gia đình đa văn hóa trong các vấn đề như hộ khẩu, đất đai canh tác, chế độ y tế hay chuyện đến trường của các cháu nhỏ…
 
 
mt-cp-v-chng-vit-lo-k-li-chuyn-tnh-vt-bin-gii-ca-mnh.jpg
Một cặp vợ chồng Việt - Lào kể lại chuyện tình vượt biên giới của mình
Chị Lương Mẹ Khăm (SN 1978), người gốc bản Co Đù, xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) theo chồng về Việt Nam, làm dâu ở bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu (huyện Kỳ Sơn) đã gần 20 năm, sinh 6 người con (5 gái, 1 trai) nhưng chị vẫn chưa được nhập quốc tịch và hai vợ chồng cũng chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn. Chồng chị, anh Lương Văn Thon đang đi làm ăn xa, một mình chị ở nhà vừa chăm sóc đàn con, vừa làm rẫy và làm thêm nghề dệt váy thổ cẩm để mưu sinh. “Mặc dù vẫn được chính quyền địa phương quan tâm (hỗ trợ gạo, tạo điều kiện cho con cái học hành) nhưng vì chưa nhập quốc tịch nên mình không được hưởng các chế độ, chính sách khác, cũng không có thẻ bảo hiểm để khám, chữa bệnh, lắm lúc thấy tủi thân lắm”, chị Khăm chia sẻ.
 
Chị Lương Thị Xôm (SN 1989), rời quê hương bản Huồi Khoong, xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) để theo chồng là anh Lương Văn San về làm dâu ở bản Kèo Cơn, xã Keng Đu, làm vợ rồi làm mẹ của 3 đứa con thơ. Không biết đọc, biết viết, cũng không biết nói tiếng địa phương, lại không phải người bản địa, chưa được nhập quốc tịch Việt Nam nên đôi khi chị vẫn cảm thấy lạc lõng, ngại giao tiếp.
 
 
nghe-copy.jpg
Mặc dù về chung sống và có con nhưng nhiều cặp vợ chồng ở vùng biên giới Nghệ An vẫn chưa được nhập hộ tịch.

 

 
Còn anh Lương Văn Xuyên (SN 1969, trú bản Lằn, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) dù đã cưới người vợ Lào Lo Thị Khun (SN 1972) hơn 20 năm, các thủ tục cưới xin theo phong tục hai nước đã làm xong từ lâu nhưng vẫn chưa thể có giấy đăng ký kết hôn vì những vướng mắc vấn đề thủ tục. “Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của gia đình, nhất là các giấy tờ học tập của con” anh Xuyên nói. Cũng có trường hợp như anh Xeo Văn Xuân (SN 1969), và vợ là chị Xeo Mẹ Dung (SN 1986) trú ở bản Huồi Lê, xã Keng Đu có với nhau 5 đứa con nhưng mới chỉ có 2 đứa có giấy khai sinh.
 
Theo thông báo tại Công văn số 1178/BNG-UBBG ngày 4/4/2019 của Bộ Ngoại giao Việt Nam, có 202 người Lào kết hôn không giá thú trong vùng biên giới tỉnh Nghệ An (Việt Nam) giáp với các tỉnh (Hủa Phăn, Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng) của Lào được phép ở lại nơi cư trú. Trong đó huyện Kỳ Sơn có 107 trường hợp, còn lại đang sinh sống tại các huyện Quế Phong, Tương Dương và Con Cuông. Việc tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục nhập quốc tịch và đăng ký kết hôn cho cộng đồng này không những mang ý nghĩa nhân văn khi sớm ổn định cuộc sống của bà con, đưa đến hạnh phúc trọn vẹn hơn cho những mái nhà 2 quốc tịch mà còn góp phần quản lý vấn đề di cư dọc biên giới hai nước và là sợi dây thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó lâu đời của 2 nước, 2 dân tộc. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm