Bình quyền khởi sắc
Những điều tưởng chừng đơn giản ấy dường như lại đang khẳng định vị thế của nữ giới tại LHP nói riêng và điện ảnh nói chung. Chắc nhiều người chưa thể quên hình ảnh các diễn viên đi giày bệt đến thảm đỏ LHP Cannes lần thứ 68 vào mùa xuân năm ngoái để thể hiện sự phản đối với “gợi ý” các nữ diễn viên phải đi giày cao gót đến thảm đỏ.
Động thái đó để khẳng định họ nghiêm túc với nghề chứ không phải chỉ ăn mặc đẹp, đi giày cao gót để làm bình hoa di động, làm “màu” cho một sự kiện văn hóa lớn trên thế giới. Có lẽ, hành động của năm ngoái đã khiến những người trong ban tổ chức phải suy nghĩ thấu đáo hơn cho lựa chọn của năm nay.
Sao nữ đi giày bệt đến thảm đỏ, thể hiện sự phản đối quy định vô lý |
Kết quả tích cực đầu tiên phải kể đến là sự có mặt của 4 ban giám khảo nữ (trên tổng số 9 – quy định ban đầu khi lựa chọn ban giám khảo, dựa trên vấn đề bình đẳng giới) là: Kristen Dust, Vanessa Paradis, Valeria Golino và đạo diễn kiêm diễn viên người Ý Katayoon Shahabi.
4/9 giám khảo năm nay là nữ |
Tiếp theo đó là sự góp mặt của nhiều đạo diễn nữ, trong đó có thể kể đến Delphine và Muriel Coulin (Pháp). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh có sự hợp tác của 2 chị em, trong khi đã có rất nhiều bộ phim, dự án của các đạo diễn nam là anh em. “Tôi nghĩ rằng chúng tôi nhất định sẽ mang đến cảm giác mới lạ cho khán giả khi phim được công chiếu”, Muriel thay mặt chị gái nói.
Năm nay cũng có sự xuất hiện của 2 nhà làm phim nữ đến từ Israel là Maha Haj và nhà làm phim người Pháp là Stephanie Di Giusto.
Chưa đủ
Việc bất bình đẳng giới, trọng nam khinh nữ tại LHP Cannes đã nhiều lần bị phản đối. Từ năm 2012, phản ứng của nữ giới đối với vấn đề này càng gay gắt nhưng mỗi năm các nhà làm phim nữ lại thêm một lần thất vọng. Đỉnh điểm là chỉ có 2/19 phim của đạo diễn nữ được đề cử tranh giải Cành Cọ vàng vào năm ngoái. Điều này đã dấy lên sự tức giận của “một nửa thế giới”.
Nữ đạo diễn từng giành giải Oscar Andrea Arnold từng công khai chỉ trích: “Đó là sự thiên vị không thể chấp nhận được giữa đen và trắng”. Họ mong đợi một kết quả tích cực hơn nhiều, để cho thấy sự coi trọng tài năng của ban tổ chức. Năm nay đã có phim của 3 đạo diễn nữ tranh giải Cành cọ vàng (nhưng lại có tới 20 phim được đề cử). Đó là: Nữ đạo diễn có ảnh hưởng lớn ở Anh Andrea Arnold với “Người tình nước Mỹ” sẽ cạnh tranh với đạo diễn người Pháp Nicole Garcia với bộ phim cổ điển lãng mạn “Từ mảnh đất của mặt trăng” và đạo diễn người Đức Toni Erdmann với bộ phim cảm động về tình phụ tử “Maren Ade”. Rõ ràng, kết quả này không thể xoa dịu nữ giới.
Cành cọ vàng liệu có được trao cho đạo diễn nữ, trong khi họ chỉ có 15% cơ hội chiến thắng? |
Và nếu nhìn danh sách đề cử của năm nay cho thấy, vấn đề bình đẳng giới vẫn chưa thực sự được tôn trọng. Bằng chứng là ngoài hạng mục Phim hay nhất thì hạng mục Phim có góc nhìn mới chỉ có 4/17 phim của nữ. Còn danh sách các phim trình chiếu không tranh giải chỉ có duy nhất phim Ma nữ đồng tiền do nữ đạo diễn Jodie Foster thực hiện
Thực ra không chỉ tại LHP Cannes mà bình đẳng giới luôn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong ngành công nghiệp điện ảnh của toàn thế giới. Ngay ở Mỹ, tính đến cuối năm 2014, chỉ có 17% phụ nữ nắm vai trò sản xuất hay đạo diễn các bộ phim lớn (bằng với năm 1998). Chỉ có 7% trong tổng số đạo diễn của nước này là nữ (số liệu điều tra của Đại học San Diego State công bố vào năm 2015). |