Lịch sử phong trào “Ba đảm đang”

11/03/2016 - 18:39
Ôn lại truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong những ngày tháng 3 lịch sử, không thể không nhắc đến phong trào “Ba đảm đang” của các bà, các mẹ, các chị giữa không khí sôi sục của những ngày “Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”.

Bị thua to ở chiến trường miền Nam, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lúc này, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhân dân cả nước đã ra quân với khí thế cách mạng to lớn.

Trong không khí sục sôi thi đua đánh giặc Mỹ, Hội LHPN Việt Nam đã thảo luận kỹ và đề xuất với Trung ương Đảng tổ chức cuộc vận động phụ nữ “3 đảm nhiệm” với nội dung:

  • Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu.
  • Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu.
  • Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.

Đề xuất này của Hội LHPN Việt Nam đã được Trung ương Đảng đồng ý. Ngày 22/3/1965, Ban Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành Chỉ thị số 03 phát động phong trào phụ nữ “3 đảm nhiệm”. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chỉ đạo phong trào. Sau khi Chỉ thị 03 ban hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sửa tên “3 đảm nhiệm” thành “3 đảm đang”. Với tên “3 đảm đang” Bác Hồ đặt, phong trào có ý nghĩa vừa giản dị, vừa phù hợp với truyền thống của phụ nữ Việt Nam, càng làm tăng thêm sức mạnh động viên, lôi cuốn mọi tầng lớp phụ nữ. Phong trào đã được toàn thể phụ nữ, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các ngành… hưởng ứng nồng nhiệt. Sau hơn 2 tháng thực hiện, đến tháng 5/1965, toàn miền Bắc đã có hơn 1 triệu 70 vạn phụ nữ đăng ký thực hiện các nội dung “3 đảm đang”.

Do đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, phong trào đã nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động sức mạnh tổng hợp của hàng chục triệu phụ nữ từ nông thôn tới thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, trên mọi lĩnh vực hoạt động; đoàn kết cùng nhân dân và phụ nữ miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng, bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

* Trên mặt trận lao động sản xuất, công tác, hàng chục triệu phụ nữ đã không quản ngày đêm và bom đạn kẻ thù, vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Trong sản xuất nông nghiệp, chị em nữ nông dân “tay cày, tay súng” sôi nổi thi đua đảm đang thay nam giới làm chủ ruộng đồng, tham gia quản lý hợp tác xã, nhiều chị là chủ nhiệm giỏi. Phong trào kết nạp các anh hùng, chiến sĩ miền Nam như Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Văn Trỗi, Út Tịch... Thi đua với Thái Bình, tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha, đến năm 1972, đã có 3.468 hợp tác xã đạt mục tiêu 5 tấn thóc/ha, tăng gấp 5 lần năm 1965. Xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ nông dân dám nghĩ, dám làm, góp phần cải tạo và xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu là 11 nữ anh hùng lao động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ lợi như Nguyễn Thị Song (Hà Bắc), Nguyễn Thị Chén (Hà Tây), Phạm Thị Vách (Hải Hưng)…

dam-dang3.jpg
 Phụ nữ hăng hái tham gia phong trào "Ba đảm đang".

Trong các công trường, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ...với khẩu hiệu thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, với quyết tâm “tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, hàng chục vạn nữ công nhân “tay búa, tay súng” sôi nổi tham gia phong trào thi đua “luyện tay nghề, thi thợ giỏi” nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.  Nhiều nhà máy, xí nghiệp đông nữ đã liên tục hoàn thành kế hoạch từ 5 - 12 năm. Nhiều đơn vị, cá nhân liên tục đạt ngày công, giờ công cao, phát huy sáng kiến, hoàn thành kế hoạch, được Nhà nước tuyên dương đơn vị anh hùng như tổ sợi 1 máy con ca A ( Nhà máy dệt Nam Định). Anh hùng lao động Cù Thị Hậu, công nhân nhà máy dệt 8/3, chồng đi chiến đấu, 2 con còn nhỏ vẫn phấn đấu kiên trì suốt 8 năm chiến tranh đảm bảo ngày công bình quân cao nhất nhà máy, trong 9 năm dệt vượt mức kế hoạch hơn 8 vạn mét vải.

Chị em công tác trong các ngành y tế, giáo dục, thương nghiệp, văn hoá nghệ thuật, thông tin tuyên truyền, công tác chính quyền, đoàn thể… luôn nêu cao tinh thần phục vụ. nhiều chị nêu gương sáng tận tuỵ hy sinh, không những hoàn thành nhiệm vụ mà còn lập nhiều thành tích xuất sắc.

* Với vai trò người vợ, người mẹ đảm đang chăm lo việc gia đình, chị em đã hết lòng chăm sóc nuôi dưỡng dạy dỗ các con trưởng thành, tận tình chăm sóc cha mẹ già, giữ trọn đạo thuỷ chung. Giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam được nhân lên gấp bội bởi ý thức giác ngộ cách mạng sâu sắc, đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ vững tay súng nơi chiến trường.

* Không những là lực lượng lao động đông đảo, sáng tạo trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, phụ nữ còn là lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu hết sức gan dạ, dũng cảm.

“Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” là truyền thống của phụ nữ ta; nhưng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, chưa có cuộc chiến tranh nào lực lượng phụ nữ lại tham gia đông đảo như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thi đua với phụ nữ miền Nam, hàng chục ngàn nữ thanh niên miền Bắc đã hăng hái gia nhập các đơn vị dân quân tự vệ trực tiếp cầm súng chiến đấu với tinh thần gan dạ thông minh, phối hợp cùng các đơn vị bộ đội, dân quân bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Hàng chục ngàn nữ thanh niên tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận, lập nên những chiến công vẻ vang. Hình ảnh chị em nữ thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến với tinh thần “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm” ngày đêm bám trụ dưới bom rơi đạn nổ, sửa đường thông xe, hàng chục lần bị bom vùi, bị thương vẫn không rời vị trí, tình nguyện làm lễ truy điệu sống để đi phá bom nổ chậm, nhiều chị đã hy sinh oanh liệt giữa tuổi thanh xuân... mãi mãi là bài ca bất diệt nối tiếp truyền thống yêu nước anh hùng của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.

Lịch sử mãi mãi khắc ghi những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng của những người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Đó là bà mẹ anh hùng Nguyễn Thị Suốt vượt bao mưa bom bão đạn chèo đò đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ để vào Nam chiến đấu. Anh hùng Trần Thị Lý, người nữ dân quân trẻ tuổi Quảng Bình vượt gian khổ hoàn thành công tác giao thông liên lạc trên tuyến lửa, trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ngoan cường và dũng cảm. Chị Vũ Thị Thanh Nhâm, người xã đội phó trẻ tuổi của tỉnh Nam Hà, anh hùng gan dạ, mưu trí, phá bom nổ chậm, cứu nguy cho đồng đội và nhân dân. Anh hùng La thị Tám 23 lần bị bom vùi vẫn không rời vị trí, bình tĩnh quan sát máy bay địch đếm từng quả bom rơi, đánh dấu từng quả bom chưa nổ để tạo điều kiện thuận lợi cho công binh phá bom nổ chậm. Đặc biệt là tiểu đội nữ anh hùng 10 cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, gần 200 ngày đêm trụ lại dưới bom đạn để sửa đường thông xe, bị thương vẫn không rời vị trí, đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ, nêu cao tấm gương dũng cảm tuyệt vời, mãi mãi sáng ngời với non sông đất nước…

dam-dang2.jpg
 Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho một số đại biểu dự Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô.

Trong phong trào “Ba đảm đang” đã có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; 1.718 chị em được thưởng Huy hiệu Bác Hồ, trên 5.000 chị em là chiến sỹ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt Danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”. Những thành tích đó của Phụ nữ Việt Nam thật xứng đáng với 12 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã khen tặng nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10/1966: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang chống Mỹ cứu nước”.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm