Lên kế hoạch chi tiêu cho Tết 2016

22/01/2016 - 09:08
Một số người thường có quan niệm chờ tiền thưởng Tết để mua sắm, song thật ra đó không phải “ý hay”. Để có nguồn tài chính dồi dào chuẩn bị mua sắm Tết Nguyên đán 2016, tốt nhất là nên bắt đầu việc tích lũy sớm.
appshopping.jpg

  Có thể mua trước một số nhu yếu phẩm cất trữ được trong thời gian dài 

Chuẩn bị cho Tết, những người có nguồn tài chính dồi dào thì có thể thoải mái mua sắm thật nhiều thứ. Nhưng ngay cả những người eo hẹp về tài chính thì cũng không tránh khỏi việc phải mua đồ ăn, thức uống, vật dụng mới cho gia đình, hay mua quà biếu tứ thân phụ mẫu, sếp, anh chị em. Đó là chưa nói tới nhu cầu “làm mới” bản thân bằng những bộ quần áo, giày dép hay một số loại phụ kiện mới.
Để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Nguyên đán 2016, tốt nhất là phải bắt đầu thực hiện việc tích lũy ngay từ đầu tháng 10 âm lịch - lúc mà bạn đã có thể xác định một cách khá rõ ràng về tình hình tài chính của mình hay của gia đình trong năm. Đây cũng là lúc mà mặt bằng giá cả hàng hóa trên thị trường đã định hình rõ. Trên cơ sở thực tế, bạn có thể biết được rằng mùa Tết sắp tới mình sẽ chi tiêu ở mức độ nào, từ đó sớm lên danh mục sơ bộ các khoản cần mua sắm, chi tiêu. Danh mục này có thể được phân ra thành vài mục nhỏ, ví dụ các khoản chi cho gia đình (bao gồm thực phẩm, đồ uống, quần áo và các phụ kiện, hoa và cây kiểng, tu sửa nhà cửa…); các khoản “không thể không chi” để mua quà biếu tứ thân phụ mẫu, họ hàng, những người có nhiều ân nghĩa, đối tác làm ăn, sếp… Ngoài ra, nếu có nhu cầu đi xa thì còn phải dự trù khoản chi phí đi lại. Bạn cũng đừng quên các khoản phí phát sinh (khoảng 20% tổng chi phí)…
Khi lập danh sách các thứ cần mua, bạn nên xác định rõ ràng giữa những thứ quan trọng cần phải có và những sản phẩm không có cũng chẳng sao để lược bớt các vật dụng, thực phẩm không thực sự cần thiết.
Thông thường, hàng hóa đến cận Tết sẽ tăng giá, nên có thể  phải tranh thủ mua sớm một số món. Một số thứ khác có thể mua trước Tết khoảng 1 tháng, còn lại là những món buộc phải mua vào những ngày cận Tết. Bạn cần lên lịch mua sắm, mỗi lần mua một ít, không để dồn mua cùng lúc sẽ tốn kém và có thể bị bỏ sót.
Việc tích lũy tiền có thể căn cứ theo ‘tiến trình” mua sắm nói trên. Nếu có thu nhập khá, ngoài các khoản chi thường xuyên vẫn còn dư dả, thì bạn hãy cố gắng để riêng khoản tiền dư này phục vụ cho việc mua sắm theo đúng kế hoạch. Còn nếu thu nhập không cao, bình thường không có tiền dư, thì bạn cũng cố gắng cắt giảm một phần chi tiêu để “cất riêng” một khoản, vừa đủ mua những món đồ theo kế hoạch.
Những sản phẩm có thể mua dần trước Tết khoảng 1 tháng phòng trừ tăng giá như: Bánh kẹo, chè, rượu, hoa quả sấy khô, măng, miến… Ngoài ra, bạn có thể mua trước các loại gia vị và đồ dùng gia đình như đường, muối, nước mắm, nước rửa chén, bột giặt…
Hãy cố gắng tính toán làm sao để trong 2 tháng trước Tết, bạn có thể mua sắm được khoảng 40-50% nhu cầu. Đến khi nhận tiền thưởng Tết, nhiệm vụ của bạn cũng không còn quá nặng nề. Việc nên làm vào tháng 12 âm lịch là hãy dạo qua các cửa hàng, siêu thị, đại lý lớn để xem nơi nào có những chương trình khuyến mãi, đại hạ giá, giảm giá mạnh thì tận dụng để mua sắm, nhằm tiết kiệm chi phí tối đa. Nên kiểm tra kỹ các mặt hàng khuyến mãi xem chúng có đảm bảo chất lượng không.
Bên cạnh đó, bạn còn có thể tiết kiệm chi tiêu bằng cách rủ bạn bè, đồng nghiệp cùng đi mua sắm theo nhóm, nhiều người cùng mua với số lượng lớn để được hưởng mức giá đại lý hoặc được ưu đãi, khuyến mãi; hoặc cũng có thể đi mua nguyên liệu về để tự làm một số loại thực phẩm cho gia đình sử dụng.
Việc chuẩn bị tài chính từ sớm, với kế hoạch chi tiêu hợp lý, khoa học, sẽ giúp bạn tránh được “bệnh viêm màng túi” thường xuất hiện trong mùa Tết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm