Lễ khai giảng đặc biệt ở xã biên giới

11/01/2017 - 18:59
Vào những năm 1997 - 2000, tỉ lệ phụ nữ và trẻ em gái mù chữ ở tỉnh Quảng Bình còn rất cao, tập trung chủ yếu ở các xã miền núi, dân tộc thiểu số, vùng Công giáo.

Mỗi lần đi công tác ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tôi thấy chị em ở bản Cà Xen đến nhận gạo nhà nước hỗ trợ, ai nấy đều chấm dấu vân tay thay ký tên vì không biết chữ. Trên danh sách nhận gạo, một dãy dấu vân tay màu đỏ như dấu chân của những chú thỏ rừng hoang dại. Thương chị em, tôi về đề xuất với chị Hoàng Thị Ái Nhiên (khi đó là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam) tìm cách giúp chị em.

Chị Nhiên sang làm việc với Sở GD&ĐT để bàn phương án phối hợp, đồng thời tranh thủ gặp gỡ các tổ chức quốc tế để kêu gọi hỗ trợ. Với tâm huyết của chị và ý nghĩa thiết thực của việc xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nên các cấp của ngành GD&ĐT đã phối hợp, vào cuộc và Dự án Phòng chống sốt rét Việt - Úc đã nhận được tài trợ.

 Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN VN Hoàng Thị Ái Nhiên dự lễ khai giảng năm học 2016-2017 tại xã Lâm Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình

Chuẩn bị khai giảng lớp xóa mù chữ cho chị em phụ nữ xã Dân Hóa (xã biên giới Việt - Lào), tôi và chị Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Hóa, lên trước một ngày để tiền trạm. Tối đến, thầy Hồ Đeng - Hiệu trưởng trường cấp 1 2 xã Dân Hóa - nhường phòng cho hai chị em. Nói là phòng cho oai, nhưng thực ra chẳng có gì ngoài chiếc giường đơn, nằm sát cái vách ọp ẹp của lớp học. Đã khuya rồi, lạ giường, khó ngủ, giữa núi rừng thăm thẳm, hai chị em vẫn nghe văng vẳng tiếng của thầy Đeng: “Kính thưa các đồng chí…” rất nhiều lần. Hóa ra, thầy tập đọc trước bài diễn văn khai mạc lớp học vì đây là lễ khai giảng chưa từng có ở xã biên giới này.

Buổi khai giảng diễn ra đơn sơ nhưng ấm áp và thật xúc động, nhiều chị chưa nói rõ tiếng Kinh, có nhiều chị con còn nhỏ, phải bồng con đến dự khai giảng. Trong lời phát biểu của các đại biểu có xen lẫn cả tiếng trẻ khóc. Chị Hoàng Thị Ái Nhiên đã động viên, dặn dò chị em nhiều điều, đặc biệt là phải cố gắng học cho được cái chữ.

Lớp học chưa được hai tuần thì chị em bỏ học hết. Tôi và chị Phương lại lên đường, vào các bản gặp gỡ chị em để tìm hiểu nguyên nhân. Chị em tâm sự: “Chồng mình không cho đi học nữa”. Tôi bàn với chị Phương, tình hình này phải nhờ đến Trưởng bản. Hôm đó, Trưởng bản mời tất cả các ông chồng đến, tôi bỏ tiền của mình ra mua kẹo, bánh và trà để pha nước mời mọi người. Tôi và chị Phương động viên các ông chồng bằng tiếng Kinh, Trưởng bản động viên họ bằng tiếng dân tộc. Tôi không hiểu ông đã nói nội dung gì, nhưng trong cảm nhận của tôi, Trưởng bản nói và thuyết phục các ông chồng nhiều hơn những điều mà chúng tôi trao đổi, gửi gắm với ông.

Lớp học bắt đầu lại vào ngày hôm sau, chị em đi học đầy đủ, tinh thần vui vẻ, phấn chấn hơn nhiều. Điều kỳ lạ là lớp học hôm nay không có tiếng trẻ khóc. Chưa đến giờ nghỉ giải lao, đã thấy các ông chồng lũ lượt áp sát cửa lớp. Trên tay họ là những đứa trẻ đợi được mẹ tranh thủ cho bú.  

 Bà Đỗ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình

Sau giờ học, chia tay chị em để ra về, nhưng khi đi được một quãng đường khoảng nửa cây số, có một con suối khá sâu, lội qua suối, tôi nghe tiếng hai chị phụ nữ: “Em chào cô!”. Tôi ngạc nhiên nhìn người quen quen, nhưng không nhớ là ai, hóa ra là các chị học viên vừa tan lớp học đã ra khe bắt tôm cá về chuẩn bị cho bữa cơm của gia đình. Sau khóa học, tất cả chị em đều biết đọc, biết viết, các chị còn viết thư, truyền đạt thông tin từ bản này sang bản khác bằng thư.

3 năm lăn lộn với hoạt động xóa mù chữ cho phụ nữ và trẻ em ở 9 xã miền núi, dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình, hơn 700 chị em đã biết đọc, biết viết, biết làm toán, biết viết thư. Nhiều chị trở thành những cán bộ Hội LHPN nhiệt tình, tâm huyết; nhiều chị nay là cán bộ xã…   

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm